Hiện nay, tình trạng thiếu trường, lớp, đặc biệt ở một số khu đô thị lớn, công nghiệp, chế xuất, quá tải tại các trường công lập vẫn chưa được khắc phục. Điều này dẫn đến áp lực vào học công lập của học sinh tăng cao, khiến cho việc tuyển sinh đầu cấp, nhất là lớp 10 công lập sắp tới vô cùng căng thẳng.
Đơn cử, tại Hà Nội, hầu như năm học nào số học sinh cũng tăng mạnh. Riêng năm học 2024-2025, theo Sở GD-ĐT Hà Nội, số học sinh tăng (chưa tính mầm non) khoảng 70.000 so với năm học trước, tương ứng phải xây thêm hàng chục trường mới. Tuy nhiên, số trường học mới được xây dựng thường không thể đáp ứng kịp nhu cầu người học, dẫn đến tỷ lệ học sinh phải học ngoài công lập lớn, gây áp lực căng thẳng lên kỳ thi vào lớp 10.
Những năm gần đây, nhiều học sinh Hà Nội, nhất là khu vực ngoại thành có xu hướng chọn học giáo dục thường xuyên để tránh áp lực của kỳ thi vào lớp 10.
Hoặc tại Nghệ An, năm học mới này, TP Vinh được xem là địa bàn nóng nhất trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10, khi có hơn 6.000 học sinh lớp 9 (tăng 800 em so với năm học trước), nhưng trên địa bàn chỉ có 3 trường THPT công lập. Do đó, mỗi trường sẽ phải tăng thêm 3 lớp công lập. Những năm qua, với áp lực kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập ở TP Vinh, nhiều thí sinh đã chuyển hướng đăng ký dự thi vào các trường THPT ở huyện lân cận để tăng cơ hội trúng tuyển.
Năm 2023, Sở GD-ĐT Hà Nội từng đề xuất Bộ GD-ĐT được áp dụng cơ chế đặc thù trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập tại các quận và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành theo hướng cho phép tăng số lớp/trường, số học sinh/lớp; cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh. Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu trường lớp dẫn đến sĩ số học sinh/lớp đông chủ yếu xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Một khu đô thị mới mọc lên thì dân số tương đương với một phường, mỗi phường phải có ít nhất một trường mầm non, trường tiểu học công lập. Nhưng thực tiễn thì nhiều nơi, trường học công lập còn thiếu nhiều so với nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn. Thế nên mới có câu chuyện một phường ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) phải cho phụ huynh “bốc thăm” để tranh một suất vào học mầm non dù đúng tuyến từng gây xôn xao dư luận.
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã xin ý kiến góp ý rộng rãi dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp. Trong đó, dự thảo nêu, trường tiểu học có quy mô tối thiểu 10 lớp và tối đa 40 lớp; trường tại các xã thuộc vùng khó khăn có quy mô tối thiểu 5 lớp (quy định hiện hành, trường tiểu học có tối đa 30 lớp). Đối với các trường THPT, quy mô tối thiểu 15 lớp và tối đa 50 lớp (quy định hiện hành tối đa 45 lớp)… Những sửa đổi này trước mắt có thể góp phần quan trọng giải bài toán quá tải trường lớp hiện nay.
Tuy nhiên, cần thấy rằng việc tăng số lớp/trường là khó khăn lớn đối với các trường nội thành vốn có diện tích chật hẹp, khó mở rộng. Do đó, việc sửa quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp nếu có thì chỉ nên xem là giải pháp tình thế. Còn giải pháp căn cơ vẫn phải là các địa phương ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường công lập để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, nhất là ở những địa bàn đông dân cư, nơi có nhiều khu đô thị, khu công nghiệp. Bởi xét đến cùng, không phải người dân nào cũng đủ điều kiện để cho con học trường ngoài công lập với chi phí đắt đỏ hơn công lập khá nhiều.
Song song đó, cần tiếp tục có chính sách mạnh mẽ hỗ trợ trường ngoài công lập phát triển để thu hút những học sinh gia đình có điều kiện hơn; đầu tư hơn nữa cho hệ thống trường nghề, làm tốt công tác phân luồng… để thu hút người học học nghề. Các giải pháp thu hút học sinh đến với các trường nghề hay trường ngoài công lập nhằm mục tiêu giảm áp lực quá tải trường công, nhưng vẫn phải bảo đảm được quyền lợi người học, chất lượng giáo dục, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.
LÂM NGUYÊN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/giam-ap-luc-qua-tai-truong-cong-post738537.html