DNVN – Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, ngày 4/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Các ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 tiếp tục chuyển biến tích cực. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 0,8% so tháng 3 và tăng 6,3% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 6% (cùng kỳ giảm 2,5%).
Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá cao. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 2% so tháng 3 và tăng 9% so cùng chung 4 tháng tăng 8,5%.
Cùng với đó, nông nghiệp phát triển ổn định. Trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản đều đạt kết quả tích cực, xuất khẩu nông sản đạt gần 20 tỷ USD. Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tích cực, xuất siêu tăng.
Các ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 chuyển biến tích cực.
Trong tháng 4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 61,20 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 238,9 tỷ USD, tăng 15,2%. Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá các bộ, ngành đã chuẩn bị kỹ các báo cáo và những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn. Đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, khả thi .
Bên cạnh những kết quả là cơ bản mà các đại biểu đã chỉ ra, Thủ tướng nêu rõ, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức. Tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư của khu vực tư nhân trong một số lĩnh vực còn khó khăn. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao.
Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết. Nợ xấu có xu hướng tăng. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm. Còn 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ.
Nhấn mạnh quan điểm định hướng chỉ đạo, điều hành thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ ngành thực hiện hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô; chủ động và linh hoạt chính sách tiền tệ. Phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, vàng và xử lý nghiêm các vi phạm.
Cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Cụ thể, về đầu tư, Thủ tướng yêu cầu cải cách, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính. Không gây phiền hà, sách nhiễu, tạo thuận lợi thu hút, giải ngân đầu tư xã hội. Tăng cường các dự án hợp tác công tư, thu hút FDI có chọn lọc.
Về xuất khẩu, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới (châu Phi, Trung Đông, thị trường thực phẩm Halal, Mỹ Latinh). Có giải pháp kịp thời, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh…
Về tiêu dùng, tăng cường kết nối cung cầu, kích cầu tiêu dùng trong nước. Tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh khuyến mại, giảm giá, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới từ đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, cần phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị phục vụ thật tốt hội nghị trung ương, kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Hà Anh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/lam-moi-dong-luc-tang-truong-dau-tu-xuat-khau-va-tieu-dung/20240504103832588