Tham dự buổi tọa đàm còn có đại diện Đoàn Thanh niên Ban Tuyên giáo Trung ương; Đoàn Thanh niên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đoàn Thanh niên Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam; Đoàn Thanh niên Đài Tiếng nói Việt Nam; Đoàn Thanh niên Báo Nhân Dân; Đoàn thanh niên Thông tấn xã Việt Nam; Đoàn Thanh niên Cục Truyền thông CAND; Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao…
Không trông chờ vào chỉ mỗi nguồn thu quảng cáo
Tại chương trình tọa đàm “Xu hướng truyền thông mới – Cơ hội và thách thức” các đại biểu đã thảo luận và chia sẻ các thông tin bổ ích về báo chí truyền thông. Trong đó có 3 phiên cụ thể. Phiên thứ nhất là “Thực trạng về suy giảm doanh thu trên các báo”, phiên 2 “Xu hướng truyền thông báo chí mới”, phiên 3 “Giải pháp thay đổi xu hướng báo chí truyền thông”.
Được biết, hiện nay cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 673 tạp chí; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Mặc dù, đã có nhiều thay đổi để phù hợp với xu hướng, nhưng hiện nay, hầu như các cơ quan báo chí đều đang giống nhau ở tình cảnh sụt giảm về doanh thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Khó khăn này là do các cơ quan báo chí trong nước đang bị các nền tảng xã hội cạnh tranh về quảng cáo-truyền thông, và cả người đọc, người xem. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục cắt giảm chi phí cho quảng cáo-truyền thông.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nhà báo Nguyễn Trần Anh Thu – Đoàn Thanh niên Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, bản thân chúng tôi trong thời gian qua bị ảnh hưởng nhiều từ doanh thu quảng cáo, khi các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, việc dành nguồn lực đầu tư cho quảng cáo cũng ít hơn. Tuy nhiên nếu như chỉ trông chờ vào nguồn thu quảng cáo thì rất khó tồn tại.
Như cơ quan chúng tôi, luôn cố gắng đa dạng nguồn thu, thúc đẩy nguồn thu trên các nền tảng số hay bán bản quyền nội dung. Tập trung thúc đẩy quảng cáo trên các nền tảng OTT, báo điện tử hay từ tổ chức các chương trình, sự kiện truyền thông. Điều này cũng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng.
“Có thể thấy chưa bao giờ nguồn thu của các đơn vị báo chí bị tác động mạnh như bây giờ. Rõ ràng doanh nghiệp là khách hàng, đối tác của cơ quan báo chí. Ngược lại báo chí cũng là đối tác, là đơn vị bảo vệ, đồng hành cho doanh nghiệp trong môi trường truyền thông. Hiện nay các doanh nghiệp cũng đã chuyển một phần dòng tiền sang mạng xã hội, nền tảng số… Tuy nhiên, vẫn còn phần ngân sách dành cho truyền thông trên báo chí. Doanh nghiệp mong sự hợp tác mang lại hiệu quả rõ rệt hơn. Điều đó, đòi hỏi cần có sự chuyển dịch trong tiếp cận mạng xã hội của chính các đơn vị báo chí” – nhà báo Nguyễn Trần Anh Thu chia sẻ.
Nâng cao chất lượng nội dung từng tác phẩm báo chí
Còn theo anh Trần Việt Cường – Bí thư Đoàn Thanh niên Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, nguồn thu từ quảng cáo như Đài Truyền hình Việt Nam vẫn luôn chiếm tỷ trọng lớn, thật ra những xu hướng báo chí truyền thông mới không chỉ diễn ra gần đây mà đã được triển khai hơn 10 năm, xảy ra ở toàn lĩnh vực báo chí truyền thông, nhưng những năm gần đây đặc biệt là sau COVID thì sức ảnh hưởng của nó lớn hơn. Các xu hướng truyền thông mới ảnh hưởng đến nguồn thu chung của các đơn vị báo chí trong đó có Đài Truyền hình Việt Nam.
Hiện nay quảng cáo trên truyền hình cũng bị cạnh tranh bởi rất nhiều loại hình quảng cáo khác. Tuy nhiên trước những sức ép đó thì quảng cáo trên truyền hình vẫn có vị trí nhất định. Đặc biệt là những đơn vị báo chí truyền hình lớn đã có vị thế. Nhiều sản phẩm, nhãn hàng vẫn luôn lựa chọn những kênh quảng cáo truyền thống như VTV, đó như là sự tin tưởng và niềm tin lâu dài. Ở đây có những thách thức nhưng cũng có những lợi thế của mình cần phải phát huy.
Anh Trần Việt Cường chia sẻ thêm: “Chúng tôi cũng có những cách thức quảng cáo mới trên các nền tảng số, điều quan trọng nhất vẫn là thách thức về làm nội dung, sản xuất các sản phẩm báo chí truyền hình phù hợp với từng nền tảng khác nhau, phù hợp, không chỉ là nội dung truyền hình đơn thuần mà đó còn là nội dung số. Nội dung tốt cùng với nền tảng tốt sẽ mang lại nguồn thu quảng cáo một cách bền vững.
Ở góc nhìn khác, nhà báo Trần Văn Quốc – Đoàn Thanh niên Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Những xu hướng báo chí mới cũng tạo ra nhiều thách thức đối với mỗi cơ quan báo chí, không chỉ liên tục chịu áp lực từ các nền tảng mạng xã hội mà còn chịu áp lực từ việc thay đổi thói quen tác nghiệp. Thực tế hiện nay đội ngũ làm báo chưa được bồi dưỡng một cách bài bản, thiếu những kiến thức về làm truyền thông theo cách mới, hiện đại. Nhiều cơ quan báo chí hạn chế về nguồn kinh phí trong công tác đào tạo bồi dưỡng.
“Mỗi cơ quan báo chí ngoài việc ứng dụng các công nghệ làm báo mới thì cũng cần nâng cao chất lượng nội dung từng tác phẩm báo chí mà mình tạo ra, dù là sản phẩm báo chí ở thể loại báo in, báo mạng, phát thanh hay truyền hình… Tuy nhiên thực tế hiện nay nhiều anh em phóng viên vẫn mang tư duy làm báo cũ, vẫn thực hiện những cách làm cũ, lạc hậu. Tất cả cần phải thay đổi để có những cách truyền thông báo chí mới, hiệu quả hơn” – nhà báo Trần Văn Quốc chia sẻ.
Qua buổi tọa đàm, nhiều thông tin và góc nhìn đã được phân tích, chia sẻ, góp phần giúp các cơ quan báo chí nói chung, các phóng viên, nhà báo trẻ nói riêng thấu hiểu hơn các xu hướng truyền thông mới hiện nay. Đồng thời, nắm bắt kịp thời các xu thế truyền thông của doanh nghiệp để nhanh chóng có sự chuyển dịch, tối ưu trong tiếp cận nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.