Chiến sự Nga-Ukraine ngày 4/5/2024: Nga tiếp tục bắn hạ ATACMS; Donald Trump công bố kế hoạch giải quyết xung đột Chiến sự Nga-Ukraine 5/5/2024: Ukraine có thể yêu cầu quân đội châu Âu; Pháp ủng hộ tiếp tục đối thoại với Nga |
Trong tuyên bố mới nhất, Phó Chủ tịch Verkhovna Rada của Ukraine Alexey Goncharenko thừa nhận, Kiev có thể yêu cầu phương Tây gửi quân đội tới lãnh thổ nước này trong trường hợp mặt trận thiếu lực lượng chiến đấu.
Quân đội Nga tiếp tục giành quyền kiểm soát các khu vực quan trọng ở mặt trận Avdeevka và Bakhmut. Ảnh: TASS |
Theo lời ông Alexey Goncharenko, “hoàn toàn có khả năng” lãnh đạo Ukraine sẽ quyết định đưa ra đề nghị trên với các đồng minh phơng Tây. Ông này cũng nhắc lại lời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đề xuất đưa quân đội nước ngoài tới Ukraine và coi tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp là “một tín hiệu tốt”.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky thừa nhận ông không thể công khai yêu cầu các đối tác phương Tây gửi quân tới nước này. Đồng thời, theo nhà lãnh đạo Ukraine, ông thực sự muốn phương Tây và NATO gửi quân tới. Nếu điều này xảy ra, ông sẽ không bao giờ từ chối.
Ông Volodymir Zelensky giải thích rằng không thể đóng vai trò là người khởi xướng, vì khi đó Nga “sẽ làm mọi cách để ngăn chặn viện trợ quân sự từ các nước khác”. Ngoài ra, Tổng thống Ukraine bày tỏ lo ngại người dân các nước phương Tây sẽ gây áp lực lên chính quyền khiến họ không thể gửi binh lính đến Ukraine.
Vào cuối tháng 2/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra sáng kiến gửi quân đội nước ngoài tới Ukraine, nhưng chỉ tham gia hoạt động hỗ trợ, mà không ra tiền tuyến. Sau đó, nhà lãnh đạo nước Pháp liên tục nhắc lại rằng lựa chọn như vậy là có thể.
Đồng thời, ông Emmanuel Macron tuyên bố rằng nhiều nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ hướng tiếp cận trên của Paris. Tổng thống Pháp nhấn mạnh: “Chúng ta có nghĩa vụ chuẩn bị cho mọi tình huống”.
Đề xuất của Tổng thống Pháp bị chỉ trích rộng rãi. Slovakia, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Thụy Điển, Hungary, Đức, Mỹ, Canada, Italia, Tây Ban Nha và nhiều nước khác gần như ngay lập tức lên tiếng phản đối việc đưa quân đội nước ngoài tới Ukraine.
Đặc biệt, Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto thừa nhận rằng không thấy bất kỳ lợi ích nào trong những tuyên bố như vậy của Tổng thống Pháp. Ông chỉ ra rằng hành động gửi quân tới Ukraine chỉ khiến “làm tăng căng thẳng”. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Italia cũng cảnh báo việc đưa binh sĩ phương Tây tới Ukraine sẽ dẫn đến xung đột, thậm chí còn lớn hơn và khó kiểm soát với Nga.
Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên NATO cần nhất trí về vấn đề này. Ông muốn có sự đảm bảo rằng không một quốc gia phương Tây hay NATO nào có ý định đưa quân tới lãnh thổ Ukraine hoặc hành động tương tự.
Ukraine có thể gửi lời đề nghị đồng minh phương Tây gửi quân nếu mặt trận có những chuyển biến xấu. Ảnh: AP |
Liên quan tới khả năng phương Tây gửi quân tới Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng việc gửi binh sĩ châu Âu tới Ukraine sẽ dẫn đến xung đột giữa Nga và NATO.
“Trong trường hợp này, chúng ta không cần nói về xác suất mà là về tính tất yếu. Đây là cách chúng tôi đánh giá nó. Và các quốc gia này nên đánh giá và nhận thức điều này theo cách tương tự. Và tự hỏi liệu điều này có vì lợi ích của họ hay không, quan trọng nhất là có vì lợi ích của công dân nước họ hay không”, ông Dmitry Peskov tuyên bố.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cảnh báo những kẻ can thiệp có thể sẽ phải đối mặt với hậu quả bi thảm hơn nhiều. Ông nhắc lại rằng quân đội Nga cũng có vũ khí, bao gồm cả những loại có khả năng tấn công mục tiêu trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine.
Liên quan tới tình hình chiến trường, hãng thông tấn TASS của Nga đăng tải, các đơn vị xung kích của Nhóm tác chiến Trung tâm đã chính thức kiểm soát khu vực kiên cố lớn nhất của Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) tại Krasnogorovka, vùng Donetsk.
“Lực lượng Stormtrooper với sự hỗ trợ của lực lượng pháo binh và hàng không vũ trụ đã kiểm soát nhà máy sản xuất vật liệu chịu lửa và công sự quan trọng và lớn nhất của đối phương”, nguồn tin từ Quân đội Nga cho biết. Hiện các đơn vị tuyến 2 đang tiếp quản khu vực và dọn dẹp các ổ kháng cự.
Trước đó, ngày 4/5, phóng viên quân sự Alexander Sladkov đã đăng tải một đoạn video trên kênh Telegram cá nhân về hình ảnh quốc kỳ Nga tung bay tại nhà máy vật liệu chịu lửa ở Krasnogorovka. “Lữ đoàn 5 Quân khu phía Nam. Giờ đây, thành trì chính của Lực lượng vũ trang Ukraine đã được chúng tôi giải phóng hoàn toàn!”, phóng viên quân sự Alexander Sladkov viết.
Cùng ngày, Quân đội Nga cũng đã xác lập quyền kiểm soát ngôi làng Kotlyarovka, vùng Kharkov.
Nguồn: https://congthuong.vn/chien-su-nga-ukraine-hom-nay-ngay-552024-ukraine-se-yeu-cau-phuong-tay-gui-quan-tham-chien-318351.html