Biến động số lượng trường nghề vừa được UBND TP.HCM chỉ ra trong báo cáo tình hình thực hiện chính sách xã hội hóa và huy động nguồn lực của xã hội trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
Giảm mạnh số lượng và quy mô tuyển sinh
Theo đó, thành phố có 301 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, bao gồm 32 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp, 49 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 180 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Số lượng trường nghề tư thục chịu biến động mạnh sau dịch COVID-19. Cụ thể, tại thời điểm ngày 31-12-2019, toàn thành phố có 478 trường nghề tư thục. 4 năm sau đến thời điểm ngày 31-12-2023, con số này giảm xuống còn 301 trường nghề như hiện nay.
TP.HCM ghi nhận 183 doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã ngưng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Công tác tuyển sinh giai đoạn 2019 – 2023 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục trên địa bàn thành phố đạt 803.444 người học trong tổng số 2.035.000 người học giáo dục nghề nghiệp, chiếm 39,48% tổng quy mô tuyển sinh.
Năm 2023, các trường nghề tại TP.HCM tuyển sinh được 77.987 người và có 69.879 người tốt nghiệp và 55.903 người có việc làm sau đào tạo.
Số lượng tuyển sinh năm 2023 giảm đến 3,5 lần so với năm 2019. Cụ thể trong năm 2019, các trường nghề tư thục tuyển sinh được đến 280.252 người. Cùng năm này, số người tốt nghiệp là 196.176 và có việc làm sau đào tạo là 156.941.
Theo nhận định của UBND TP.HCM, chất lượng đào tạo, nhất là hệ đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp của thành phố đã được các doanh nghiệp chấp nhận, một số nghề thuộc lĩnh vực y tế như điều dưỡng, dược sĩ, y sĩ trình độ trung cấp được các cơ sở y tế công lập quan tâm tuyển dụng.
Ngoài ra, các ngành nghề trình độ sơ cấp, đào tạo kỹ năng nghề dưới 3 tháng đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường lao động của thành phố.
Nhiều trường nghề chi tiền tỉ đầu tư trang thiết bị
Về kết quả việc huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, UBND TP.HCM báo cáo giai đoạn 2019 – 2023, TP.HCM có 2 trường nghề tư thục gồm Trường trung cấp Âu Việt và Trường trung cấp Bách khoa TP.HCM đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo với tổng kinh phí là 15,7 tỉ đồng.
Riêng trong năm 2023, TP.HCM có Trường trung cấp Âu Việt đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, công cụ, dụng cụ phục vụ cho công tác đào tạo với tổng kinh phí là 7,54 tỉ đồng.
UBND TP.HCM nhận định việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học tại các trường nghề tư thục chưa được các đơn vị dành sự quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, việc xác định ngành, nghề mũi nhọn, trọng tâm cũng chưa được các đơn vị quan tâm thực hiện, dẫn đến tình trạng lãng phí, xuống cấp ở một số ngành nghề đã tập trung đầu tư nhưng lại không tuyển sinh được.
Về giải pháp khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, UBND TP.HCM sẽ xây dựng cơ chế chính sách cho phép các trường nghề công lập và ngoài công lập được chủ động liên kết ở nhiều hình thức và mức độ để nâng cao khả năng thu hút người học, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
TP.HCM cũng sẽ phát triển chiến lược quy hoạch đất đai linh hoạt và hiệu quả để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo đủ diện tích đất theo quy định.
UBND TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành trung ương xây dựng, hướng dẫn, cụ thể hóa cơ chế, chính sách cho thuê đất, giảm thuế… tạo điều kiện cho các trường nghề tư thục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nhằm đảm bảo quy định về xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hang-tram-truong-nghe-tu-thuc-tai-tp-hcm-bien-mat-sau-4-nam-20240503103941066.htm