Diễn văn kỷ niệm tại buổi gặp mặt nêu rõ: Ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL thành lập Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số – tổ chức tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay. Sau nhiều lần đổi tên, ngày 16/5/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2003/NĐ-CP đổi tên Ủy ban Dân tộc và Miền núi thành Ủy ban Dân tộc. Ngày 14/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1491/QĐ-TTg, lấy ngày 03/5 hằng năm là Ngày truyền thống của Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc.
Sự ra đời của Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào DTTS, khẳng định vai trò to lớn của cộng đồng DTTS trong sự nghiệp giữ nước và xây dựng đất nước.
Đối với tỉnh Lào Cai, ngày 01/10/1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã quyết định tái lập tỉnh Lào Cai trên cơ sở tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn. Tháng 5/1993, UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định thành lập Ban Tôn giáo – Dân tộc tỉnh Lào Cai thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác tôn giáo, công tác dân tộc, triển khai thực hiện chính sách dân tộc. Tháng 11/2004, UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định thành lập Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai trên cơ sở sáp nhập Ban Dân tộc – Tôn giáo tỉnh và Chi cục định canh định cư của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Từ năm 2005 đến năm 2008, các huyện đã thành lập Phòng Dân tộc, riêng thành phố Lào Cai công tác dân tộc tiếp tục được giao cho Văn phòng HĐND và UBND thực hiện.
Với chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác dân tộc, thời gian qua Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai đã tham mưu với Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS; thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và các chính sách dân tộc; xây dựng được bộ dữ liệu các DTTS tỉnh Lào Cai góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Ngành công tác dân tộc Lào Cai thường xuyên thực hiện việc nắm tình hình vùng DTTS về các vấn đề đời sống, sản xuất, văn hóa… đặc biệt là ở các địa bàn trọng yếu tiềm ẩn những nhân tố bất ổn về an ninh, chính trị, từ đó tham mưu biện pháp xử lý ngăn chặn kịp thời. Tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng nhiều biện pháp, hình thức để đồng bào các dân tộc hiểu rõ và chủ động tham gia vào quá trình thực hiện chính sách dân tộc.
Thông qua việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc, vùng đồng bào DTTS ở Lào Cai đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; các nguyên tắc về “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”, quyền của các DTTS được thực hiện đầy đủ, toàn diện hơn… tạo điều kiện để tỉnh Lào Cai phát triển bền vững và thực hiện tốt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Nguồn: https://baodantoc.vn/lao-cai-gap-mat-ky-niem-78-nam-ngay-truyen-thong-co-quan-quan-ly-nha-nuoc-ve-cong-tac-dan-toc-1714727408977.htm