Mới đây, trường THPT Marie Curie TP.HCM ra đề kiểm tra cuối kỳ môn Ngữ văn dành cho khối 10 dài tới 3 trang giấy A4 gây nhiều tranh cãi. Trên các diễn đàn, học sinh cho rằng, đề quá dài, khó, riêng phần đọc kỹ đề đã mất hơn 30 phút trong khi thời gian làm bài 90 phút.
Đề bao gồm 2 phần: Đọc hiểu (5 điểm) và Làm văn (5 điểm). Trong đó, phần Đọc hiểu trường này trích ngữ liệu từ tác phẩm “Mùa hoa cải bên sông” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều dài hơn 2 mặt giấy A4. Sau đó, yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi. Cũng trong phần I, đề tiếp tục cho thêm một trích đoạn dài khoảng 200 chữ khác và yêu cầu học sinh trả lời 3 câu hỏi.
Để làm được phần I, bắt buộc học sinh phải đọc kỹ ngữ liệu từ đó mới có thể trả lời trọn vẹn các câu hỏi. Với ngữ liệu dài nhiều mặt giấy, học sinh phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới nắm bắt được nội dung, ý nghĩa, nhận xét tính cách nhân vật…
Ngữ liệu quá dài
Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, trường THPT Hoài Đức B, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho rằng, ở bậc THPT việc đổi mới chương trình bộ môn Ngữ văn đã áp dụng 2 năm nay nên học sinh không còn lạ lẫm với việc đưa ngữ liệu ngoài sách giáo khoa vào kiểm tra, đánh giá.
Việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để kiểm tra được coi là giải pháp mang tính bước ngoặt trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm đánh giá đúng năng lực đọc hiểu, cảm thụ tác phẩm văn học, khắc phục tình trạng học thuộc lòng và chép văn mẫu.
Nếu như trước đây, học sinh chỉ cần học thuộc sách giáo khoa, khi kiểm tra có thể mang ra “nhai lại” thì nay kiểm tra các em phải làm quen với đoạn trích, ngữ liệu trong tác phẩm mới hoàn toàn.
“Tuy nhiên, dù kiểm tra thường xuyên hay định kỳ cũng không nên ra đề dài nhiều trang giấy vì thời gian làm bài chỉ có 90 phút, học sinh sẽ không kịp đọc và hiểu hết văn bản để trả lời các câu hỏi. Nếu sa đà vào làm phần Đọc hiểu sẽ bị ảnh hưởng tới phần làm văn”, cô Nga nói.
Thông thường, các em sẽ được rèn kỹ năng tính toán thời gian làm bài hợp lý trong mỗi đề thi. Ví dụ, với đề 120 phút gồm 2 phần, mỗi phần học sinh dành bao nhiêu thời gian để làm bài, tránh sa đà vào một phần nào đó và đành phải bỏ dở bài đáng tiếc.
Theo hiệu trưởng các trường, đề kiểm tra cuối kỳ, cuối năm học thường được Ban giám hiệu lựa chọn từ ngân hàng đề của trường. Hằng năm, các tổ chuyên môn phải biên soạn nhiều câu hỏi để xây dựng đề kiểm tra. Thông thường, đối với các môn, các câu hỏi được mã hóa theo nội và độ khó dễ và khi dựng đề, Ban giám hiệu yêu cầu phải có cấu trúc cụ thể theo yêu cầu từng môn.
Việc lựa chọn đề nào để kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh sau một quá trình học là do người quản lý quyết định nhằm tránh việc giáo viên cho học sinh ôn tập trong giới hạn của nội dung đề cương. Tuy nhiên, cũng có thực tế khó khăn đó là người quản lý nếu không có chuyên môn sâu về bộ môn, khó nắm được hết vấn đề.
Chủ trương không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để kiểm tra, đánh giá nhưng thực tế khi đưa vào các nhà trường, giáo viên vẫn bối rối khi lựa chọn ngữ liệu. Một số người đưa đoạn trích quá dài, chất lượng ngữ liệu không tốt, văn bản chưa chuẩn xác, chưa bảo đảm yêu cầu về tính giáo dục, tính thẩm mỹ.
Nguồn: https://vtcnews.vn/de-kiem-tra-ngu-van-lop-10-dai-den-3-trang-giay-gay-tranh-cai-ar868816.html