(QNO) – Sau 3 năm tiếp nhận giống sen Oga của Nhật Bản, anh Mai Chí Công (SN 1993, thôn Nông Sơn 1, xã Điện Phước, Điện Bàn) đã nhân giống và bảo tồn thành công loài sen quý hiếm này.
Trồng sen làm du lịch
Anh Công kể lại, lúc 17 tuổi, anh vào Sài Gòn làm nhiều nghề để mưu sinh. Sau nhiều năm bon chen nơi đất khách quê người, tích lũy được ít vốn, cuối năm 2019, anh Công quyết định về quê và chọn cây sen để khởi nghiệp.
Nhận thấy ruộng đồng quanh năm ngập trũng, cỏ mọc um tùm nếu làm lúa sẽ không hiệu quả, thế là năm 2020 anh dùng toàn bộ số tiền tích lũy – gần 200 triệu đồng để thuê đất, cải tạo đất ruộng của gia đình thành ao hồ và mua sen giống về trồng thử nghiệm.
“Lúc nhỏ, tôi hay theo cha mẹ đi chăn vịt, thấy hoa sen ngoài đầm mọc và ra hoa đẹp, tôi rất yêu thích. Cùng với đó, ở Điện Bàn nhiều mô hình trồng sen làm du lịch và thu hoạch hạt để lấy hạt bán dễ có lãi” – anh Công chia sẻ.
Ban đầu việc trồng sen anh gặp khó do chưa có kinh nghiệm, mặc khác ở khu vực anh sinh sống khá nhiều ốc bưu vàng và cá rô phi, đây là những loài hay ăn cây sen khi còn nhỏ. Để có kiến thức và kinh nghiệm, anh thường xuyên lên mạng tìm đọc về quy trình trồng sen và cách xử lý các loài động vật gây hại.
Dần dần, anh Công đã trồng thành công loài sen bản địa. Cùng với việc trồng sen làm kinh tế, anh Công còn làm cầu tre, thuyền nan để mỗi khi đến mùa sen nở, du khách ghé thăm và chụp hình lưu niệm. Mỗi năm doanh thu từ việc bán hạt sen và dịch vụ du lịch đem lại cho anh khoảng 60 triệu đồng/vụ.
Tiếp nối thành công ban đầu, anh lấy ngắn nuôi dài để đầu tư ao sen hằng năm. Đến nay diện tích trồng sen của anh đã hơn 1ha. Tuy nhiên, việc trồng sen đang thuận lợi thì đến năm 2022 do ảnh hưởng thời tiết nên cây sen chậm phát triển, năng suất thấp, doanh thu giảm đáng kể, nhưng anh vẫn theo đuổi với loại cây trồng này.
Nhân giống thành công giống sen quý
Cũng trong tháng 1/2020, ông Nikai Toshihiro – Tổng thư ký Đảng LDP, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt đã trao tặng giống sen cổ Oga cho tỉnh Quảng Nam. Sau đó các chậu sen này được tỉnh phối hợp với thị xã Điện Bàn di thực về đầm sen của gia đình anh Công để theo dõi, chăm sóc và quản lý.
Anh Công nhớ lại, anh may mắn được tỉnh giao tặng khoảng 93 củ sen cổ Oga đã lên mầm trong 10 chậu. Có được giống sen quý, anh Công đào ao, khoanh vùng khoảng 500m² và trồng tách biệt sen Oga với các loại sen bản địa trong ao để tiện theo dõi.
“Lúc mới đầu tiếp nhận sen Oga tôi vui lắm, vì biết đây loài giống sen hữu nghị giữa hai nước. Vừa mừng vừa lo, vì tôi sợ sen Nhật không thích nghi với khí hậu Việt Nam lỡ trồn không được thì tiếc lắm” – anh Công kể.
Để trồng hiệu quả giống sen Nhật, anh Công lên mạng tra cứu, tìm cách dịch sách báo để tìm hiểu nguồn gốc, kỹ thuật chăm sóc sen Nhật rất kỹ lưỡng. Từ những củ sen ban đầu, sau một thời gian trồng và chăm bón, sen Oga phát triển rất nhanh, phủ kín diện tích khoanh nuôi.
Sen Oga dễ trồng như sen Việt, lá lên cách mặt trước khoảng 20cm thì không phát triển, khoảng 3 – 4 năm sen mới ra hoa. Để cây sen phát triển tốt, anh thường dùng phân NPK và trùn quế để bón. Mỗi năm, chính quyền thị xã hỗ trợ khoảng 20 triệu đồng để chăm sóc và bảo tồn giống sen này.
Được biết, giống sen cổ Oga được tiến sĩ sinh vật học Oga Ichiro – Trường Đại học Tokyo phát hiện ra hạt giống đã vùi sâu trong lòng đất từ 2.000 năm trước, ông đã chăm sóc những hạt giống này và cho nảy mầm.
Tháng 4/2023, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có ban hành văn bản chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan và chính quyền thị xã Điện Bàn hỗ trợ anh Công chăm sóc, bón phân đảm bảo yêu cầu theo hướng dẫn của chuyên gia Nhật Bản nhằm giúp cây sen Oga ra hoa trong điều kiện đồng ruộng…
Anh Công cho hay sẽ chăm sóc tốt gốt sen Oga, khi có điều kiện thuận lợi và sen ra hoa sẽ trình diễn để giới thiệu với mọi người thành quả chăm sóc giống sen đặc biệt này.
[VIDEO] – Mô hình trồng sen Oga quý hiếm của anh Công: