Có 6 yếu tố thường thấy ở những cặp đôi gắn bó lâu dài với nhau. Bằng việc nhận diện và học cách xây dựng những dấu hiệu này, chúng ta sẽ tạo nên một nền móng vững chắc cho việc phát triển mối quan hệ của mình và người bạn đời.
1. Có cơ sở vật chất ổn định
Một số người nói rằng tiền bạc có thể gây rắc rối trong một mối quan hệ. Khi yêu nhau, đôi khi vì chữ tiền mà động cơ, tình cảm của cả hai bị nghi ngờ. Tuy nhiên khi đã kết hôn, tiền bạc còn thực tế hơn.
Các khoản chi tiêu hằng ngày cái gì cũng cần đến tiền. Trong hôn nhân, từ việc ăn uống, chi tiêu đến các khoản phụ giúp cha mẹ cũng đều cần dùng đến nó. Bạn chẳng thể báo hiếu cha mẹ hay cho con một môi trường tốt nếu như không có tiền. Bởi vậy, đừng bao giờ coi thường nó. Thiếu tiền thường gây nên những xích mích và mâu thuẫn giữa hai bên vợ chồng.
Một cuộc hôn nhân tốt đẹp là khi cả hai không gặp quá nhiều vấn đề về tài chính. Vợ chồng có nền tảng tài chính tốt, không phải xích mích, cãi vã mỗi khi nói tới chuyện tiền bạc. Họ cũng sẽ bớt đi nhiều điều ưu phiền, cuộc sống nhẹ nhàng hơn thì sẽ suôn sẻ hơn.
2. Vợ chồng tin tưởng và đồng hành
Vợ chồng tuy là những cá thể khác nhau nhưng vì chữ “tình” mà gắn bó chặt chẽ. Từ đó, họ tuy hai mà một. Sau khi kết hôn, cuộc sống của họ sẽ có sự đan xen và liên quan chặt chẽ với nhau trong tất cả các vấn đề xuất hiện ở cuộc sống.
Muốn đồng hành lâu dài thì cả hai cần có sự tin tưởng lẫn nhau trong tất cả các vấn đề. Dù cho sự tươi mới của tình yêu đã qua, cả hai đã bắt đầu cảm thấy đối phương thật sự quá quen thuộc, dù cho hiếm khi vợ chồng nói những câu ngọt ngào dành tặng lẫn nhau thì ở họ vẫn có sự đồng hành và gắn bó bền chặt.
Phải nói rằng, trong cuộc hôn nhân, đôi vợ chồng có thể luôn nắm chặt tay để tiến về phía trước đã là một yếu tố quan trọng làm nên hạnh phúc.
3. Chia sẻ được với nhau cả về kinh tế lẫn cảm xúc
Thay đổi lối sống đơn giản, chi tiêu tiết kiệm hơn, nấu nướng và ăn ở nhà thay vì đi ăn nhà hàng giúp vợ chồng có nhiều thời gian tăng cường sự gắn kết, chia sẻ về tài chính, tăng cường giao tiếp và thời gian chất lượng bên nhau.
Nếu một cặp đôi qua giai đoạn này không hề nảy sinh mâu thuẫn, ngược lại có thể chia sẻ gánh nặng tài chính, chia sẻ cảm xúc với nhau tốt hơn, giao tiếp nhiều hơn, gắn bó hơn, thì đó là dấu hiệu của một cặp đôi có thể hạnh phúc bên nhau trên cả quãng đường dài.
4. Hai vợ chồng đều chung thủy
Hôn nhân là chuyện của hai người, không ai can thiệp được cũng chẳng cần phải giao thiệp với ai. Nó đơn giản chỉ là vấn đề mà hai vợ chồng phải chung tay xây đắp và chung tay giải quyết.
Trong hôn nhân, một người có cố gắng đến đâu cũng vô ích. Hai người cần biết cách tập trung và cùng hướng về nhau. Điều quan trọng nhất trong việc xây dựng tổ ấm hạnh phúc chính là sự chung thủy, trung thành. Cả hai chỉ có đối phương, đừng bao giờ tạo cơ hội cho kẻ thứ ba chen chân vào và cũng đừng có ý nghĩ “vượt tường”. Có như thế thì hôn nhân mới tốt đẹp, hạnh phúc bền lâu được.
5. Đổi người quản lý tài chính trong nhà cũng không sao cả
Thông thường trong các gia đình, vợ “cầm” tài chính là kiểu phổ biến. Các bà vợ là người ra quyết định mua bán hàng ngày cho gia đình, trong khi các ông chồng đưa ra lựa chọn đầu tư dài hạn. Song hãy thử hoán đổi trách nhiệm với nhau.
Phụ nữ có xu hướng thích shopping nhiều hơn nên có thể họ sẽ chi tiêu nhiều hơn, theo cách đầy cảm tính và dễ vung tay quá đà. Còn đàn ông ư? Đối với chuyện shopping, họ có nguyên tắc, có “kỷ luật” hơn phụ nữ.
Còn với các khoản đầu tư lớn, đàn ông với bản tính liều lĩnh và tự tin thái quá lại dễ đưa ra các quyết định mạo hiểm, trong khi các bà vợ động đến những khoản chi lớn thường sẽ tìm kiếm lời khuyên chuyên nghiệp bên ngoài, tìm hiểu thêm thông tin rồi mới đưa ra lựa chọn cuối cùng. Bởi vậy việc hoán đổi vai trò người quản lý tài chính trong nhà nếu mang lại lợi ích tốt thì đây cũng là tín hiệu của một cặp đôi hòa hợp và hạnh phúc.
6. Trách nhiệm với hôn nhân
Hôn nhân là gì? Muốn xây dựng tổ ấm hạnh phúc thì cần phải như thế nào? Trên thực tế, nhiều người không nhận thức rõ ràng về điều này. Bởi vậy sau khi kết hôn, họ vẫn thiếu đi những ý thức trách nhiệm cơ bản đối với hôn nhân và gia đình.
Họ vẫn sống, cư xử chỉ biết đến bản thân như hồi còn son rỗi và không hề nghĩ ngợi gì đến nửa còn lại. Chuyện nhà cửa, đối nội đối ngoại chẳng bao giờ họ quan tâm. Họ cũng chẳng cần suy nghĩ cần làm gì thêm để gia đình êm ấm, bền chặt.
Thậm chí có vài trường hợp bạn đời gặp hoạn nạn, họ cũng quay lưng bỏ đi bởi sợ hãi phải chung tay gánh vác khó khăn, hoạn nạn.
Đó rõ ràng là những người thiếu trách nhiệm, ích kỷ và chỉ biết đến bản thân. Nói cách khác, họ chỉ có thể cùng nhau hưởng hạnh phúc, không thể nào cùng trải qua nghịch cảnh hay các thử thách cuộc sống.
Kiểu hôn nhân như thế làm sao mà vui vẻ, lâu dài và viên mãn được. Kiểu tình cảm đó giống như bạn đồng hành chứ không thể coi là vợ chồng.
Một cuộc hôn nhân thực sự viên mãn phải lấy niềm tin và sự đồng hành làm nền tảng, sự chung thủy làm hành trang và giữ gìn nó bằng tinh thần trách nhiệm thì mới có thể đi đến bến bờ hạnh phúc, bền lâu.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cuoc-hon-nhan-hanh-phuc-nao-cung-co-6-dac-diem-dien-hinh-nay-172240502112615701.htm