Cây sanh cổ thụ mọc tại cánh đồng Rậm thuộc khu vực thôn Châu Thịnh (xã Tùng Châu). Cây có chiều cao hơn 15m, tán rộng gần 27m, chu vi gốc khoảng 5,8m.
Theo người dân trong làng, cây sanh đã gắn bó cùng lịch sử hình thành và phát triển từ xa xưa của người dân vùng lũ Tùng Châu. Khu vực xung quanh cây đã được người dân địa phương rào lại bằng hệ thống thép gai để tránh trâu bò vào phá hại, gây mất vệ sinh.
“Trong những trận lụt lịch sử của năm 1954, 1960, 1978, 1988, người dân làng Tứ (nay là thôn Châu Thịnh) đều vận chuyển hết tài sản rồi leo lên những cành cây sanh để tránh lũ. Nhờ cây cổ thụ này, tính mạng của người dân được an toàn sau nhiều trận lũ”, ông Trần Đình Quyền – Trưởng thôn Châu Thịnh cho biết.
Thời kỳ chiến tranh, dưới tán cây sanh cổ thụ cũng là nơi hội họp, giao liên để bàn kế hoạch chống địch của dân quân trong vùng.
Qua nhiều biến cố lịch sử, ảnh hưởng của thời tiết đã làm cây bị gãy một số cành lớn, song tổng thể cây cổ thụ này vẫn hài hòa, xanh tốt, tạo bóng mát cho cả một vùng trên cánh đồng.
Trải qua hàng trăm năm, gốc và thân cây sanh cổ thụ có nhiều ụ nổi, lớp vỏ sần sùi, rêu xanh khắp các cành cây.
Gốc cây sanh cổ thụ 4 người ôm không xuể.
Những hốc cây trở thành nơi trú ngụ cho các loại chim.
“Mộ tổ đời thứ 9 dòng họ Trần (chi 3) của chúng tôi nằm gần khu vực cây sanh này. Nghe các bô lão trong dòng họ kể lại, khi làm mộ tổ, cây sanh cổ thụ đã xanh tốt, rợp bóng mát cả một vùng. Nhờ đó, mỗi lần con cháu chúng tôi về dâng hương tại mộ tổ đều có nơi để dừng chân, trú mát”, ông Trần Quang Đạt – đời thứ 15 họ Trần (chi 3) chia sẻ.
Đến nay, cây sanh cổ thụ vẫn là chốn dừng chân nghỉ ngơi, nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con nhân dân thôn Châu Thịnh nói chung và xã Tùng Châu nói riêng. Nhân dân luôn mong mỏi cây sanh sớm được chứng nhận là cây di tích lịch sử hoặc cây di sản bởi nó đã gắn liền với lịch sử, quá trình hình thành từ lâu đời của người dân vùng lũ nơi đây.
Cây sanh cổ thụ là cây có tuổi đời lâu nhất trên địa bàn xã Tùng Châu, ước tính đã có niên đại hơn 500 năm tuổi. Hằng năm, địa phương phối hợp cùng người dân để chăm sóc, giữ độ tươi tốt cho cây. Nhiều con em xa quê cũng đã quyên góp, ủng hộ tôn tạo lại khuôn viên của cây sanh, nâng nền đất để giữ chắc bộ rễ, bảo tồn cây. Địa phương cũng rất mong muốn sớm có một danh hiệu, chứng nhận cho một cây cổ đã trải qua hàng trăm năm lịch sử, gắn bó với bao thăng trầm của quê nhà.