Nga giành thêm một làng, phủ nhận sử dụng vũ khí hóa học
Bộ Quốc phòng Nga ngày 2.5 thông báo đã kiểm soát khu định cư Berdychi ở miền đông Ukraine, ngôi làng mới nhất trong một loạt thành tích gần đây của Moscow.
Hôm cuối tuần, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky thông báo quân đội đã rút khỏi Berdychi và 2 làng kế bên để bảo vệ tính mạng của lực lượng. Ông cho rằng đây là khu vực mặt trận phức tạp nhất và thừa nhận Nga đã có thành công chiến thuật nhất định.
Berdychi cách thị trấn Avdiivka, nơi Moscow đã giành được hồi tháng 2, khoảng 12 km về hướng tây bắc.
Điểm xung đột: Ukraine gây bất ngờ về F-16; Nga chỉ trích Mỹ ‘đạo đức giả’
Quân đội Nga gần đây liên tục đạt những bước tiến trong lúc Ukraine gặp thiếu thốn vũ khí do phương Tây trì hoãn viện trợ. Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 2.5 cho biết Nga đã sử dụng hơn 300 tên lửa, khoảng 300 máy bay không người lái (UAV) Shahed và hơn 3.200 quả bom dẫn đường để tấn công Ukraine trong tháng 4.
Reuters dẫn lời các quan chức địa phương cho hay trong ngày 2.5, Nga đã sử dụng loại bom này để tấn công hạ tầng dân sự và nhà dân tại tỉnh Kharkiv ở vùng đông bắc Ukraine, khiến 8 trẻ em bị thương. Moscow luôn bác bỏ cáo buộc tấn công mục tiêu dân sự.
Cũng trong ngày 2.5, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng lực lượng Nga tại Ukraine vi phạm lệnh cấm của quốc tế khi sử dụng chất hóa học chloropicrin, một loại chất gây ngạt. “Những tuyên bố đó hoàn toàn vô căn cứ và không có gì để đảm bảo. Nga đã và vẫn cam kết với nghĩa vụ theo luật quốc tế liên quan lĩnh vực này”, ông Peskov tuyên bố.
Dự báo của tình báo Mỹ
Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines ngày 2.5 nói trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng xung đột tại Ukraine khó có khả năng sớm chấm dứt.
Theo bà Haines, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nhận định tình hình trong nước và quốc tế có lợi cho Moscow và có khả năng sẽ đẩy mạnh các chiến thuật quyết liệt hơn tại Ukraine.
Lãnh đạo NATO nói ‘chưa quá trễ’ để giúp Ukraine chiến thắng
“Các cuộc tấn công nhắm vào hạ tầng điện của Ukraine nhằm mục đích nhấn mạnh với Ukraine rằng tiếp tục chiến đấu sẽ chỉ gia tăng thiệt hại cho Ukraine và không mang lại con đường hợp lý nào đến chiến thắng”, vị lãnh đạo tình báo Mỹ phân tích và dự báo: “Những chiến thuật hung hăng này có thể sẽ tiếp tục và cuộc chiến khó có khả năng kết thúc sớm”.
Cùng ngày, người phát ngôn Peskov của Điện Kremlin nói rằng hội nghị vào tháng 6 do Thụy Sĩ tổ chức nhằm thảo luận cách chấm dứt xung đột là điều vô nghĩa do Moscow không được mời tham dự.
“Chúng tôi không hiểu hội nghị hòa bình này là cột mốc gì. Liệu chúng ta có thể nói về loại hội nghị nghiêm túc gì với những kỳ vọng về một vài kết quả mà không có sự tham gia của Nga? Điều này là hoàn toàn không thể và rõ ràng đây là dạng sáng kiến không tập trung vào kết quả”, ông Peskov nói.
Trong một cuộc phỏng vấn trong tuần này, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng sẽ không có ý nghĩa gì nếu Nga có mặt tại hội nghị nhưng không tham gia một cách chân thành. Nhà ngoại giao cho rằng việc gây sức ép lên Nga trên chiến trường và tổ chức hội nghị với các nước chia sẻ cùng nguyên tắc sẽ khiến Moscow sẵn sàng hơn trong việc đối thoại.
Dự kiến, hội nghị diễn ra vào ngày 15-16.6 tại thành phố Lucerne của Thụy Sĩ, với các phái đoàn của G7, G20, nhóm BRICS, Liên minh châu Âu (EU), các tổ chức quốc tế và đại diện tôn giáo.
Thụy Sĩ cho biết hội nghị sẽ thảo luận dựa trên công thức hòa bình của Tổng thống Zelensky và các đề xuất khác, dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc và những nội dung cơ bản của luật quốc tế. Hội nghị nhằm mục đích tạo ra khuôn khổ cho hòa bình lâu dài và một lộ trình cho sự tham gia của Nga vào tiến trình này.
Ukraine nói biển Đen sạch bóng tàu chiến Nga
Gợi ý của Tổng thống Pháp
Trong cuộc phỏng vấn với báo The Economist được đăng tải ngày 2.5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng câu hỏi về việc phương Tây đưa quân sang Ukraine sẽ nổi lên một cách hợp thức nếu Nga phá vỡ tiền tuyến và Kyiv đưa ra đề nghị.
Tuyên bố này tương tự như những gì ông Macron nói hồi tháng 2 về việc không loại trừ khả năng đưa quân sang Ukraine, phát ngôn đã khiến nhiều đồng minh lo ngại.
“Tôi không bác bỏ điều gì bởi chúng tôi đang đối diện với người không bác bỏ điều gì”, ông Macron nói. Nhà lãnh đạo nhấn mạnh nếu Nga quyết định đi xa hơn, thì phương Tây trong mọi trường hợp sẽ phải tự vấn về việc triển khai binh sĩ.
“Tôi có một mục tiêu chiến lược rõ ràng: Nga không thể thắng tại Ukraine. Nếu Nga thắng tại Ukraine, sẽ không có an ninh tại châu Âu. Ai có thể giả vờ rằng Nga sẽ dừng lại ở đó? Các nước láng giềng khác như Moldova, Romania, Ba Lan, Lithuania và các nước khác sẽ có an ninh ra sao?”, ông Macron phát biểu và khẳng định điều đang diễn ra tại Ukraine là một cuộc chiến toàn diện hơn là “chiến dịch quân sự đặc biệt” như cách miêu tả của Moscow.
Nhiều nước đồng minh châu Âu của Pháp trước đó đã tuyên bố sẽ không đưa quân sang Ukraine. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 2.5 cảnh báo: “Nếu một thành viên NATO cam kết bộ binh, đó sẽ là một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO-Nga, và rồi sẽ là Thế chiến 3”.