Hôm 29/4, yen xuống thấp nhất 34 năm so với USD, sau đó hồi phục và ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong hơn một năm.
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, mỗi đôla Mỹ đổi được 160 yen, mức thấp nhất kể từ năm 1990. Đến cuối ngày, tỷ giá phục hồi, về lại 156 JPY một USD, làm dấy lên đồn đoán giới chức Nhật Bản can thiệp vào thị trường để hỗ trợ nội tệ.
Đến ngày 2/5, yen tăng giá thêm 2%, tiến sát 153 JPY một USD. Diễn biến này cũng được cho là kết quả của một đợt can thiệp nữa.
Giới chức Nhật Bản đến nay vẫn chưa ra thông báo chính thức về vai trò của họ khi giá yen nhảy vọt. “Họ vẫn từ chối tiết lộ liệu có sự can thiệp hay không. Tuy nhiên, tôi nghĩ là nhiều người chẳng nghi ngờ điều đó đâu”, Nicholas Smith – chiến lược gia Nhật Bản tại CLSA cho biết trên CNBC.
Yen Nhật chốt tuần tại 153 yen một đôla Mỹ, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Hôm qua, USD có thời điểm chỉ đổi được 151,8 yen – thấp nhất một năm.
Dựa trên số liệu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), các nhà phân tích tại Bank of America Global Research cho rằng quy mô đợt can thiệp đầu tiên có thể vào khoảng 5.000-6.000 tỷ yen (32-39 tỷ USD). Quy mô đợt thứ hai có thể nhỏ hơn.
Trước khi tỷ giá chạm 160 yen đổi một USD, một số nhà phân tích cho rằng giới hạn cuối cùng của BOJ và Bộ Tài chính Nhật Bản là 155-160.
Yen đã liên tục yếu đi sau khi BOJ quyết định giữ nguyên lãi suất trong phiên họp chính sách cuối tuần trước, bất chấp các cảnh báo can thiệp của giới chức. Tính từ khi BOJ chấm dứt lãi suất âm hồi tháng 3 đến đầu tuần này, yen đã mất giá 7,3%.
Tuy nhiên, việc can thiệp, nếu đúng như thị trường đồn đoán, đã chỉ diễn ra sau khi tỷ giá chạm 160.
Yen Nhật cũng chịu sức ép khi khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm giảm lãi suất đang ngày một thấp. Các số liệu gần đây cho thấy lạm phát tại Mỹ lại tăng tốc, khiến cuộc chiến của Fed càng thêm phức tạp.
Vài thập kỷ qua, khi các ngân hàng trung ương toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ, Nhật Bản lại duy trì chính sách siêu lỏng lẻo, khiến đồng yen trở thành mục tiêu lý tưởng cho hoạt động carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ). Đây là giao dịch đi vay bằng tiền tệ có lãi suất thấp, sau đó bán ra để mua tiền tệ lãi suất cao hơn. Số tiền này sau đó có thể được gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư.
Dù BOJ đã nâng lãi suất, mức hiện tại vẫn rất thấp so với các nền kinh tế lớn khác. Lãi suất tại Mỹ hiện quanh 5,25-5,5%. Trong khi đó, con số này tại Liên minh châu Âu là 4%.
Cuối tuần trước, BOJ giữ nguyên lãi suất tham chiếu tại 0-0,1%. Trong cuộc họp báo sau đó, Thống đốc Kazuo Ueda cũng thừa nhận yen đang biến động mạnh. Dù trấn an thị trường rằng giới chức đang theo dõi sát sao, ông cũng không đưa ra phương án cụ thể.
Hôm 3/5, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết họ có thể cần xoa dịu biến động bất thường của yen để giảm thiệt hại cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Nhà đầu tư thì ngày càng tin rằng Nhật Bản sẽ can thiệp nhiều hơn nữa để kéo giá nội tệ lên. “Tôi cho rằng BOJ có lẽ sẽ bị buộc tiếp tục can thiệp. Nhưng đây là vấn đề với Nhật Bản thôi, không gây ra tác động lớn cho toàn cầu”, Edward Yardeni – Giám đốc chiến lược đầu tư tại hãng nghiên cứu Yardeni Research cho biết trên CNBC.
Dù vậy, HSBC cho rằng việc yen yếu đi đang đóng vai trò lớn trong kích thích kinh tế. Đây là mục tiêu mà BOJ kỳ vọng đạt được năm nay.
“Sau nhiều năm mất lợi thế cạnh tranh, các hãng xuất khẩu của Nhật cuối cùng cũng được tỷ giá hỗ trợ”, Frederic Neumann – kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC nhận định. Ông cho rằng đồng yen yếu sẽ hỗ trợ lĩnh vực dịch vụ tại Nhật Bản, thông qua du lịch, từ đó giúp tăng lạm phát kỳ vọng.
“Yen yếu không hoàn toàn là tin xấu, miễn là việc giảm giá được kiểm soát tốt. Vì vậy, đừng trông chờ BOJ nâng lãi suất mạnh tay chỉ vì vấn đề tỷ giá”, Neumann kết luận.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)
Nguồn: https://vnexpress.net/tuan-nhao-lon-cua-dong-yen-4741651.html