Những ngày này, du khách lên Điện Biên không chỉ đắm chìm trong vẻ đẹp của hoa ban lung linh khoe sắc, thăm khu di tích lịch sử đầy ý nghĩa, mà còn thưởng thức những món ẩm thực và những làn điệu dân ca, dân vũ; khám phá, trải nghiệm các phong tục tập quán của các dân tộc. Đặc biệt, các bạn nữ có thể chụp ảnh check-in với trang phục phụ nữ Thái và tìm hiểu về đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây.
Dân tộc Thái có 2 ngành là ngành Thái đen và ngành Thái trắng, phân biệt qua trang phục và cách vấn tóc của phụ nữ dân tộc Thái đã có chồng. Phụ nữ dân tộc ngành Thái đen khi đã lấy chồng phải “tằng cẩu” (búi tóc lên đỉnh đầu), còn với phụ nữ dân tộc ngành Thái trắng thì không có phong tục này. Áo cóm của người phụ nữ dân tộc ngành Thái trắng có cổ hình chữ V, người phụ nữ dân tộc ngành Thái đen áo cổ tròn, đứng, ôm gọn vòng cổ. Bộ trang phục đầy đủ của phụ nữ dân tộc Thái gồm có áo ngắn (xửa cóm), áo dài (xửa luông), váy (xỉn), thắt lưng (xà yều), khăn (piêu), nón (cúp), xà tích và trang sức như hoa tai, vòng cổ, vòng tay…. Áo ngắn được may bó sát người, gấu áo vừa chấm cạp váy, có hàng cúc bạc hình bướm làm điểm nhấn, thể hiện sự độc đáo trên trang phục phụ nữ dân tộc Thái. Theo quan niệm dân gian của người Thái, hai hàng cúc bạc trên hai vạt áo xửa cóm là tượng trưng cho sự kết hợp giữa nam và nữ, giữa đực và cái để duy trì nòi giống. Hàng cúc bên trái (bên nam) được gọi là “to po” (con đực), hàng cúc bên phải (bên nữ) được gọi là “to me” (con cái). Người Thái quan niệm số bộ cúc bướm thường phải số lẻ để tượng trưng cho sự sống, sự sinh sôi nảy nở. Áo xửa cóm được mặc phổ biến trong cuộc sống hàng ngày với nhiều màu sắc khác nhau như: màu trắng, màu chàm, xanh, tím, vàng…
Dân tộc Thái đen và Thái trắng đều mặc áo xửa luông (áo dài). Loại áo này người dân tộc Thái đen thường may bằng vải chàm, có ghép màu đỏ, xanh, trắng ở cổ, ngực và gấu áo. Người dân tộc Thái trắng may bằng lụa, màu đen, áo hẹp ngang, có chiết eo, may dài đến đến mắt cá chân. Áo dài mặc trong những ngày lễ lớn của bản làng hoặc những ngày cúng bản, cúng mường, trong lễ cưới, ngày hội và khi mất về với tổ tiên.
Đi với áo cóm, áo xửa luông dài là chân váy hình ống, làm từ vải bông, nhuộm chàm. Trước đây phụ nữ dân tộc Thái thường mặc váy hai lớp: lớp lót bên trong màu trắng và lớp màu chàm bên ngoài; ngày nay họ thường may váy một lớp màu chàm. Tùy theo sở thích của từng người mà váy để trơn hoặc trang trí hoa văn ở phần gấu váy. Phần eo giữa váy và áo được trang trí bằng chiếc thắt lưng bằng vải tơ tằm hay sợi bông màu xanh. Thắt lưng được may rời để quấn quanh eo nhằm giữ chặt phần áo cóm với thân váy, đồng thời khoe dáng thon gọn của người phụ nữ dân tộc Thái.
Khăn (piêu) chủ yếu được người phụ nữ dân tộc Thái đen sử dụng, không chỉ có tác dụng che nắng, giữ ấm mà còn là vật trang sức quan trọng của các cô gái Thái trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong những ngày hội. Hai đầu khăn piêu được các cô gái thỏa sức sáng tạo để thêu thùa, trang trí các họa tiết hoa văn và cút piêu. Các mẫu hoa văn thêu trên mặt piêu thường là hình sao 8 cánh, đường viền song song, răng cưa, hình xoáy ốc, móc câu, hình tam giác, hình hoa lá, hình con vật đã cách điệu hóa… Khăn piêu không chỉ là vật trang sức mà còn là biểu tượng tham gia vào đời sống nghi thức, tập tục của người Thái như: vật đính ước, quà biếu khi cô dâu về nhà chồng hay trong một số nghi lễ dâng cúng.
Người dân tộc Thái trắng không đội khăn piêu mà đội nón tát. Nón không che kín mặt mà nở xòe như bông hoa trên đầu để tôn thêm sự duyên dáng của người con gái Thái. Nón không chỉ dùng để che sương gió, nắng mưa mà còn là đạo cụ trong điệu múa Xòe của đồng bào Thái. Để tôn lên vẻ đẹp hoàn hảo bộ trang phục, phụ nữ Thái thường sử dụng một số đồ trang sức như hoa tai, vòng tay, vòng cổ và cài dây xà tích ở thắt lưng. Khi đi chợ, đi hội, đi thăm hỏi họ hàng, phụ nữ dân tộc Thái thường đeo túi thổ cẩm để đựng đồ và làm duyên.
Theo xu hướng phát triển của xã hội, trang phục phụ nữ dân tộc Thái dần có thay đổi về sử dụng chất liệu vải; cách điệu một số chi tiết ở tay, viền cổ hoặc trang trí thêm hoa văn, họa tiết ở phần thân áo. Tuy nhiên, nhìn tổng thể vẫn giữ được vẻ đẹp độc đáo, duyên dáng và giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ, kế thừa trên mỗi bộ trang phục.
Nguồn:https://www.facebook.com/photo/?fbid=763715992536226&set=pcb.763716072536218