Theo kế hoạch, Bộ GTVT sẽ tổ chức phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công và các dự án đã huy động được nguồn vốn bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Đặc biệt ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ và hàng không, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về giao thông của vùng, đảm bảo tính lan tỏa, liên vùng hình thành kết nối Tây Nguyên với duyên hải Trung Bộ và Đông Nam Bộ, từ đó khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.
Bộ GTVT sẽ phối hợp, hỗ trợ địa phương trong quá trình nghiên cứu, đầu tư các tuyến cao tốc như: Quy Nhơn – Pleiku, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, Gia Nghĩa – Chơn Thành, một số đoạn cao tốc thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây; mở rộng các Cảng Hàng không Liên Khương, Pleiku và Buôn Ma Thuột; khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt; tuyến đường sắt kết nối Tây Nguyên (Đà Nẵng – Kon Tum – Gia Lai – Đắk Lắk – Đắk Nông – Bình Phước).
Cụ thể, dự kiến đến năm 2030, Bộ GTVT hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku có chiều dài 180km với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 54.000 tỷ đồng.
Đến năm 2027, dự kiến đưa vào khai thác tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có chiều dài 118km với tổng mức đầu tư sơ bộ gần 22.000 tỷ đồng.
Đến năm 2027, dự kiến đưa vào khai thác tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành có chiều dài 129km với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 25.500 tỷ đồng.
Đến năm 2028, đưa vào khai thác tuyến Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài 67km với tổng mức đầu tư hơn 18.120 tỷ đồng.
Đến năm 2025, Bộ GTVT cũng nghiên cứu bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum vào quy hoạch. Nghiên cứu chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây, tiến trình đầu tư tuyến sau năm 2030 gồm: Cao tốc Ngọc Hồi – Pleiku có chiều dài 90km, quy mô 6 làn xe với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 18.900 tỷ đồng; Cao tốc Pleiku – Buôn Ma Thuột có chiều dài 160km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 33.600 tỷ đồng; Buôn Ma Thuột – Gia Nghĩa có chiều dài 105, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư 22.050 tỷ đồng.
Đối với quốc lộ, dự kiến hoàn thành nâng cấp 63km Quốc lộ 24 (Kon Tum – Quảng Ngãi) đoạn còn lại với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng vào năm 2030.
Đối với đường sắt, đến năm 2030 dự kiến hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt và đường sắt kết nối Tây Nguyên (Đà Nẵng – Kon Tum – Gia Lai – Đắk Lắk – Đắk Nông – Bình Phước).
Với hàng không, Bộ GTVT dự kiến hoàn thành nâng cấp 3 cảng hàng không vào năm 2029 gồm Cảng Hàng không Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột và hoàn thành vào quy hoạch Cảng Hàng không Măng Đen vào năm 2025.
Để có nguồn lực thực hiện, Bộ GTVT sẽ phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên; hướng dẫn, phối hợp công tác đầu tư kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa.
Bộ GTVT cũng phân cấp, phân quyền cho các địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng do trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các công trình giao thông để phát huy tính chủ động của các địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/loat-du-an-giao-thong-trong-diem-lam-dong-luc-phat-trien-tay-nguyen-a662153.html