Liễu Trí Vũ (SN 1988 ở Vũ Hán, Trung Quốc) trong gia đình truyền thống, mẹ là kỹ sư xuất sắc và cha làm giáo viên Vật lý tại một trường THPT nổi tiếng của tỉnh. Liễu Trí Vũ được thừa hưởng bộ gene thông minh từ cha mẹ cùng quá trình tiếp xúc tri thức từ nhỏ.
Thiên tài Toán học một thời
Khi học mẫu giáo, trong khi những đứa trẻ khác nô đùa, Liễu Trí Vũ lại sống hướng nội, thích ngồi một mình và ít khi nói chuyện với người khác.
Kể về quãng thời gian này, Liễu Trí Vũ nói anh luôn cảm thấy trống rỗng. Anh chọn làm bạn với sách thay vì kết giao với những đứa trẻ đồng trang lứa. Sách cũng là người bạn duy nhất của Liễu Trí Vũ suốt quá trình khôn lớn.
Lên lớp 4, anh được cha mẹ động viên tham gia lớp năng khiếu Toán học tại địa phương. Nhờ hiếu học từ bé nên không khó để Liễu Trí Vũ đỗ vào lớp học này. Kể từ đó, cậu bé vốn cho rằng cuộc sống vô vị bỗng cảm nhận được những điều mới mẻ, thú vị xung quanh đời sống.
Năm 2003, Liễu Trí Vũ được nhận vào trường Trung học số 1 trực thuộc Đại học Sư phạm Trung Quốc. Đây là ngôi trường danh giá, nằm top đầu cả nước nhưng đặc biệt khắt khe với các học sinh tham gia thi Olympic Toán.
Thời điểm đó, Liễu Trí Vũ trầm tính nhưng lại khá hiếu thắng. Anh dành toàn bộ thời gian để học và hoàn thành hơn 20 nội dung về Toán chỉ trong năm đầu trung học. Ngày càng bộc lộ năng khiếu Toán học, Liễu Trí Vũ tham gia nhiều cuộc thi lớn nhỏ, từng được bạn bè gọi là “vua bất bại” trong mọi kỳ thi.
Hai năm sau, khi mới là học sinh lớp 11, Liễu Trí Vũ được chọn vào đội tuyển quốc gia để tham dự Olympic Toán quốc tế (IMO).
Không ngoài mong đợi, Liễu Trí Vũ cùng đội Trung Quốc giành huy chương vàng với điểm số tuyệt đối. Đây được coi là thành quả xứng đáng cho chàng trai Trung Quốc sau 100 ngày ôn luyện miệt mài đến quên ăn quên ngủ.
Liễu Trí Vũ xuất sắc vượt lên thiên tài người Đức Peter Schultz, trở thành sự kiện tiêu tốn nhiều giấy bút của giới báo chí thế giới thời điểm đó.
Ai cũng cho rằng sau này chàng trai quê Vũ Hán sẽ trở thành nhà nghiên cứu xuất chúng trong ngành Toán học, nhưng quyết định của Liễu Trí Vũ sau đó gây chấn động dư luận Trung Quốc lúc bấy giờ.
Từ chối đại học danh giá để đi tu
Sau khi trở về từ Olympic Toán quốc tế, tâm lý Liễu Trí Vũ hoàn toàn thay đổi. Thay vì cố gắng chinh phục các đỉnh cao mới, anh lại trượt dài trong cuộc sống và sự nghiệp học vấn.
Liễu Trí Vũ ngày càng trở nên mâu thuẫn trong nội tâm. Đỉnh điểm vào năm lớp 12, anh vừa thấy thích thú với những thành tựu toán học, lại vừa thấy bối rối vì không biết bản thân có thực sự đam mê danh vọng không.
Từ nhỏ, Liễu Trí Vũ luôn loay hoay đi tìm công lý. Có lần chính anh đã viết thư nặc danh tố cáo giáo viên nâng điểm số môn thể dục cho mình.
Sau này, khi đã chinh phục một vài đỉnh cao, chàng trai thiên tài lại mất dần hứng thú với Toán học. Anh không còn cảm thấy vui khi đạt thành tích tốt, chỉ muốn hướng đến sự giải thoát trong tinh thần.
Liễu Trí Vũ bắt đầu chán ghét một xã hội chạy theo tiền tài, danh vọng. Còn điều anh tìm kiếm là sự tự tại, tìm đến triết học để tìm kiếm hướng đi cho bản thân.
Cuối năm lớp 12, thay vì ôn thi để vào đại học như các bạn, Liễu Trí Vũ dành toàn thời gian cho văn chương. Với trí thông minh vốn có, anh vẫn đỗ vào Đại học Bắc Kinh nhưng ngày càng mất kết nối với bộ môn đam mê nhất là Toán học.
Tại Đại học Bắc Kinh, Liễu Trí Vũ tình cờ quen một nữ sinh khoa Nghệ thuật. Cô gái này đã dạy Liễu Trí Vũ niệm phật và đi lễ chùa Long Tuyền ở Tây Sơn, Bắc Kinh.
Năm 2010, khi mới 22 tuổi, thiên tài Toán học khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định đi tu khi vừa tốt nghiệp đại học.
Quyết định này của nam sinh quê Vũ Hán khiến nhiều người tiếc nuối bởi anh chọn trở thành nhà sư thay vì đồng ý lời mời làm nghiên cứu từ ngôi trường danh giá top 1 thế giới – Viện công nghệ Massachusetts (MIT) với suất học bổng trị giá 70.000 USD.
Trong email trả lời MIT, Liễu Trí Vũ bày tỏ rõ quan điểm: “Tôi sẽ không trở thành sinh viên của MIT. Tôi đã quyết định cống hiến cả đời cho Phật giáo và trở thành nhà sư tại quê nhà”.
Bố mẹ Liễu Vũ Trí nhiều lần khóc lóc, cầu xin nhưng anh vẫn kiên định với lựa chọn này. Với người khác đây là lựa chọn sai lầm nhưng với Liễu Trí Vũ, đây là điều mong mỏi từ lâu. Chùa Long Tuyền là nơi anh chọn để nương nhờ cửa Phật.
Trước lúc quy y, Liễu Trí Vũ để lại một câu khiến nhiều người suy ngẫm: “Học Toán không thể cứu được trái tim và khối óc của tôi”.
Bất ngờ hoàn tục và kết hôn
Tại chùa Long Tuyền, Liễu Trí Vũ thức dậy lúc 4h sáng và bắt đầu tụng kinh lúc 4h30. Buổi chiều tiếp tục tụng kinh lúc 16h30. Một ngày của cựu thiên tài kết thúc lúc 21h20 trong bình yên, thanh tịnh.
Suốt 8 năm sau khi đi tu, Liễu Trí Vũ chọn sống bình dị trong chùa, ít khi lộ diện. Trong thời gian này, vẫn nhiều người chỉ trích anh vì từ bỏ cơ hội để mang về danh dự cho đất nước.
Mãi đến năm 2018, anh mới xuất hiện trở lại trước truyền thông trong vai trò là cố vấn tâm lý. Sau thời gian dài tìm tòi, nghiên cứu, Liễu Trí Vũ kết hợp ý nghĩa của Phật giáo với thuyết tâm lý để chữa lành tâm hồn cho những người gặp vấn đề về tâm lý.
Một năm sau, Liễu Trí Vũ chuyển sang tu tại chùa Tây Viên tại thành phố Tô Châu. Tại đây, anh tiếp tục phát triển những nghiên cứu của mình để giúp đỡ cộng đồng. Nỗ lực của anh được nhiều người ghi nhận bởi đó là phương pháp trị liệu tâm hồn hiệu quả.
Tháng 9/2023, Liễu Trí Vũ bất ngờ tuyên bố sẽ hoàn tục ở tuổi 35 vì muốn trở thành một phần của xã hội.
Sau khi hoàn tục khoảng 4 tháng, đầu năm 2024, Liễu Trí Vũ thông báo đã kết hôn. Vợ của Liễu Trí Vũ cũng là người theo đạo Phật. Đến nay, để tránh bị truyền thông soi mói, anh vẫn giấu kín danh tính bạn đời của mình. Liễu Trí Vũ từng chia sẻ vợ chồng anh thường xuyên đàm đạo về Phật giáo.
Dù đã kết hôn nhưng cựu thiên tài Toán học vẫn tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của Phật giáo như ăn chay, khiêm tốn và không nói dối.
Gần đây, Liễu Trí Vũ xuất bản một cuốn sách nhằm chia sẻ những kiến thức khi còn là nhà sư giúp mọi người tìm được sự giác ngộ trong cuộc sống hàng ngày.