Những thời khắc khó khăn thường là điểm bắt đầu của những bước ngoặt phát triển. Nền kinh tế Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của bước ngoặt đó, với nhu cầu cải cách tự thân trong cộng đồng kinh doanh để tạo nên những xoay chuyển thực chất.
Các doanh nghiệp mong muốn có những cải cách thể chế mạnh mẽ để nền kinh tế phát triển. Trong ảnh: Sản xuất tại Tập đoàn Thaco. Ảnh: Đức Thanh |
1.
Gần 10 giờ sáng, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco vội vã bước vào phòng họp đã kín chỗ. Chuyến bay dự kiến hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn bị chậm, buộc ông phải đổi chuyến, hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), rồi di chuyển bằng ô tô tới Quảng Ninh.
“Hôm nay, tôi không thể vắng mặt được, vì có nhiều việc cần phải trao đổi trực tiếp”, ông vừa nói, vừa đi chào từng người, gửi lời xin lỗi vì chậm trễ và ngồi vào vị trí đồng Chủ tịch, bên cạnh ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Quyết định đợi ông Dương hôm đó, thay vì khai mạc đúng giờ, là của lãnh đạo nhiều tập đoàn có vị thế hàng đầu Việt Nam như bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Công ty Vàng bạc – Đá quý Phú Nhuận (PNJ), ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, cùng đại diện lãnh đạo các tập đoàn Geleximco, TH, CMC, Lộc Trời, Tổng công ty Kinh Bắc…
Cách đây đúng 1 năm, vào tháng 4/2023, họ là 21 hội viên đầu tiên của Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, do VCCI thành lập, đã đứng trên sân khấu chia sẻ cam kết sẽ đoàn kết, nỗ lực hết sức mình vì sự phát triển vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, vì sự phát triển của kinh tế đất nước, vì Việt Nam thịnh vượng với mục tiêu vào năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, văn minh, hạnh phúc mà ông Trần Bá Dương đại diện phát biểu.
Và đây là cuộc làm việc đầu tiên của Hội đồng kể từ khi thành lập, để bàn về những việc sẽ phải làm để thực hiện tầm nhìn, sứ mệnh đó, nhất là trách nhiệm xây dựng thêm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
“Khi tham gia Hội đồng này, mỗi thành viên đều thấy áp lực, nhưng Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam phải xác định rõ trách nhiệm xây dựng được các doanh nghiệp đầu ngành”, ông Dương chia sẻ với các hội viên.
Thực ra, mong muốn có được một tập hợp sếu đầu đàn của nền kinh tế là chủ đề của rất nhiều cuộc trao đổi, làm việc trong nội bộ các cơ quan nhà nước, giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhiều năm qua. Khi quy mô GDP của Việt Nam tăng nhanh, đang bước vào hàng thứ 35 của thế giới (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế năm 2023), cùng với dấu ấn mang tính chủ đạo của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong các dự án đột phá quan trọng về hạ tầng như đường cao tốc, hầm đường bộ, sân bay quốc tế… hay trong sự chuyển mình rất lớn của nhiều đô thị, nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ…, nhu cầu này càng rõ nét.
Nhưng, việc các doanh nghiệp hàng đầu bàn về cách họ sẽ làm để tập hợp được các doanh nghiệp cùng nuôi dưỡng, tạo dựng thêm nhiều doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế thì không nhiều. Hơn thế, bản thân các doanh nhân cũng thừa nhận, không dễ dàng gì khi vừa phải phát triển tốt doanh nghiệp của mình, vừa sẵn sàng tham gia gánh vác trách nhiệm dẫn dắt sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực. Chưa kể, mọi việc càng trở nên khó khăn hơn, khi dịch bệnh, bất ổn địa chính trị toàn cầu và những khó khăn của kinh tế trong nước khiến nhiều doanh nghiệp hàng đầu cũng phải lao đao.
Tuy nhiên, đặt lên bàn thảo luận, các doanh nghiệp hàng đầu đã bàn tới mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam của Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Từng chỉ tiêu chi tiết được phân tích kỹ như làm thế nào để có doanh nghiệp đạt tầm khu vực, thế nào là doanh nghiệp đạt tầm thế giới… khi hội nhập kinh tế sâu rộng nhưng đang có nhiều dấu hiệu phân mảnh.
Các chính sách mới, mang tính đột phá nào để hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc hàng đầu quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu… khi các chính sách “friends-shoring, nearshoring hay reshoring (chuyển sản xuất về các nước cùng phe, về các nước gần hay về nội địa) thay vì off-shoring (chuyển sản xuất ra nước ngoài) như trước đây.
Nhưng nền kinh tế Việt Nam không thể tận dụng cơ hội của hội nhập, của xu thế phát triển mới nếu chỉ toàn “toa tầu”, các doanh nghiệp hàng đầu đã đồng thuận như vậy khi gánh trách nhiệm của “đầu tàu”.
2.
Trong nhiều giai đoạn khó khăn, thậm chí là khủng hoảng trước đây, mục tiêu của nhiều cuộc bàn luận chủ yếu là tìm cách vượt khó, thoát ra. Hiện giờ, bài toán mà cộng đồng kinh doanh Việt Nam đặt ra đòi hỏi nhiều lời giải hơn. Một mặt, vẫn là nỗ lực phục hồi, nhưng họ không muốn đứng lên tại chỗ cũ, mà là bước tới các cơ hội phát triển mới.
Phải nói thêm, năm 2024 và những năm tiếp theo vẫn được dự báo còn nhiều khó khăn, thậm chí gió bão, nhưng cơ hội lại không nhỏ. Khi thảo luận về điều này, các doanh nghiệp vạch ra khá rõ cơ hội từ những đòi hỏi mới của hội nhập, từ yêu cầu của xu thế phát triển xanh, chuyển đổi số với những sức ép rất lớn từ cả cam kết chính trị, cũng như đòi hỏi của người tiêu dùng, xu hướng phát triển, dịch chuyển của các tập đoàn lớn trên thế giới. Đặc biệt, sân chơi lớn với bán dẫn, chip, AI… đang vô cùng hấp dẫn.
Chính trong lúc này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhắc đến hình bóng của đội ngũ các nhà doanh nghiệp công nghiệp, doanh nghiệp công nghệ dân tộc, có tích tụ tư bản, có nhu cầu kết hợp với đội ngũ nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia để nắm bắt, áp dụng, đổi mới và làm chủ công nghệ.
“Tôi đang thấy nhen nhóm đội ngũ này. Chỉ cần có chính sách, thể chế duy trì niềm tin kinh doanh dài hạn, thúc đẩy động lực sáng tạo của những người làm kinh doanh, của đội ngũ kỹ sư, chuyên gia, nhà khoa học… sẽ tạo nên thành tựu không thể ngờ cho nền kinh tế trong cuộc cách mạng 4.0, như các thế hệ người kinh doanh Việt Nam đã làm được điều thần kỳ. Đây là thời điểm bước ngoặt”, ông Cung tin tưởng.
Với thế hệ chuyên gia nghiên cứu như TS. Cung, có 3 dấu mốc được coi là bước ngoặt của công cuộc cải cách thể chế kinh tế.
Dấu mốc đầu tiên là năm 1989, khi Việt Nam lần đầu có tên trong các quốc gia xuất khẩu gạo, nhờ khoán 10 và mở rào cho doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu. Trước đó, năm 1988, Việt Nam phải nhập 199.500 tấn lương thực. Kể từ thời điểm này, Việt Nam đã bước vào hành trình chuyển đổi thể chế từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Dấu mốc thứ hai là sự công nhận khu vực doanh nghiệp tư nhân, với cuộc cách mạng mang tên Luật Doanh nghiệp 1999. Chỉ vài năm sau đó, số doanh nghiệp thành lập đã gấp cả chục lần so với 10 năm trước.
Dấu mốc thứ ba là năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đánh dấu làn sóng cải cách toàn diện, nhanh chóng, chuẩn chỉnh về hệ thống pháp luật kinh doanh…
Phần lớn thế hệ doanh nhân thành danh hiện tại, trong đó có các doanh nghiệp hội viên Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, đã khởi nghiệp, trưởng thành và ghi dấu ấn lớn trong nền kinh tế qua các dấu mốc này. Nhưng hiện tại, lợi thế sẵn có từ một nền kinh tế đang phát triển, đang hội nhập không còn nhiều nữa.
“Các doanh nghiệp đang cần luồng gió mới để tạo ra giá trị mới. Tôi tin là đã đến thời điểm cần có đột phá trong cải cách thể chế, để cấy thêm sinh khí cho cộng đồng kinh doanh”, ông Cung bày tỏ.
3.
Không gian cho những doanh nghiệp thế hệ mới, thế hệ tương lai của nền kinh tế cũng là điều PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trăn trở. Lâu nay, dù cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi luôn được đặt lên hàng ưu tiên, nhưng theo ông Thiên, dường như vẫn chỉ là chỉnh sửa, cơi nới, chứ chưa hướng tới đích này. Lý do vẫn nằm ở tư duy về phát triển doanh nghiệp.
“Trong việc thiết lập chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng, không gì hiệu quả bằng chính các doanh nghiệp đầu chuỗi như Thaco, Hòa Phát, TH True milk… tìm kiếm, nuôi dưỡng và đưa doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mạng lưới. Nhưng để làm được, các doanh nghiệp cần có cơ chế chính sách và các nguồn lực tài chính hỗ trợ. Khi đó, kết quả của chính sách hỗ trợ không chỉ là một vài doanh nghiệp, mà là một chuỗi giá trị mà nền kinh tế đang cần. Nhưng hiện tại, chúng ta vẫn e dè khi nói đến hỗ trợ doanh nghiệp lớn…”, ông Thiên đau đáu.
Cùng với đó, tư duy đẩy khó cho doanh nghiệp, giữ an toàn cho cơ quan quản lý vẫn tiếp tục khiến hệ thống pháp luật kinh doanh ẩn chứa vô vàn ngầm thác. Trong Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2023 mà VCCI công bố vào cuối tháng 4/2024, các doanh nghiệp vẫn phải nhắc đến nghịch lý, mặc dù hoạt động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đang được thúc đẩy, nhưng khi soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật mới, hay sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành, các quy định bất hợp lý, gây vướng cho doanh nghiệp lại xuất hiện.
Hệ quả là khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam “li ti” và “đơn lẻ” càng lớn hơn trong trong thập kỷ mất mát của kinh tế toàn cầu.
Cũng phải nói thêm, trong thời điểm hiện tại, giới chuyên gia kinh tế thế giới tiếp tục nói về cải cách thể chế kinh tế như là giải pháp đầu tiên, thậm chí là duy nhất để các nền kinh tế sống sót, thoát khỏi nguy cơ suy thoái. Thực tế này đang đặt ra đòi hỏi cải cách thể chế của Việt Nam ở cả hai phía, áp lực từ bên ngoài, khó khăn của thị trường, cạnh tranh cao… và đòi hỏi từ bên trong, nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới.
Tuy các chuyên gia cho rằng, cải cách thể chế sẽ mất nhiều thời gian hơn để tạo nên bước ngoặt phát triển, nhưng đây là thời điểm của những cải cách tự thân, vì chính mình, nên sẽ có tính triệt để và thực chất.
Nguồn: https://baodautu.vn/thoi-diem-cua-nhung-cai-cach-tu-than-vi-chinh-minh-d214022.html