Nghỉ việc vì “KPI chạy bộ”
Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền video dài gần 5 phút của một cô gái “bóc phốt” công ty cũ vì “ép” nhân viên phải chạy bộ hằng ngày.
Cô gái này chia sẻ, trước đây khi làm tại công ty, sếp đặt ra văn hóa đọc sách và chạy bộ.
Cô thừa nhận việc đọc sách, chạy bộ là rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề là sếp không chỉ khuyến khích mà yêu cầu nhân viên phải tham gia, đồng thời liên tục kiểm tra thành tích.
Chỉ tiêu đặt ra yêu cầu nữ phải chạy 7km/tuần, còn nam là 12km/tuần. Đáng nói, cô gái này kể lại có một nhân viên nam cùng nhóm mắc bệnh tim không thể tham gia chạy, nhưng sếp không đồng ý vì cho rằng bệnh tim vẫn có thể chạy bộ.
Không chỉ áp KPI (chỉ tiêu đánh giá công việc) chạy bộ cho nhân viên, người sếp theo lời kể của cô gái còn kiểm tra thông tin chạy, nếu chạy quá chậm cũng bị nhắc nhở. Ám ảnh với “văn hóa” này, cô gái quyết định nghỉ việc.
Cũng rơi vào tình cảnh này, chị H. (23 tuổi) chia sẻ khi mới vào công ty thử việc cũng nghe nói phải chạy bộ 7km/tuần sẽ được cộng điểm thưởng. Khi nghe nói về việc chạy bộ, chị H. cũng thấy kỳ lạ, vì bình thường cô không thích bộ môn này, thường chỉ tập yoga. Bên cạnh đó, khi đi phỏng vấn cũng không nghe công ty phổ biến có “chương trình” chạy bộ như vậy.
Chị H. chia sẻ dù khuyến khích chạy bộ để cộng điểm, nhưng không có nghĩa là nhân viên không chạy cũng được.
“Nếu không chạy thì không có điểm thưởng, mà không có điểm thưởng thì cuối tháng sẽ bị phạt. Cuối cùng vẫn phải chạy. Oái oăm một nỗi, chạy nhưng không tùy thuộc vào sức khỏe của mỗi người mà có quy định rõ phải chạy không dưới 10p/km và không được chạy tại chỗ…
Trong khi đó, mỗi tuần có ít nhất 3 ngày tăng ca, thời gian đâu nữa để chạy? Sau vài tháng gắn bó, tôi cũng quyết định từ bỏ môi trường làm việc tại đây”, chị H. nói.
Nên khuyến khích
Thực tế những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp tổ chức phong trào chạy bộ như một cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo sân chơi kết nối cho nhân viên toàn công ty. Tùy thuộc vào từng ngành nghề, mỗi doanh nghiệp cũng có cách khuyến khích nhân viên tham gia phong trào chạy bộ khác nhau.
Chị Loan (25 tuổi, Hà Nội) cho rằng việc công ty có phong trào thể thao sẽ giúp nhân viên ý thức hơn chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, theo chị Loan, chỉ nên khuyến khích chứ không nên áp đặt.
Chị chia sẻ bản thân rất yêu thích thể thao, khi còn là sinh viên cũng thường tập yoga, gym. Tuy nhiên sau khi ra trường và đi làm, chị bị chi phối bởi nhiều công việc nên việc tập luyện không còn đều đặn.
“Khi công ty có phong trào chạy bộ, mọi người thành lập thành từng nhóm theo phòng ban, động viên nhau cùng tập luyện mỗi ngày. Mỗi ngày tôi cũng cố gắng dành ra 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ để chạy bộ, có đồng đội nên mình cũng có động lực tập luyện hơn. Việc tập luyện thật ra không quá khó, chỉ cần mình sắp xếp thời gian khoa học, chạy theo khả năng của mình thôi”, chị Loan nói.
Theo các chuyên gia y tế, trong cuộc sống hiện đại, nhu cầu tập luyện thể dục thể thao và rèn luyện sức khỏe của mọi người ngày càng nhiều, chạy bộ trở thành môn gần gũi, linh hoạt, phù hợp với nhiều lứa tuổi.
Khi tập luyện thường xuyên, có kế hoạch, sức khỏe của người chạy sẽ được cải thiện đáng kể, giải tỏa căng thẳng, giảm stress, hạn chế được một số bệnh lý về tim mạch, chống béo phì và các bệnh về chuyển hóa. Từ việc nâng cao sức khỏe cũng giúp cải thiện năng suất làm việc hơn.
Cũng chính bởi tính linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng nên chạy bộ đang được nhiều người hay doanh nghiệp hướng tới. Một số doanh nghiệp đưa phong trào chạy bộ gây quỹ từ thiện hướng tới cộng đồng, tổ chức các giải chạy.
Dù vậy, nhiều bạn trẻ vẫn cho rằng chạy bộ chỉ nên dừng ở việc khuyến khích chứ không nên quá ép buộc, phải tùy vào từng thể trạng, sức khỏe của mỗi người.
Ai không nên chạy bộ?
Mặc dù chạy là bộ môn dễ tập luyện, các chuyên gia cũng khuyến cáo một số người không nên tập luyện môn thể thao này.
Theo bác sĩ Võ Tường Kha – Bệnh viện Thể thao Việt Nam, người mắc bệnh tim mạch nên thận trọng khi chạy bộ. Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên có thể giúp phòng chống và cải thiện các bệnh về tim mạch. Nhưng chạy bộ lại là nguyên nhân khiến nhịp tim và huyết áp tăng cao, điều này rất nguy hiểm với những người bị bệnh tim mạch.
Ngoài ra, người bị chấn thương hoặc mắc bệnh về xương khớp chạy bộ có thể làm tăng áp lực lên cột sống, đặc biệt là vùng lưng dưới. Những người có tiền sử bệnh xương khớp nên lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng hơn như đi bộ, yoga… thay cho chạy bộ cường độ cao.