ĐIỆN BIÊN-Từng chằng chịt dây thép gai, bãi mìn, công sự, 70 năm sau thung lũng Điện Biên Phủ trở thành cánh đồng lúa, ngô xanh mướt, sân bay có thể tiếp nhận 300.000-500.000 khách mỗi năm.
Nằm phía Tây Bắc cách Hà Nội khoảng 500 km, Điện Biên Phủ với tên khởi nguyên “Mường Thanh” là thung lũng rộng lớn, núi đồi bao quanh, ở giữa có dòng sông Nậm Rốn. Chịu ảnh hưởng của gió tây khô nóng, thời tiết nơi này chia hai mùa khô và mưa rõ rệt.
Điện Biên Phủ giờ là trung tâm sầm uất với diện tích hơn 308 km2, hơn 80.000 dân cư sinh sống, hạ tầng đô thị phát triển. Thành phố những ngày này đón hàng chục nghìn lượt khách viếng thăm khi Việt Nam chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
70 năm trước, Pháp xây dựng nơi này thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, chìa khóa bảo vệ Thượng Lào, hút quân chủ lực của Việt Minh về đây để tiêu diệt. Trên thực tế, Điện Biên Phủ ban đầu không nằm trong kế hoạch của cả hai bên, song đã trở thành điểm hẹn cho trận công kiên cuối cùng kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Ảnh tư liệu chụp tháng 2/1954, toàn bộ lòng chảo Mường Thanh bị quân Pháp chiếm đóng.
Cánh đồng Mường Thanh – vựa lúa lớn nhất Tây Bắc nằm cách biên giới Việt – Lào 13 km. Cánh đồng đứng đầu trong câu ca “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”, chỉ bốn vựa lúa chính của vùng là Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu) và Mường Tấc (Sơn La).
Khác ruộng bậc thang đặc trưng của vùng núi phía Bắc, cánh đồng Mường Thanh bằng phẳng trải dài gần 20 km, rộng 6-8 km thuộc địa giới TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Với gần 4.000 ha ruộng nước cho năng suất bình quân 63 tạ mỗi ha, đây vẫn là nơi canh tác chính của đồng bào người Thái. Nhiều loại gạo đặc sản như séng cù, tám thơm, nếp nương, nếp than… vang danh khắp nước. Ngoài sản xuất, cánh đồng Mường Thanh còn là điểm du lịch của Điện Biên.
Ngày 20/11/1953, những toán lính Pháp đầu tiên nhảy dù xuống cánh đồng nằm trong lòng chảo Điện Biên, dần biến nơi này thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, gồm 49 cứ điểm chia ba phân khu, được bảo vệ bởi hệ thống hầm hào, công sự, hỏa lực mạnh, bãi mìn cùng dây thép gai.
Khu hầm chỉ huy ngày nay nằm ở trung tâm TP Điện Biên Phủ, cách sân bay 300 m, cách cầu Mường Thanh 200 m, là một phần trong tổng thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Tháng 3/2013, công trình mái che hiện vật ngoài trời được khởi công nhằm bảo vệ di tích trước nắng mưa.
Hầm chỉ huy là nơi làm việc, nghỉ ngơi của De Castries, Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cùng Bộ chỉ huy quân Pháp. Khu vực này được bảo vệ bằng hệ thống dây kẽm gai và những bãi mìn dày đặc. Bốn góc có xe tăng, trận địa pháo bảo vệ ở hướng tây. Quân Pháp từng dùng bao cát, ván gỗ dựng đường hào có mái che nối liền hầm De Castries với lô cốt trên đồi A1. 17h ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Minh chiếm Sở chỉ huy quân Pháp, bắt sống De Castries. Ảnh tư liệu UIC Collection
Sân bay Mường Thanh nằm ở trung tâm lòng chảo, được người Pháp xây dựng năm 1939 cho mục đích quân sự. Sau năm 1954, sân bay phục vụ cả dân sự và quân sự, ngày nay là Cảng hàng không Điện Biên, có khả năng tiếp nhận 300.000-500.000 hành khách mỗi năm sau nhiều lần nâng cấp. Đường băng mới dài 2.400 m, rộng 45 m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại tàu bay hiện đại như A320, A321. Giữa đường băng cũ và mới nằm trong khuôn viên sân bay còn lưu giữ đài tưởng niệm nhỏ. Đây là di tích cứ điểm 105 (Huguette 6) do đơn vị lính Âu Phi chốt giữ.
Nơi đây được coi là “dạ dày” của tập đoàn cứ điểm khi mỗi ngày tiếp nhận khoảng 200 chuyến bay từ Gia Lâm (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng) tiếp tế hậu cần, lương thực, vũ khí cho lính viễn chinh Pháp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sân bay là trọng điểm bắn phá của pháo binh, cao xạ Việt Minh nhằm cắt đứt cầu hàng không chi viện, triệt tiêu khả năng cất, hạ cánh của các loại máy bay trinh sát. Trong ảnh là bộ đội Việt Minh pháo kích vào sân bay. Ảnh tư liệu UIC Collection
Một phần đường hào chiến đấu của bộ đội Việt Minh trên sườn đồi A1 được phục dựng bằng bêtông, rải xi măng chống sạt lở. Khu vực này từng là điểm giao tranh quyết liệt của hai bên từ ngày 30/3 đến 6/5/1954. Đồi A1 được coi là cuống họng của phân khu trung tâm, được bao bọc lô cốt và hầm ngầm kiên cố nhằm bảo vệ Bộ chỉ huy quân Pháp. Công phá được nơi này, bộ đội Việt Minh đã mất 39 ngày cùng nhiều hy sinh, thương vong bởi quân Pháp cố thủ trong lô cốt và có hỏa lực mạnh chi viện.
Để diệt được tập đoàn cứ điểm, bộ đội dùng chiến thuật “vây, lấn, tấn, diệt”, đào gần 200 km đường hào từ trên núi cao tiến xuống lòng chảo Mường Thanh. Đường hào có hầm chiến đấu, trữ vũ khí, nơi ngủ, sinh hoạt, cứu chữa thương binh… Dựa vào hệ thống hào giao thông này, quân Việt Minh phá bãi mìn, gỡ hàng rào kẽm gai, áp sát chân cứ điểm rồi đồng loạt xung phong. Cách đánh khiến quân Pháp khiếp đảm vì không biết đối phương sẽ tiến công khi nào, từ hướng nào.
Sức công phá của khối thuốc nổ tạo thành hố sâu hình chiếc phễu trên đỉnh đồi A1, sau 70 năm vẫn còn nguyên dấu tích. Nơi này được trải lớp ximăng tránh sụt lún, xói mòn, thường là điểm tham quan đầu tiên của du khách khi tới Điện Biên.
Đêm 6/5/1954, tiếng nổ từ khối bộc phá 960 kg là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ ngày 20/4 đến 4/5, đội công binh do chiến sĩ Nguyễn Phú Xuyên Khung dẫn đầu đào được một đường hầm dài 49 m vào lòng đồi, nhồi khối bộc phá gần một tấn chờ khai hỏa.
Cầu Mường Thanh được xây dựng vào năm 1953, nối hai bờ sông Nậm Rốm. Cầu dài 40 m, rộng 5 m, chịu tải trọng khoảng 18 tấn, được quân Pháp vận chuyển vật liệu sang lắp ghép. Mặt cầu bằng các thanh gỗ, hai bên thành là sắt chống đỡ, không có trục giữa. 70 năm trước, đây là cầu sắt duy nhất bắc qua sông Nậm Rốm, nối các cứ điểm phía Tây sông với các cao điểm phía Đông của tập đoàn cứ điểm. Cây cầu là huyết mạch vận chuyển vũ khí, vật liệu để xây dựng các cứ điểm phòng ngự khu vực phía đông.
Trên sông Nậm Rốm hiện xây nhiều cầu mới, nhưng cầu Mường Thanh vẫn được giữ lại và trùng tu hai lần vào các năm 1999, 2019. Cây cầu nằm trong số hơn 40 điểm di tích thành phần thuộc Di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ, song nhiều hạng mục đã xuống cấp.
Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm sâu trong rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn, nơi cơ quan đầu não ẩn trú từ ngày 31/1/1954 tới 15/5/1954. Nơi này cách tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chưa tới 30 km về phía Tây.
105 ngày ở đây, đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các chỉ huy họp bàn, ra mệnh lệnh, quyết định quan trọng trên chiến trường. Trong lễ duyệt binh mừng chiến thắng tại khu đồi phía Đông Sở chỉ huy, ngày 13/5/1954, tướng Giáp lần đầu tiên nói đến “tiến về giải phóng đồng bằng Bắc Bộ” – nhiệm vụ tất yếu mà cục diện chiến trường năm 1954 đặt ra cho quân đội qua 9 năm kháng chiến.
Trung tâm thành phố là nơi tọa lạc hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, như các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm Pháp (khu hầm De Castries), Nghĩa trang liệt sĩ A1; các công trình mới xây dựng như Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ trên đồi F, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ…
Trung tâm thành phố Điện Biên Phủ nhìn từ đỉnh đồi D1 thay đổi trong 20 năm gần đây.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đổi khác nhiều so với 20 năm trước. Công trình khánh thành năm 2014, thiết kế cách điệu theo hình chiếc mũ lưới của chiến sĩ Điện Biên. Bảo tàng rộng hơn 7.000 m2, trưng bày gần 1.000 hiện vật và hình ảnh về chặng đường 9 năm kháng chiến, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nổi bật là bức tranh khổng lồ tái hiện toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Tác phẩm triển khai từ tháng 11/2019 bởi 200 họa sĩ toàn quốc, tổng chi phí gần 50 tỷ đồng, thi công trong không gian vòm khép kín dài 132 m, cao hơn 9 m. Bức tranh là lời tri ân với các chiến sĩ Điện Biên, thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc.
Nghĩa trang liệt sĩ A1 ở phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, được xây dựng năm 1958, cách điểm di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét về phía Nam trên đường Võ Nguyên Giáp với 644 phần mộ liệt sĩ, hầu hết là mộ chưa biết tên.
Đường Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch Điện Biên Phủ, được đặt cho tuyến giao thông huyết mạch, trục chính kéo dài hơn gần 5 km từ đầu tới cuối thành phố.
Ngọc Thành – Hoàng Phương
Vnexpress.net
Nguồn:https://vnexpress.net/chien-dia-dien-bien-phu-sau-70-nam-4736615.html