“Tôi sẽ hỏi bạn thân, đồng nghiệp thân, người chứng kiến về những gì mình nói liệu có gây tổn thương người kia” – đó là chia sẻ của anh Hùng Phương (34 tuổi) về thói quen nghĩ nhiều của mình. Gần như trong mọi việc, với người nhà, bạn bè thân thiết hoặc đồng nghiệp, anh cảm thấy mình hay trong trạng thái suy nghĩ quá nhiều.
Nghĩ nhiều đến mức lẩm cẩm?
Tuy nhiên, thói quen này của anh Phương cũng thay đổi theo thời gian. “Hồi mới ra trường, gần như tôi luôn chu toàn, sợ người khác buồn khi mình từ chối điều gì đó. Sau này, tôi thu bớt lại các mối quan hệ, chỉ biểu hiện như vậy với người nhà, bạn thân hoặc đồng nghiệp thân thiết”, anh nói.
Trước một sự việc, anh có thói quen phân tích, chuẩn bị hoặc lý giải quá nhiều. Anh thậm chí cảm giác mình cả nghĩ đến mức… lẩm cẩm. Nếu nói hớ gì đó, anh sẽ tìm hiểu từ nhiều nguồn xem người trong cuộc có buồn, tổn thương không.
Nếu câu trả lời là có, anh tìm cách gặp “nạn nhân” giải thích mình không có ý đó. Anh chỉ là lỡ lời hoặc chưa rõ ý, đồng thời xin lỗi. “Tóm lại mình không muốn người khác tổn thương vì mình”, anh nói.
Có lần anh đi siêu thị mini mua món hàng 200.000 đồng. Anh đưa 500.000 đồng. Nhân viên thối lại 700.000 đồng, thay vì chỉ thối 300.000 đồng. Theo thói quen, anh không đếm tiền thừa. Mấy hôm sau xài tiền, anh thấy hơi lạ. Anh lẩn thẩn nghĩ xem hôm qua tiêu gì, vì sao dư ra.
Khi suy luận hình như nhân viên kia đưa nhầm, anh chạy đến siêu thị dù cách nhà rất xa.
“Tôi nhờ kiểm tra camera và hóa đơn khi đó, rồi trả lại tiền. Bạn sinh viên làm thêm mừng hớn hở, nói rằng không nghĩ nhận lại được. Trong câu chuyện này hoặc tương tự, ngoài việc đói cho sạch rách cho thơm, tôi còn sợ và khó chịu khi cảm giác người khác chịu thiệt vì mình”, anh chia sẻ.
Trong công việc, sự chu toàn, tỉ mẩn khiến anh mệt mỏi, nhất là khi làm việc nhóm. Đó là lý do anh từng từ bỏ một công việc mà tính chất nhóm quá nhiều. Bởi anh làm gì cũng chu đáo chứ không qua loa.
Anh nhận thấy thói quen quá mức chu toàn khiến mình thiệt thòi. “Trong một nhóm làm việc, tôi sẵn sàng nhận việc khó nhất, mất nhiều thời gian hơn nhưng có thể thù lao không cao hơn. Chỉ là để mọi người cùng vui vẻ. Tính tôi lại không thích than vãn, kể công”, anh nói.
Nhưng anh hay nhắc lại những sự chưa chỉn chu của các thành viên để mọi người rút kinh nghiệm sau khi công việc hoàn thành. Trong khi đó, nhiều người lại cho rằng anh cầu toàn thái quá.
Thân sơ gì cũng sợ người ta buồn
Mức độ overthinking của chị Hằng Thu (29 tuổi, kinh doanh bất động sản) còn dữ dội hơn. Khi có bạn bè rủ đi ăn, cà phê, nếu chị từ chối thì tối về sẽ nằm suy nghĩ. Chị sợ bạn giận, buồn, bất kể là thân thiết hay bạn xã giao.
“Với hội chơi quần vợt, chúng tôi có thân thuộc gì đâu. Nhưng khi từ chối đi ăn cuối tuần, tôi cũng áy náy. Tôi nghĩ họ mời mà tôi không đi, người ta có buồn không”, chị nói. Thật ra, hôm sau gặp lại chị thấy người đó vẫn bình thường.
Khổ sở nhất là khi ai đó nhờ, chị luôn ráng giúp. Nếu từ chối, chị thấy bứt rứt. Đặc biệt, ai tặng biếu món gì, chị tìm cớ, tìm cách tặng hoặc mời lại cho bằng được. “Tôi sợ người ta nghĩ con nhỏ này vô tâm, mời ăn đã rồi lơ không mời lại”, chị nói.
Đôi khi làm điều gì người ta không ghi nhận, hoặc cảm ơn hời hợt, chị buồn thảm sầu. Đi ăn mà nhóm bạn không rủ, chị lại nghĩ ngợi, mà rủ có khi chị không đi được.
Có những chuyện bình thường, nhỏ nhặt nhưng chị suy diễn. Như ra sân tennis thấy người ta chụm đầu nói chuyện không để ý mình, chị tỏ ra lạnh lùng lại, trong lòng lại tủi thân. Hoặc khi ngồi nguyên bàn nhưng có mấy bạn nói chuyện riêng, chị thấy sường sượng, có phải mình không còn quan trọng nữa?
“Tôi nhận ra do mình nghĩ nhiều, chứ người ta ghét bỏ gì mình đâu”, chị nói.
Thay vì luôn phân tích, suy nghĩ như trước, chị tập nghĩ theo hướng đơn giản hơn dù rất khó. “Ví dụ, nhóm bạn không rủ đi uống bia là do nghĩ tôi bận, tôi không khỏe. Vậy là tụi nó thương mình chứ không phải muốn bo xì”.
Overthinking nôm na là tình trạng suy nghĩ quá nhiều về một sự việc nào đó, đôi khi theo cách không có lợi. Nhiều lúc, đó chỉ là một sự việc nhỏ nhưng cũng tạo nên vòng luẩn quẩn nghĩ ngợi quá mức.
Một số bạn trẻ cho rằng suy nghĩ nhiều có mặt tích cực nếu là suy nghĩ tốt đẹp, chu đáo. Nhưng thói quen này dẫn đến những ray rứt, dằn vặt lo âu không đáng có, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lo-tu-choi-chi-mot-cuoc-hen-cung-day-dut-tran-troc-khon-nguoi-20240425170452045.htm