Bỗng dưng “hot” rần rần trên mạng
Ở miền Tây, khi nói đến những món gỏi, người ta thường nghĩ đến những đặc sản vùng khác không có như gỏi tép bông điên điển, gỏi bồn bồn, gỏi củ hủ dừa… Nhưng 2 năm nay, mỗi dịp mùa hè về, món gỏi gà măng cụt bỗng trở thành “hot trend”.
Đây cũng là món ăn độc đáo và đắt hàng nhất ở Khu du lịch sinh thái Lung Cột Cầu (xã Nhơn Nghĩa, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ). Với khu vườn hơn 5,5 ha, trong đó phần lớn là trồng sầu riêng, măng cụt, Khu du lịch sinh thái này cũng được xem là nơi đầu tiên ở Cần Thơ phổ biến món gỏi gà măng cụt.
Chủ Khu du lịch sinh thái Lung Cột Cầu là anh Nguyễn Phạm Hoàng Việt (37 tuổi, ngụ Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) cho biết, từ năm 2014, Lung Cột Cầu đã đưa gỏi gà măng cụt vào thực đơn như một trong những đặc sản mùa hè. Không ngờ, 2 năm qua, món ăn độc đáo này bỗng dưng trở thành xu hướng trên mạng xã hội, được nhiều người săn đón, thưởng thức. Năm ngoái, ước tính, vườn măng cụt của anh Việt đã dành ra hơn 1 tấn chỉ để bán làm gỏi phục vụ thực khách gần xa. Năm nay, nắng nóng kéo dài nhưng hơn 250 gốc măng cụt hơn 30 năm tuổi của anh Việt vẫn cho trái trĩu cành. Tất nhiên, một phần trái sẽ lại được tuyển lựa để làm gỏi phục vụ du khách gần xa đến Lung Cột Cầu hè năm nay.
Hương vị đặc biệt, ăn một lần nhớ mãi
Khoảng 2 tuần qua, Khu du lịch sinh thái Lung Cột Cầu cũng đã bắt đầu đưa món gỏi gà măng cụt vào phục vụ, gần như ngay lập tức món gỏi “hot trend” này lại trở thành món bán chạy bậc nhất. Không chỉ 90% khách đến Khu du lịch sinh thái gọi món mà chủ vườn bán online cũng xuất đơn mỏi tay.
Theo anh Việt, các công đoạn chế biến món gỏi gà măng cụt khá phức tạp. Hai thứ nguyên liệu quan trọng trước tiên là gà thả vườn và măng cụt già có độ chín khoảng 70 – 80%. Nếu như việc luộc gà chỉ cần cho vài lát gừng, vài lát hành tím, hành lá cắt khúc để khử mùi thì việc chế biến măng cụt tươi lại đòi hỏi sự kỳ công hơn.
Trước tiên, phải chọn những trái măng cụt to, chất lượng, trái già để giữ được độ giòn và vị chua chua, ngọt ngọt, thanh thanh. Vất vả phải kể đến công đoạn gọt vỏ măng cụt bởi trái còn xanh, mủ nhiều nên phải gọt trái ngay dưới vòi nước, vừa gọt vừa xả nước liên tục cho sạch mủ. Gọt măng cụt cũng phải thật khéo léo để lưỡi dao không phạm vào phần thịt bên trong. Để có được
1 kg thịt măng cụt làm gỏi, cần phải gọt gần 5 kg măng cụt già nguyên vỏ.
Anh Việt chia sẻ, từ vị chua ngọt, giòn của măng cụt, mấy năm nay, đầu bếp ở Lung Cột Cầu còn chế tác thêm nhiều món gỏi hấp dẫn khác ngon không kém gỏi gà. Có thể kể đến như gỏi chay măng cụt; gỏi măng cụt lỗ tai heo; gỏi tôm thịt măng cụt; thậm chí là gỏi rắn măng cụt… Hương vị mỗi món gỏi có chút khác nhau, nhưng đặc trưng nhất vẫn là vị chua chua, ngọt ngọt, giòn giòn, một chút chát nhẹ của những lát măng cụt quện cùng vị ngọt của thịt gà, tôm, lỗ tai heo cùng với rau trộn, hành lá, vài cọng rau răm, hành phi… Chấm thêm một chút nước mắm chua ngọt, ngon khó cưỡng, ai ăn một lần cũng nhớ mãi không quên.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ve-lung-cot-cau-an-goi-ga-mang-cut-thu-mot-lan-nho-mai-185240427132318296.htm