“Hội An xưa nay vẫn kiên trì dòng khách yêu thích di sản, thưởng lãm cảnh sinh thái đồng quê, môi trường và các giá trị văn hóa bản địa. Thành phố cũng quá nhỏ để đáp ứng tất cả mọi nhu cầu” – ông Sơn nói.
Hội An kiên trì đón dòng khách truyền thống
* Cao điểm lễ vừa qua lượng khách đến Hội An rất đông, nhưng phần lớn khách nội địa đều không nán lại lưu trú chi tiêu mà ra Đà Nẵng, vì sao vậy, thưa ông?
– Mỗi điểm đến có thế mạnh riêng biệt, định hướng du lịch cũng khác. Đà Nẵng có thế mạnh như ẩm thực, sự kiện…
Khi xây dựng các sản phẩm, mỗi địa phương bám theo thế mạnh này để thu hút khách.
Hội An xưa nay luôn kiên trì và sẽ kiên quyết đi theo du lịch di sản, văn hóa, sinh thái. Điều này rất phù hợp với dòng khách các nước châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Úc…
Trong khi đó khách nội địa, Đài Loan… lại thích trải nghiệm ăn uống, vui chơi tắm biển ở Đà Nẵng hơn.
Lễ vừa qua khách tới Hội An đông nhưng chọn Đà Nẵng lưu trú, ăn uống thì cũng là điều rất bình thường, vì họ thấy Đà Nẵng phù hợp hơn.
* Nhưng nhiều khách tới Hội An và nói rằng ít dịch vụ, hoạt động để trải nghiệm?
– Theo kinh nghiệm làm du lịch của Hội An thì đúng là với khách nội địa và một số quốc gia thì Hội An chưa phong phú. Nhưng điều này cũng có lý do.
Hội An quá nhỏ, quá chật hẹp, hơn nữa đây lại là thành phố di sản thì không thể đưa tất cả mọi thứ từ ồn ào, xô bồ vào trong một phạm vi được. Làm như vậy sẽ rất xung đột. Thế mạnh của Hội An là chiều sâu di sản, văn hóa, môi trường.
Để góp phần đa dạng hóa sản phẩm, Hội An đã cố gắng quy hoạch và đưa vào các công viên chủ đề, các hoạt động mềm mại hơn phù hợp với thị hiếu của các dòng khách nội địa như các sự kiện đường phố về đêm trong phố cổ, các show diễn ở đảo Ký ức Hội An…
Trong tương lai gần, Hội An sẽ xây dựng đồng loạt các khu phố đêm, nhà cao tầng, ẩm thực đường phố… ở phường Thanh Hà. Lúc đó khách sẽ có thêm lựa chọn.
Giá cả ở Hội An có thật sự đắt?
* Dịp lễ 30-4, 1-5 vừa qua, nhiều khách tới Hội An du lịch và than phiền việc hàng rong đeo bám, giá cả cao phi lý, phố cổ quá ngột ngạt. Ông nghĩ sao về những phản ánh này?
– Cao điểm dịp lễ khách đông, chúng tôi đã bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra và xử lý nhiều người bán hàng rong trái phép. Dù vậy vẫn còn một vài người cố tình né tránh lực lượng chức năng để bu bám, làm phiền khách.
So với trước đây Hội An đã rất nỗ lực trong việc tạo môi trường trải nghiệm cho du khách. Các sản phẩm cũng cố gắng đa dạng để khách nán lại lâu hơn.
Còn về chuyện giá cả, rất khó để đánh giá vì mỗi nhóm khách, mỗi dòng khách lại có lựa chọn mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ rất khác nhau.
* Vì sao giá ăn uống, mua sắm, sử dụng dịch vụ trong khu phố cổ lại rất cao?
Hiện nay trong phố đi bộ là nơi sầm uất, chi phí mặt bằng rất cao. Do đó nếu muốn trải nghiệm ở đây thì đương nhiên giá sẽ cao. Làm sao có thể một bữa ăn ở phố đi bộ, nhìn ngắm không gian đẹp lại có giá ngang bằng với bên ngoài được? Muốn rẻ hơn thì Hội An cũng có rất nhiều khu tiện ích, cửa hàng phía ngoài.
Chuyện giá cả đắt rẻ là do thị trường quyết định. Tất cả các cửa hàng đều phải niêm yết giá, chỗ nào không chấp hành thì bị xử nghiêm.
* Vừa qua số liệu du khách và doanh thu du lịch trong dịp lễ 30-4, 1-5 cho thấy Hội An tăng không như kỳ vọng, Hội An có đang hụt hơi trong việc thu hút khách du lịch?
– Một dịp lễ không nói lên nhiều, mà cần phải nhìn trong thời gian dài. Từ đầu năm tới nay du lịch Hội An tăng 30%, khách quốc tế tới nhiều.
Thành phố mở rộng các kênh quảng bá điểm đến. Hội An không đi so sánh với nơi đâu và cũng không thể nhìn vào số liệu đối chiếu với nơi khác để nghĩ rằng Hội An bị tụt lại.
Du lịch đang phục hồi và có những thứ cần phải có thời gian rất dài, thậm chí nhiều năm để đánh giá đầy đủ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chu-tich-hoi-an-noi-gi-viec-gia-ca-dat-do-khach-quay-nguoc-ra-da-nang-20240504104851844.htm