Chiều 03/5, tại Phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc lần thứ 9 diễn ra tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, các đại biểu tập trung thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 và quý I năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Toàn cảnh Phiên họp
Tham dự Phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thường trực và các thành viên Hội đồng Dân tộc; đại diện các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Đời sống của đồng bào DTTS ổn định và ngày càng được cải thiện
Tại Phiên họp, báo cáo đánh giá bổ sung tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 và quý I năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chinh phú, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, địa phương và nỗ lực của người dân, trong năm 2023, hoạt động sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS nhìn chung ổn định và ngày càng được cải thiện. Một số địa phương vùng đồng bào DTTS có tốc độ tăng trưởng GRDP cao như: Bắc Giang 13,45%, Hậu Giang 12,27%, Ninh Thuận 9,4%, Phú Yên 9,16%, Bình Phước 8,34%…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế vĩ mô, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN và các dự án, chính sách dân tộc khác đã góp phần đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội, phát triên sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS, chuyền dịch cơ cầu kinh tế, cây trồng, vật nuôi phù hợp. Nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả. Số xã có sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP ngày càng nhiều. Công tác giảm nghèo tiếp tục triển khai hiệu quả,
Tuy vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chỉ rõ, tình hình sản xuất, đời sống trong đồng bào DTTS vẫn còn nhiêu khó khăn, nhất là hộ nghèo, cận nghèo. Giá nông sản không ổn định; nhiều lao động DTTS thiếu việc làm, nhất là ở khu vực biên giới. Thiệt hại về thiên tai năm 2023 giảm 64,3% so với năm 2022 nhưng vùng đồng bào DTTS&MN vẫn là vùng chịu thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản do chịu tác động của biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của đồng bào DTTS.
Đề cập về tình hình vùng đồng bào DTTS&MN quý I năm 2024, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, công tác tổ chức, chăm lo Tết cho đồng bào DTTS&MN được các ngành, các cấp quan tâm và chuẩn bị chu đáo, đảm bảo không có hộ gia đình nào thiếu đói trong dịp Tết. Tình hình sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS&MN cả nước cơ bản ổn định, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn xảy ra và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Thị trường lao động khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ khó khăn chung trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, còn nhiều lao động DTTS thiếu việc làm…
Còn nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN
Các đại biểu dự Phiên họp
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo kết quả tình hình kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2023 và Quý I/2024; tập trung đánh giá, phân tích, nhận xét về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Các ý kiến đánh giá cao tỉ lệ giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS trong năm 2023 và kết quả đạt được thể hiện rất rõ nét trong Báo cáo, tuy nhiên bày tỏ băn khoăn về tỉ lệ giảm nghèo của vùng đồng bào DTTS. Bởi năm 2021-2022, nhiều địa phương chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng kế hoạch giảm nghèo của đa số địa phương lại đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong khi đó thực tế một số địa phương không giải ngân được nguồn vốn của CTMTQG giảm nghèo bền vững nhưng tỉ lệ giảm nghèo lại vượt. Do đó, các đại biểu đề nghị Hội đồng Dân tộc có cuộc giám sát trực tiếp, đánh giá thực chất để thấy được thực tế cách thức giảm nghèo, thoát nghèo của các địa phương.
Các ý kiến nhận thấy, một số địa phương còn gặp nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN như Dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và cấp nước sinh hoạt; Tiểu dự án 1, Dự án 3 về phát triển kinh tế nông lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; Tiểu dự án 3, Dự án 5; Dự án 7… Các ý kiến cho rằng, một số huyện, xã không còn quỹ đất sản xuất để thực hiện hỗ trợ cho người dân, vì vậy số vốn đã phân bổ nhưng không triển khai thực hiện được. Bên cạnh đó, trong chính sách hỗ trợ đất sản xuất, không có nội dung hỗ trợ cho gia đình tự chuyển nhượng, vì vậy việc triển khai chính sách của Dự án 1 ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Một số nội dung của Dự án 7 chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, các đại biểu đề nghị cần tăng cường đào tạo nhân lực y tế cho các huyện nghèo, cận nghèo và vùng khó khăn, đào tạo y học gia đình cho nhân viên y tế xã, hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho trạm y tế…
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Phiên họp
Một số đại biểu cho rằng, các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS&MN hiện nay còn chưa kịp thời, do đó đề nghị Ủy ban Dân tộc đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các chính sách nêu trên cho vùng đồng bào DTTS; đề nghị Ủy ban Dân tộc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTSM&MN để các địa phương sớm triển khai thực hiện, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn của Chương trình này. Đồng thời đề nghị các địa phương có đông đồng bào DTTS cần bố trí cán bộ dân tộc phù hợp, có chương trình, kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ phụ trách mảng dân tộc…
Cũng tại Phiên họp chiều nay (3/5), các đại biểu nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc hoàn thiện Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời các đại biểu góp ý, thảo luận về nội dung này.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Chủ tịch Hội đồng Dân tộcY Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì Phiên họp
Đại diện lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và lãnh đạo các địa phương tham dự Phiên họp
Các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc dự Phiên họp
Đại biểu Ma Thị Thúy – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Phiên họp
Đại biểu Siu Hương – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai
Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại Phiên họp
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc hoàn thiện Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm nhân Kỉ niệm 78 năm Ngày truyền thống của Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (03/5/1946 – 03/5/2024)./.
Bích Ngọc – Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam