Bỏ chạy bộ vì không đủ kiên nhẫn
Trung Đức (nhân viên kinh doanh, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) thừa nhận rất ngại ngùng khi thấy phong trào thể dục thể thao, nhất là chạy bộ đang được mọi người theo đuổi tích cực. Ngấp nghé tuổi 30, hiện Đức không duy trì tập luyện môn thể thao nào dù từng kinh qua rất nhiều “món” (bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, đá cầu, bơi…).
Chia sẻ thêm, Đức kể khi phong trào gym nổi lên, anh cũng đã đi tập. Nhưng được ba bữa anh lại nghỉ dù đã đóng tiền 3 tháng. Anh quyết định nghỉ tập là vì chẳng thể theo được chế độ ăn mà theo dân gym là khoa học, bài bản dạng “heo thì” (healthy – lành mạnh).
Ăn theo chế độ khiến Đức chẳng còn sức lực để làm việc, thậm chí không cười nổi. Trớ trêu là nếu vẫn tập và ăn theo chế độ như trước, anh cũng cứ đói, còn thả cửa ăn cho no thì lên cân vèo vèo. Đi tập thì sợ đói, nhưng cũng sợ béo lên khiến Đức cứ chần mãi chưa thể quyết định.
Đến khi thấy chạy bộ là trend, Đức cũng theo. Cự ly dài nhất mà Đức đạt được là khoảng 10km, nhưng sau đó cũng bỏ ngang, lý do lần này lại không rõ ràng lắm.
Đức nói không tìm ra lý do nào thuyết phục để bản thân làm ngay việc xỏ giày và ra đường chạy.
Cùng đó, việc phải “chạy đua” rồi liên tục lạng lách để tránh người, tránh đoàn xe lao vù vù tới khiến cậu lười chạy hơn.
Chạy một mình đôi khi rất buồn. Đức cũng lập nhóm, rủ mọi người chạy chung.
Nhưng được ba hôm thì nhóm cũng tan rã với toàn lý do rất hợp lý: bận công việc, bận gia đình, sức khỏe, mọi người hay “nay bận nhậu”, đi ăn sinh nhật… “Mất kiên nhẫn nên tôi nghỉ chạy cũng đã lâu”, Đức nói.
Không tập vì điều kiện, thời gian và tự tin đã khỏe
Nếu chỉ tính tiêu chí vận động để toát mồ hôi, Văn Khanh (sinh viên một trường đại học ở quận Bình Thạnh) tự tin nói đã đạt được. Có thể do cơ địa, tuy nhiên chỉ cần Khanh nhảy vài chục bước thì gần như cơ thể đã ướt đẫm mồ hôi.
Cũng vì lẽ đó nên Khanh ít khi tham gia một bữa chạy hay chơi một trận thể thao nào đó ra trò. Khanh cho rằng đá bóng, đánh cầu lông… thì cũng đều phải có nhóm, thuê sân bãi rất tốn kém. Nếu phải chơi một môn thể thao mà bản thân không thấy thích thì việc chi tiền đầu tư dụng cụ, sân bãi… luôn khiến Khanh lưỡng lự.
Biết rất rõ lợi ích của việc rèn luyện sức khỏe thông qua thể dục thể thao, tuy nhiên với Ngọc Vân (28 tuổi, giáo viên), đôi khi thời gian không cho phép. Gần như thời gian từ sáng đến tối, Vân dành hết cho việc đứng lớp. Tan trường thì phải lo cơm nước cho gia đình, chu toàn việc nhà, con cái.
Chưa kể đến phải sửa soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng cho ngày mai, công việc giáo vụ… Xong công việc lại quấn vào điện thoại, con cái khiến cô mãi không thể dứt ra để có thể thực hiện lời hứa “đi bộ lấy lại vòng eo 90cm”.
Khi được hỏi về vấn đề trên, Ngọc Khải (32 tuổi, nhân viên truyền thông) nói ngay lý do khiến anh mãi không thể bứt ra để chạy bộ: “Vì tôi cảm thấy sức khỏe mình ổn”.
Giải thích thêm, Khải cho rằng thuở còn ở quê cùng gia đình đã ngày ngày làm nông, thường xuyên bưng vác nặng… nên bản thân cũng rắn rỏi hơn. Với tâm lý như thế, anh Khải nghĩ chỉ cần mỗi sáng tập hít đất, uốn mình vươn vai là đủ.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nam vương quyền anh Việt Nam Trương Đình Hoàng cho rằng để bản thân có cảm hứng với thể dục thể thao thì phải vun đắp từ từ.
Với những ai ít luyện tập, muốn rèn luyện sức khỏe bằng những môn đơn giản nhất như chạy bộ, nhảy dây thì nên bắt đầu bằng những bài tập nhẹ, cường độ ngắn, chỉ tập từ 2-5 phút/ngày và duy trì liên tục trong 2-3 tuần đầu. Nâng dần cường độ, thời gian tập khi cơ thể đã quen và thích ứng được.
“Đừng bắt đầu với cường độ tập quá lâu. Khi đó cơ thể sẽ phản ứng, gây đau nhức và khiến quá trình tập luyện trở nên khó khăn”, tay đấm Trương Đình Hoàng nhắn.
Theo anh Hoàng, hiện có nhiều bạn ngay từ những buổi đầu làm quen với chạy bộ, nhảy dây nhưng đã rất sung, chạy nhảy liên tục 20-30 phút liền. Tuy nhiên chỉ sau một đêm, cơ thể phản ứng, chân đau nhức, từ đó dẫn tới suy nghĩ “đây là môn không phù hợp và dễ bỏ cuộc”.
Việc theo dõi hình tượng mà mình muốn hướng tới để tạo hứng, từ đó đặt mục tiêu, lịch trình tập luyện là điều theo anh Hoàng là rất cần thiết. Đó là những kênh mạng chuyên chia sẻ về sức khỏe, tập luyện và chế độ dinh dưỡng, tầm quan trọng của sức khỏe để hướng tới một cuộc sống chất lượng hơn.
“Động lực nên xuất phát từ bên trong chính bản thân mỗi người. Chính họ mới biết lý do vì sao họ nên tập luyện thể thao và sống một cuộc sống lành mạnh, để khi muốn từ bỏ sẽ nhớ lại lý do vì sao bắt đầu, tiếp tục và không bỏ cuộc giữa chừng”, tay đấm Trương Đình Hoàng nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lap-hoi-nhom-chay-bo-roi-cung-tan-ra-vi-ban-nhau-20240503012359642.htm