Báo Arab News của Saudi Arabia vừa đăng bài viết với nhan đề “Thế giới làm thế nào để ứng phó với chủ nghĩa khủng bố” của Tiến sĩ Majid Rafizadeh, nhà khoa học chính trị người Mỹ gốc Iran được đào tạo tại Đại học Harvard.
Đối đầu với chủ nghĩa khủng bố đòi hỏi một cách tiếp cận nhiều mặt nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan. (Nguồn: AFP) |
Bài viết nêu bật những thách thức của chủ nghĩa khủng bố, đồng thời “gợi mở” một số chiến lược ứng phó với chủ nghĩa khủng bố và cực đoan để hướng một thế giới an toàn hơn.
Cách đây 13 năm, Osama bin Laden – kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố 11/9 ở Mỹ – đã bị tiêu diệt. Nhiều người trên thế giới hy vọng sự kiện này sẽ là bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố, coi đây là một đòn quyết định chấm dứt các hoạt động bạo lực cực đoan.
Tuy nhiên, chủ nghĩa khủng bố vẫn tồn tại như một mối đe dọa toàn cầu hiện nay, bằng chứng là sự kiện bi thảm hôm 22/3, khi vụ tấn công khủng bố kinh hoàng làm rung chuyển địa điểm tổ chức hòa nhạc Crocus City Hall ở Krasnogorsk, gần Moscow (Nga). Cuộc tấn công do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện đã cướp đi sinh mạng của 145 người vô tội, cùng với hàng trăm người khác bị thương.
Hậu quả của những hành động tàn bạo như vậy khiến các cộng đồng choáng váng, đồng thời, gieo rắc nỗi sợ hãi và bất an trong lòng người dân trên toàn thế giới. Trước sự tàn bạo như vậy, câu hỏi được đặt ra: “Làm thế nào chúng ta có thể đương đầu với chủ nghĩa khủng bố một cách hiệu quả?”. Tác giả bài báo cho rằng, mặc dù không có giải pháp duy nhất cho vấn đề phức tạp này, nhưng có một số chiến lược có thể được sử dụng để giảm thiểu mối đe dọa và hướng tới một thế giới an toàn hơn.
Trước hết, điều quan trọng là phải chỉ ra rằng, trong thế giới kết nối mà chúng ta đang sống, chủ nghĩa khủng bố không có ranh giới. Vì vậy, cách ứng phó của con người đối với chủ nghĩa khủng bố phải vượt qua biên giới quốc gia. Hợp tác quốc tế mạnh mẽ thông qua các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo và sự phối hợp giữa các lực lượng đặc nhiệm là điều tối quan trọng.
Bằng cách tổng hợp các nguồn lực, kiến thức chuyên môn và thông tin tình báo, các quốc gia có thể theo dõi và triệt phá các mạng lưới khủng bố một cách hiệu quả trước khi chúng có thể thực hiện kế hoạch tấn công khủng bố. Cách tiếp cận này không chỉ nâng cao hiệu quả của các nỗ lực chống khủng bố mà còn thúc đẩy niềm tin và sự đoàn kết giữa các quốc gia trước mối đe dọa chung.
Thứ hai, vì chủ nghĩa khủng bố thường bén rễ trong những môi trường bất ổn chính trị, bất công xã hội và nghèo đói, nên chúng ta phải giải quyết những nguyên nhân sâu xa này. Điều đó đòi hỏi phải đẩy mạnh phát triển kinh tế cũng như thúc đẩy ổn định chính trị và công bằng xã hội. Ngoài ra, bằng cách đầu tư vào giáo dục, chăm sóc y tế, cơ sở hạ tầng và tạo việc làm, chúng ta có thể tạo cơ hội cho các cộng đồng dễ bị tổn thương và yếu thế, từ đó làm giảm tính nhạy cảm của họ với các hệ tư tưởng cực đoan.
Thứ ba, các nhóm cực đoan khai thác các kênh truyền thông hiện đại, bao gồm mạng xã hội và nền tảng trực tuyến, để phổ biến các hệ tư tưởng độc hại và chiêu mộ thành viên. Để chống lại hoạt động tuyên truyền này một cách hiệu quả, các chính phủ, các công ty công nghệ và các tổ chức xã hội dân sự phải phối hợp để phá vỡ các tư tưởng cực đoan và thúc đẩy các thông điệp về sự khoan dung, ôn hòa và hòa bình. Điều này đòi hỏi phải thực hiện các giải pháp chống tuyên truyền cực đoan, áp dụng công nghệ kỹ thuật số để giám sát và ngăn chặn cực đoan hóa trực tuyến cũng như tương tác với các cộng đồng dễ bị lợi dụng.
Điều này có nghĩa là việc xây dựng lòng tin và sự hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật và cộng đồng địa phương là điều cần thiết trong việc ngăn chặn khủng bố và chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Các sáng kiến gắn kết cộng đồng, chẳng hạn như các chương trình tiếp cận cộng đồng, diễn đàn đối thoại và các hoạt động xây dựng quan hệ đối tác, có thể thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa chính quyền và các thành viên cộng đồng.
Nói cách khác, bằng cách thu hút sự tham gia của cộng đồng vào việc thiết kế và thực hiện các chiến lược chống khủng bố, các chính phủ có thể thu được những hiểu biết có giá trị, xây dựng khả năng phục hồi và huy động các nguồn lực địa phương để giải quyết các thách thức an ninh một cách hiệu quả.
Thứ tư, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu phát triển nhờ có các nguồn tài trợ, vì vậy việc phá vỡ mạng lưới tài chính của các nhóm khủng bố là điều cần thiết để làm suy yếu khả năng hoạt động của chúng. Các tổ chức tài chính, tổ chức quốc tế và các quốc gia phải hợp tác cùng nhau để xác định, theo dõi và ngăn chặn nguồn tài chính được chuyển cho các tổ chức khủng bố.
Điều này đòi hỏi phải thu thập thông tin tình báo tài chính mạnh mẽ, tăng cường khuôn khổ pháp lý và phối hợp hành động để phong tỏa tài sản của những kẻ khủng bố và truy tố những kẻ hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, hợp tác với khu vực tư nhân, bao gồm ngân hàng, dịch vụ chuyển tiền và nền tảng thanh toán trực tuyến, là yếu tố rất quan trọng trong việc phát hiện và ngăn chặn các giao dịch tài chính bất hợp pháp.
Thứ năm, giáo dục là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất mà chúng ta nên áp dụng để ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố cũng như thúc đẩy hòa bình và lòng khoan dung. Điều này đòi hỏi phải đầu tư vào hệ thống giáo dục nhằm thúc đẩy tư duy phê phán, lòng khoan dung và tôn trọng sự đa dạng.
Chẳng hạn, chương trình giảng dạy có thể bao gồm các học phần về giải quyết xung đột, nhân quyền và giáo dục công dân, trao quyền cho học sinh trở thành những công dân có hiểu biết và gắn kết, phản đối bạo lực và chủ nghĩa cực đoan. Ngoài ra, các chiến dịch nâng cao nhận thức và chương trình tiếp cận cộng đồng có thể giúp công dân hiểu rõ về sự nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan, cung cấp các nguồn lực để can thiệp và hỗ trợ.
Tăng cường khả năng phục hồi xã hội trước các cuộc tấn công khủng bố đòi hỏi các biện pháp chủ động nhằm nâng cao khả năng ứng phó khẩn cấp, tăng cường an ninh cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân và gia đình họ. Các quốc gia có thể tăng cường đầu tư vào các chương trình đào tạo và nguồn lực cho lực lượng ứng phó đầu tiên, các chuyên gia chăm sóc y tế cũng như các đơn vị xử lý khủng hoảng để đảm bảo ứng phó hiệu quả trước các vụ tấn công khủng bố.
Các cơ sở hạ tầng quan trọng, như trung tâm giao thông, địa điểm công cộng và mạng lưới liên lạc, cũng cần được bảo vệ trước các mối đe dọa tiềm ẩn thông qua các biện pháp an ninh và kế hoạch dự phòng. Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ toàn diện, bao gồm tư vấn y tế, hỗ trợ tài chính và các chương trình phúc lợi xã hội, nên được cung cấp cho nạn nhân và gia đình họ để hỗ trợ phục hồi.
Nguồn: https://baoquocte.vn/goi-mo-nhung-chien-luoc-can-co-de-tao-buoc-ngoat-trong-ung-pho-voi-chu-nghia-khung-bo-hien-dai-270193.html