Sản xuất và xuất khẩu các ngành hàng đều giảm mạnh
Tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” tổ chức ngày 25/4, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù đã đạt được những kết quả tương đối tích cực trong năm 2022, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong các tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận nhiều khó khăn.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu quý I sụt giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm trước và giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước lẫn khu vực doanh nghiệp FDI; Xuất khẩu sang các khu vực, thị trường cũng đều sụt giảm, trong đó giảm mạnh nhất là thị trường châu Mỹ, châu Âu. Về nhóm hàng xuất khẩu thì giảm mạnh ở nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến, nhất là các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng.
Ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phát biểu tại Hội nghị |
Ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)- cho rằng, nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Ngoài ra, chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro. Một số ngành hàng như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Yếu tố cạnh tranh trên thị trường ảnh hưởng đến giá hàng hoá xuất khẩu.
Tại Hội nghị, các đại biểu là đại diện Lãnh đạo Hiệp hội, Hội ngành hàng và doanh nghiệp lớn đã trao đổi, rà soát, đánh giá và đưa ra những nhận định về tình hình xuất khẩu của từng ngành hàng trong các tháng đầu năm 2023. Theo đó, các đại biểu đều cho rằng sự sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 do vậy sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới. Nhu cầu thế giới hiện giảm sút rõ rệt do kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới; lạm phát duy trì ở mức cao, chưa có dấu hiệu được cải thiện; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều nước; tồn kho cao, tác động đến sức cầu nhập khẩu hàng hóa của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển. Cùng với đó là những rủi ro về thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và việc tiếp cận với nguồn nguyên liệu để tận dụng ưu đãi thuế quan của các FTA – đòi hỏi Việt Nam phải có các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, từng bước thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao, đồng thời hiện thực hóa các mục tiêu mà Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 đã đặt ra là phát triển xuất khẩu bền vững, xuất khẩu xanh gắn với kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Tiếp tục tập trung trong thời gian tới
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: Năm 2021 dù đại dịch khó khăn song chúng ta có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 642 tỷ USD. Năm 2022 vượt ngoạn mục với con số 735 tỷ USD. Theo kế hoạch năm 2023 phải có mức tăng từ 6% trở lên và kim ngạch đạt gần 800 tỷ USD. Tuy vậy quý I/2023 chúng ta chỉ đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 156 tỷ USD và nếu không có đột phá ở những quý tiếp theo thì dự báo cả năm chỉ trong ngưỡng trên dưới 600 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nguyên nhân của tình trạng nêu trên có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, tổng cầu trên phạm vi toàn thế giới giảm do lạm phát, do suy thoái, do tăng cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu. Đây là yếu tố tác động trực tiếp đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác là chi phí đầu vào, giá nguyên vật liệu, lãi suất tăng cao, tiếp cận vốn khó, nhân lực thiếu, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Nguyên nhân nữa, theo Bộ trưởng là tác động tiêu cực từ thị trường bất động sản và huy động trái phiếu của doanh nghiệp. Điều này cũng làm cho việc tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, niềm tin của các tổ chức tín dụng vào doanh nghiệp giảm đi. Bên cạnh đó là do một số cơ chế chính sách còn bất cập và chồng chéo; thiếu sự gắn bó hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giữa các hiệp hội ngành hàng với nhau… Chưa kể chất lượng sản phẩm còn thiếu ổn định, doanh nghiệp và người sản xuất còn chậm đối mới cả về quản trị và công nghệ; chậm chuyển đổi sản xuất sang xuất khẩu chính ngạch…
“Nguyên nhân này chúng ta phải thẳng thắn chỉ ra để các doanh nghiệp sản xuất, vùng trồng, vùng nuôi và các địa phương phải suy nghĩ, cùng có trách nhiệm”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị.
Dự báo thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Tình hình chính trị và kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó đoán định; tổng cầu thế giới sẽ còn giảm và cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu giữa các nước còn khó hơn; sẽ còn nhiều các rào cản kỹ thuật làm giảm động lực, giảm khả năng xuất khẩu.
Đối với trong nước, tác động từ vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đóng băng và tâm lý ngại trách nhiệm của bộ phận cơ quan, tổ chức, cá nhân… Bên cạnh đó là sự trì trệ, chậm đổi mới về công nghệ, quản trị, chậm đổi mới về phương thức sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ còn kìm hãm phát triển và khó để chúng ta khai thác được các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.
Nêu những nhiệm vụ cần tập trung cho thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị:
Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, thực hiện các chủ trương, quan điểm, cơ chế chính sách nhà nước đang có để khai thác các thị trường mà nước ta đang là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, từ thực tiễn hoạt động của mình, khẩn trương kiến nghị đề xuất với Đảng, Nhà nước, với các Bộ, ngành và địa phương sửa đổi, bổ sung và ban hành mới những cơ chế chính sách phù hợp, khả thi. “Vừa chú trọng khai thác thị trường truyền thống, vừa mở thêm các thị trường mới có tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và sản xuất trong nước”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu, tăng cường nắm bắt cơ chế chính sách của các nước nhập khẩu, nhất là những cơ chế chính sách mới để có những phản ứng chính sách hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, của người sản xuất và lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Thứ ba, chú trọng nghiên cứu luật pháp quốc tế, luật pháp của nước sở tại để làm tốt chức năng phòng vệ thương mại trong các vụ việc có tranh chấp giữa các doanh nghiệp với các đối tác, nhất là đối tác nước ngoài. Đồng thời tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ứng phó và vượt qua các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu để có thể xuất được nhiều hơn.
Thứ tư, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu cần mạnh mẽ tái cơ cấu doanh nghiệp trong các khâu quản trị, tổ chức sản xuất, tiết giảm chi phí. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu bền vững.
Thứ năm, Hiệp hội và các doanh nghiệp cần tập trung củng cố, khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy chạy”, “việc ai nấy làm”, vô hình trung lại làm khó cho nhau. “Phải quán triệt phương châm “đi buôn có bạn, đi bán có phường”, “muốn đi nhanh thì cứ đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Với cách này, các hiệp hội cần phải xốc lại trong mối quan hệ của mình, xốc lại trong mối quan hệ với các hiệp hội bạn, mối quan hệ giữa hiệp hội với doanh nghiệp, và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp”- Bộ trưởng đề nghị.
Để làm tốt các nhiệm vụ nêu trên, theo Bộ trưởng, các hiệp hội, doanh nghiệp phải liên hệ chặt chẽ với các Thương vụ và các đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng Bộ Công Thương và các cơ quan của Bộ, ngành liên quan; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, làm tốt công tác truyền thông. “Từng hiệp hội, từng doanh nghiệp phải làm tốt công tác truyền thông. Khi chúng ta làm tốt công tác truyền thông rồi chúng ta sẽ nhận được sự ủng hộ, sự chia sẻ của xã hội với những khó khăn của mình”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với các đơn vị của Bộ, để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực sản xuất, Bộ trưởng yêu cầu Cục Công nghiệp, Cục hóa chất, Cục Công thương địa phương… theo chức năng nhiệm vụ khẩn trương tổ chức các cuộc làm việc với các ngành, các địa phương để trao đổi, thảo luận, tìm cách tháo gỡ.
“Những ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội hôm nay cần được tập hợp, phân tích kỹ và tham chiếu ý kiến của các Bộ, ngành. Sau đó khẩn trương báo cáo Chính phủ để có quyết sách tháo gỡ từ cấp cao. Với những nội dung thuộc thẩm quyền của mình thì các Cục, Vụ phải xử lý”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu.
Đối với việc hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường, Bộ trưởng yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại… cần làm tốt công tác thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng, thông qua việc tổ chức các cuộc giao ban định kỳ giữa các Thương vụ với các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lớn trong nước, cũng như đại diện các địa phương trong nước.
Ngoài ra, cần đổi mới nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm khai thác và thúc đẩy các chuỗi cung ứng, lưu thông, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; Tiếp tục theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là những chính sách và động thái chính sách mới của các nước để có thông tin và tham mưu cho cấp có thẩm quyền, tư vấn cho Hiệp hội ngành hàng, cho các doanh nghiệp có những phản ứng chính sách phù hợp.
Chú trọng hướng dẫn hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác phát huy các thị trường truyền thống và khai mở các thị trường mới giàu tiềm năng như Bắc Âu, Đông Âu, Tây Á, Nam Á, Châu Phi và Mỹ La tinh; khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết để ký Hiệp định thương mại tự do với Isarel; Đẩy nhanh tiến độ đàm phán với UAE để mở cửa vào thị trường Trung Đông.
Làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn về quy tắc xuất xứ, cấp giấy chứng nhận xuất xứ, tự chứng nhận xuất xứ cho các Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu và các đơn vị được Bộ Công Thương ủy quyền.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì và phát biểu tại Hội nghị |
Hỗ trợ tích cực cho các hiệp hội, doanh nghiệp trong các vụ tranh chấp thương mại theo đúng luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế; Tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về nguy cơ các vụ kiện ở thị trường ngoài nước; chú trọng phối hợp, hỗ trợ hướng dẫn các địap hương có vùng trồng, vùng nuôi và các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện tốt Đề án xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng củng cố thương hiệu, thúc đẩy phát triển bền vững. Thực hiện tốt cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để củng cố, phát triển thị trường trong nước.
Đối với các Bộ, ngành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với các nước để mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông, lâm thủy sản mà Việt Nam có lợi thế mà các nước có nhu cầu. Đặc biệt với thị trường Trung Quốc để mở cửa thêm các mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, ớt, chanh và dưa lưới. Đồng thời, có chỉ đạo cụ thể, sát sao với các địa phương có vùng trồng, vùng nuôi để đẩy mạnh sang sản xuất, xuất khẩu chính ngạch, gắn với xây dựngthương hiệu sản phẩm. Có chính sách phát triển ổn định nguồn cung về gỗ, về nguyên liệu thủy sản hạt tiêu, hạt điều, cây dược liệu, đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, xuất khẩu.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, cần có những giải pháp chính sách hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, nhất là gói tín dụng theo chuỗi giá trị sản phẩm. Ưu tiên cho lĩnh vực xuất khẩu, nghiên cứu có chính sách khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để không chỉ cứu đơn hàng mà còn giữ vững thị trường, bởi khi mất thị trường thì rất khó lấy lại. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, với thời hạn vay, mức vay, lãi suất hợp lý để các doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.
Đối với Bộ Tài chính, bao gồm Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, cần xem xét vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ việc giảm, giãn, hoãn một số loại thuế, tạo thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp phát triển.