Xây dựng trận địa bao vây tiến công được đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá “mang tính quyết định” dẫn tới thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Ta sẽ làm gì để giành thắng lợi trên mặt trận chính Điện Biên Phủ?”, trước tấm bản đồ trải rộng, Tổng chỉ huy chiến dịch Võ Nguyên Giáp đau đáu với câu hỏi trong Hội nghị cán bộ phổ biến phương châm “đánh chắc tiến chắc” sáng 7/2/1954 tại Sở chỉ huy Mường Phăng. Bộ đội đã hoàn thành kéo pháo ra khỏi trận địa hai ngày trước, đang chờ những mệnh lệnh mới.
Tập đoàn cứ điểm nằm trong lòng chảo Mường Thanh, bao quanh là núi cao trên nghìn mét. 49 cứ điểm nằm liên hoàn trên cánh đồng dài hơn 10 km, rộng 5 km. Các cứ điểm gần nhau hợp thành trung tâm đề kháng, chia ba phân khu. Phân khu trung tâm là đầu não, có Sở chỉ huy quân Pháp, bộ phận hỗ trợ cùng sân bay Mường Thanh, tập trung tới 2/3 quân số.
Về tương quan lực lượng, bộ binh, pháo binh của Việt Minh hơn quân Pháp về số lượng, song trang bị lẫn hỏa lực đều không bằng. Việt Minh không có xe tăng, chưa có không quân, chỉ có một trung đoàn cao xạ trong khi đối phương huy động hai phần ba máy bay trên toàn Đông Dương về Điện Biên Phủ.
Không thể đặt pháo ngoài lòng chảo Mường Thanh
Trên tấm bản đồ trải rộng, tướng Giáp đặc biệt chú ý hai căn cứ hỏa lực pháo binh dày đặc tại phân khu trung tâm Mường Thanh và Hồng Cúm ở phân khu nam. Riêng khu trung tâm rộng 2,5 km2 đã có 40 khẩu trọng pháo từ 155 mm, 105 mm tới cối 120 mm cùng đạn dược dự trữ đồ sộ.
Với tầm bắn 14 km, hỏa lực từ lựu pháo 155 mm đặt ở Mường Thanh có thể dồn về mọi hướng, yểm trợ cho các cứ điểm nếu bị tấn công. Lựu pháo 105 mm từ phía nam Hồng Cúm, cối 120 mm từ Mường Thanh có thể nã đạn tới tận đồi Độc Lập ở phía bắc. Mỗi trung tâm đề kháng còn có hệ thống hỏa lực riêng, chiến đấu độc lập.
Với chiến thuật khẩu đội tập trung, pháo binh Pháp tự tin có thể trút lửa lên bất kỳ vị trí nào trong đội hình đối thủ. Trấn giữ các căn cứ này là những đơn vị pháo binh có tiếng, thậm chí kỳ cựu nhất của Pháp ở châu Á.
Phó chỉ huy tập đoàn cứ điểm kiêm đặc trách pháo binh là Charles Piroth, người mất cánh tay trái trong trận đánh tại Italy năm 1943 nhưng vẫn được giữ lại quân đội vì kinh nghiệm và chuyên môn giỏi. “…Việt Minh không thể nào đưa pháo đến tận đây. Nếu họ đến, chúng tôi sẽ đè bẹp ngay”, Piroth tự tin nói với Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh ở Đông Dương Henri Navarre.
Các chỉ huy quân đội nhân dân Việt Nam đã nhận ra rằng những ngọn núi lớn khống chế được sân bay Mường Thanh đều cách xa 10-12 km. Trong khi lựu pháo 105 mm của bộ đội tầm bắn tối đa 11 km, sơn pháo tầm bắn xa nhất 8 km. Đặt pháo ngoài lòng chảo, mục tiêu cũng ngoài tầm tiêu diệt hiệu quả.
Pháo vì thế bắt buộc phải đặt phía trong những sườn núi nhìn xuống thung lũng Mường Thanh. Nhưng không thể tiếp tục cắt rời pháo khỏi xe, kéo những khối sắt nặng hai tấn lên núi bằng tay, phơi mình trên địa hình trống trải để đánh trận trong 45 ngày như dự tính.
24 khẩu lựu pháo 105 mm, vài chục sơn pháo 75 mm cùng cao xạ 37 mm – những vốn liếng chỉ đếm đầu ngón tay của bộ đội Việt Minh. Nếu để pháo của quân Pháp dồn hỏa lực diệt chút vốn ít ỏi này, kháng chiến sẽ kéo dài không biết bao năm. Nếu không có giải pháp, pháo binh sẽ “bị đè bẹp ngay” như lời Piroth cam kết với Navarre.
Phải có đường cho xe kéo pháo vào trận địa. Và trận địa này phải đủ sức chịu những đợt oanh kích của máy bay, pháo binh Pháp nếu không may bị lộ. “Chọn đánh chắc thay vì một cuộc tiến công toàn bộ tập đoàn cứ điểm, ta phải xây dựng trận địa bao vây, cắt đứt cứ điểm, đưa pháo vào vị trí an toàn, đặt cứ điểm trong tầm bắn, khống chế sân bay rồi mới thực hiện hàng loạt trận công kiên”, tướng Giáp chỉ rõ.
Ba bước chiến dịch được Hội nghị thống nhất là hoàn thành công tác chuẩn bị, tiêu diệt dần trung tâm đề kháng ngoại vi và cuối cùng tổng công kích diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm. Ba trong năm việc cần làm ngay mà Đảng ủy Mặt trận đề ra là làm đường cho xe pháo 105 mm cơ động chiến đấu, xây dựng trận địa pháo kiên cố và đào trận địa tiến công bao vây.
Đưa pháo lên cao vào gần, hào di động dưới đất
Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái cùng cán bộ tham mưu, công binh, pháo binh đã đi dọc các dãy núi Pú Hồng Mèo, Pú Tà Cọ vạch đường cho xe pháo cơ động và tìm vị trí đặt trận địa cho các đại đội lựu pháo 105 mm.
Đội tiền trạm chỉ có ống nhòm, la bàn và một tấm bản đồ tỷ lệ 1/100.000 thiếu nhiều chi tiết mới về Điện Biên Phủ. Đội vừa quan sát địa hình, ước tính độ dốc, đánh dấu thêm những ngọn núi, con suối không có trên bản đồ.
Đội khảo sát chọn được một trận địa ở bắc đồi Độc Lập; hai trận địa ở gần đường 42 (ngang km 69-70); hai trận địa trên đỉnh Tà Lùng, tức phía đông Điện Biên Phủ và một trận địa Pú Hồng Mèo ở bên tây bắc Hồng Cúm. Lấy nóc hầm De Castries – Chỉ huy trưởng Binh đoàn tác chiến Tây Bắc, làm điểm chuẩn, cự ly từ các trận địa pháo này đến phân khu trung tâm Mường Thanh trung bình 6-8 km, trong tầm công phá hiệu quả nhất của những khẩu lựu 105 mm.
Sáu trận địa lựu pháo 105 mm nằm phân tán trên các điểm cao tạo thành một vòng cung ôm lấy lòng chảo Mường Thanh. Nằm phân tán nhưng đích ngắm của họng pháo là các mục tiêu trong tập đoàn cứ điểm, chủ yếu sân bay, sở chỉ huy, hỏa điểm, trận địa pháo của quân Pháp.
Các nét vẽ tương đương những trục đường cơ động cho xe kéo pháo vào mặt trận, di chuyển trong chiến đấu lần lượt vạch ra trên bản đồ, vắt qua núi đồi từ đông sang phía bắc Mường Thanh. Đường đủ rộng cho xe pháo đi và tuyệt đối bí mật bởi đều nằm trong tầm bắn của pháo Pháp.
Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn dẫn quân, nhận cọc dấu, bổ những nhát cuốc đầu tiên xuống đất rừng. Trừ Đại đoàn 308 đang truy kích địch bên Thượng Lào, phần lớn quân chủ lực của các đại đoàn, trung đoàn công binh, pháo binh đều được huy động làm đường xe pháo, đào trận địa.
Tây Bắc núi cao đèo thẳm thử thách sức người chỉ có xẻng đào, cuốc chim. Công binh phải làm những cây cầu vượt suối chịu được lực 10 tấn cho xe pháo qua khi mùa mưa đang đến gần. Nhiều đoạn đường sắp xong đụng núi đá chắn ngang; chỗ ngoặt phải mở rộng 12 m nhưng mới tính được 6 m, thành vực đã cao 20 m.
Thiết lập trận địa pháo cao xạ càng khó khi địa hình chỉ đáp ứng được một trong tám điều kiện phải có, là “Không gần đường dây cao thế quốc gia” theo lý thuyết được học ở trường quân sự.
Pháo binh khoét núi dựng hầm pháo có công sự bắn và nơi ẩn nấp riêng. Mỗi hầm pháo đào trung bình 200-300 m3 đất đá. Nắp hầm dày 3 m được gia cố bằng thân cây trên 30 cm, bó trúc, đất, được ngụy trang và đủ sức chịu được đạn pháo 105 mm. Trận địa pháo nối với tuyến sau bằng đường hào, nơi có đủ hầm ăn ở, chỗ cho thương binh, nấu ăn, giấu xe chở pháo. Bộ đội dựng thêm hầm chỉ huy, hầm chứa đạn cùng trận địa giả để nghi binh.
Trong đêm đen, bộ đội thông tin lăn lộn đèo dốc, sương mù, tránh bom đạn để đo lập tọa độ mục tiêu, nối mạng dây thông tin dài hơn 60 km cho riêng trung đoàn lựu pháo, đảm bảo cho những viên đạn bắn trúng đích. Các trận địa nằm xa nhau, trong khi chỉ có 100 km dây điện thoại. Các chiến sĩ phải quay về Tuần Giáo, bóc được 60 km dây kẽm gai thay thế.
Trên sườn núi bao quanh lòng chảo Mường Thanh những ngày tháng 2/1954 như một đại công trường, khẩn trương và bí mật. Công binh vừa làm đường kéo pháo vừa đào hào bao vây tiến dần xuống cánh đồng Mường Thanh. Những chiếc trực thăng Bearcat bay là là mỏm núi chụp ảnh trinh sát vẫn không phát hiện được trận địa dưới tán cây rừng.
Rừng che chở và lá nguỵ trang, các trục đường cho xe pháo vào trận địa dần thành hình. Cùng lúc, đường hào vây lấn như cây rừng đâm rễ đổ dần từ triền núi xuống lòng chảo, mọc những nhánh mới lan rộng về phía khu cứ điểm trên cánh đồng Mường Thanh.
Phía trước, các đơn vị bộ đội liên tục đánh lùi những đợt hành binh trinh sát của đối phương. Quân Pháp đã nhận ra pháo Việt Minh không đặt ở sườn núi sau lòng chảo Mường Thanh như dự đoán mà “nằm một cách thách thức” ngay sườn núi đối diện Điện Biên Phủ, sẵn sàng bắn thẳng.
‘Mở cửa’ pháo đài
Cuối tháng 2, đường cơ động cho xe pháo hoàn thành, 11 trận địa lựu pháo, 21 trận địa pháo cao xạ sẵn sàng đón pháo vào vị trí. Chiến hào bao vây tiến công thành hình.
Đêm 6/3/1954, bộ đội kéo thử hai khẩu pháo vào vị trí. Đêm hôm sau, công binh thắp hai nén hương đi trước dẫn đường, chỉ dấu cho xe pháo nương theo đốm lửa vào trận địa. Lựu pháo 105 mm cùng loạt cao xạ lần lượt nằm im trên những sườn núi cách cứ điểm Him Lam 3-4 km chờ khai hỏa. Tại một số đoạn đường gấp khúc, bộ đội vẫn phải kéo pháo bằng tay.
Ngày 13/3/1954, chỉ chín ngày sau khi Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương thăm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lần cuối cùng, những viên đạn pháo 105 mm từ các sườn núi quanh lòng chảo Mường Thanh bắt đầu dội xuống Him Lam, nơi được ví như “đài quan sát”, hướng tiến công chính của bộ đội Việt Minh.
Theo các nhà nghiên cứu quân sử, trận địa “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung” của pháo binh Việt Nam đã làm vô hiệu hóa “khẩu đội tập trung” của pháo binh Pháp. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh, dẫn chứng Trung đoàn 45 lựu pháo được bố trí từ đông bắc Hồng Cúm đến tây bắc Bản Kéo tạo thành cánh cung hơn 30 km, giãn cách các trận địa 3-5 km, cự ly bắn đến trung tâm Mường Thanh 6-8 km. Các đơn vị súng cối tập trung trên hướng đông và đông bắc Điện Biên Phủ với cự ly bắn 600-800 m. Sơn pháo thọc sâu trên đồi E, cự ly bắn 300-500 m.
“Trong thực hành chiến dịch, pháo binh được điều chỉnh đội hình, thay đổi vị trí để chuyển hóa thế trận, hiệu quả trong cả chiến đấu lẫn chi viện cho bộ binh”, tướng Phong nêu, dẫn chứng sau trận tiến công Him Lam, sơn pháo và cối 120 mm được đưa sang chi viện cho bộ binh đánh đồi Độc Lập. Lựu pháo được cơ động sang tây Mường Thanh chi viện Đại đoàn 308 đánh cứ điểm, bắn được sang cả phía đông ngăn chặn phản kích.
Ông thống kê mức độ tập trung pháo trong chiến dịch này đạt toàn bộ lựu pháo 105 mm, hơn 70% sơn pháo 75 mm và tới 80% cối 120 mm của toàn quân. Tỷ lệ pháo binh một số trận vượt trội so với Pháp, đạt 3/1 trong trận Him Lam, 4,5/1 trận đồi Độc Lập.
Cùng với trận địa pháo, hệ thống chiến hào dài hơn trăm cây số giúp bộ đội công – thủ từng bước làm thay đổi cục diện chiến trường theo các đợt tiến công, đại tá Phạm Hữu Thắng, nguyên chủ nhiệm bộ môn Lịch sử nghệ thuật quân sự, Viện Lịch sử quân sự, nhận định.
Ông Thắng phân tích trước ngày nổ súng, hệ thống hào trục quanh cánh đồng Mường Thanh cùng đường hào nhánh giúp bộ đội tiếp cận trung tâm đề kháng ở phía Bắc. Khi cánh cửa được mở thông xuống vùng lòng chảo, chiến hào từ mọi hướng tiếp cận dần trung tâm đề kháng, cắt đứt các cứ điểm với trung tâm trong đợt đánh thứ hai. Đến cuối tháng 4, hệ thống chiến hào siết chặt khiến phạm vi chiếm đóng quân Pháp mỗi bề chỉ còn 1,3-1,7 km, “bóp nghẹt” không gian lẫn tinh thần chiến đấu của lính Pháp trước đợt công kiên cuối cùng.
Nếu mật độ dày đặc của 2.000 viên đạn pháo mở màn bắn trúng mục tiêu trong trận Him Lam đã tạo bất ngờ cho cả Điện Biên Phủ, thì theo tướng Giáp, bất ngờ lớn nhất dành cho Piroth – chỉ huy pháo binh, là “đã không phát hiện được bất kỳ vị trí nào của những khẩu pháo đang nhả đạn”.
Phương Tây kinh ngạc không phải ở chỗ Việt Minh có các loại pháo đó, bởi Bộ chỉ huy Pháp đã biết từ một năm trước, mà ở chỗ làm sao Việt Minh lại đưa được khối lượng lớn pháo hạng nặng, tiếp tế đạn dược qua vùng núi cao, rừng rậm, không có đường sá gì.
Hồng Chiêu
Ảnh tư liệu: Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Tư liệu tham khảo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử, Hồi ức do Hữu Mai thể hiện; Lịch sử Pháo binh QĐND Việt Nam 1945-1975; Tư liệu tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Bài tiếp: Nơi đấu trí với De Castries trong chiến dịch Điện Biên Phủ