Đang là sinh viên năm 2 ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở TP.HCM, Nguyễn Anh Tú (SN 2004) tiếc nuối vì trước kia không dám theo đuổi ước mơ của mình.
Lo sợ lời gièm pha
Từ khi học cấp 3, Tú phát hiện bản thân có “năng khiếu” chơi cùng trẻ em nên mong muốn thi đại học vào ngành sư phạm mầm non trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Nhưng khi đề cập chuyện này, bố mẹ Tú phản đối ngay và định hướng con trai theo học kinh doanh để sau này nối nghiệp gia đình.
Nghĩ lại quãng thời gian đó Tú vẫn thấy buồn khi không chỉ bị cấm cản mà còn phải nghe nhiều lời gièm pha đến từ hàng xóm và họ hàng.
“Con trai phải làm ngành gì oai oai chứ giáo viên mầm non suốt ngày nhảy múa hát hò, người ta cười cho”, “Sao lại thích làm việc của phụ nữ thế?“,… đó là những gì Tú nghe được suốt thời gian dài mỗi khi có ai biết đến việc nam sinh này muốn theo ngành trông dạy trẻ.
Tú cho biết sự bất đồng trong chọn ngành, chọn trường khiến không khí gia đình căng thẳng. Bố mẹ cũng chịu nhiều áp lực, điều tiếng vì quyết định của con trai.
Sau nhiều buổi tranh luận, phân tích, Tú đành chọn học theo mong muốn của bố mẹ.
“Em không biết thuyết phục thế nào để bố mẹ hiểu nam giới hoàn toàn làm được công việc này. Làm thầy giáo mầm non không khác thầy giáo cấp 1-2-3 là bao, tại sao lại bị cười chê?”. Đây cũng là điều Tú trăn trở suốt 2 năm nay.
Dù đang học một ngành nhiều hứa hẹn trong tương lai nhưng Tú không cảm thấy vui, cậu chỉ học ở mức độ hoàn thành môn để làm hài lòng bố mẹ và mọi người.
Đặng Hoàng Long (SN 2001, Hà Nội) từng dành 3/5 nguyện vọng của mình cho ngành giáo dục mầm non. Long may mắn khi bố mẹ cho phép tự chọn ngành học mong muốn, nhưng bất ngờ gặp áp lực đến từ chính các bạn cùng lớp. Kể từ khi biết cậu mong muốn trở thành giáo viên nuôi dạy trẻ, cả lớp thường lấy đó làm chủ đề bàn tán.
“Em luôn có cảm giác bị nói xấu sau lưng nên khá tự ti, không dám nói chuyện với ai. Em cũng không thể tập trung ôn thi vì những lời trêu chọc từ các bạn”, Long nói và cho biết từng bị các bạn trai cô lập vì cho rằng “đó là nghề chỉ dành cho con gái”.
Thậm chí ngay cả cô giáo cũng từng khuyên Long không nên theo ngành giáo dục mầm non vì công việc này không “xứng” với năng lực của nam sinh.
“Không ai hiểu em. Đỉnh điểm nhất là khi một nhóm bạn cười đùa nói rằng sau này có con lỡ gặp đúng em dạy sẽ cho con chuyển trường ngay lập tức. Câu nói ấy đã chạm đến sĩ diện, ngay ngày hôm sau em thay đổi hết nguyện vọng”, Long chia sẻ.
Cuối năm 2023, Long tốt nghiệp cử nhân ngành ngôn ngữ Anh. Suốt 4 năm đại học, chàng trai luôn tiếc nuối vì sự thay đổi năm xưa. “Em đã thiếu sự mạnh mẽ, em quan tâm tới thái độ của mọi người thay vì mong muốn thực sự của bản thân”, Long nói và cho biết sẽ không để người khác lựa chọn thay mình thêm một lần nào nữa.
Ra trường, Long mong muốn trở thành giáo viên dạy tiếng Anh tại các trường mầm non để tiếp nối giấc mơ còn dang dở.
Vượt lên định kiến
Chính những nỗi lo của Tú, của Long hay nhiều nam sinh khác đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt giáo viên nam ngành mầm non hiện nay.
Nhiều năm công tác trong ngành như thạc sĩ Lê Đình Hoàng (Giảng viên ngành giáo dục mầm non, trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) hiếm khi gặp đồng nghiệp nam hay nam sinh theo học ngành này, gần như không có.
“Nghề giáo viên mầm non vốn đã có những định kiến nhất định trong xã hội, không riêng gì khi nam giới đi theo ngành. Nếu mọi người đánh giá đúng thực trạng và vai trò của giáo viên mầm non là nam giới cũng như sự bình đẳng giới, bình đẳng với trẻ chắc hẳn sẽ không còn định kiến”, thạc sĩ Hoàng nói.
Trẻ mầm non không quan trọng người dạy là thầy hay cô. Các thầy cô thường phân chia nhiệm vụ phù hợp như khi vệ sinh cá nhân, thầy giáo sẽ chăm sóc bé trai, cô giáo sẽ hỗ trợ bé gái, còn trong việc dạy học, thầy hay cô đều có thể làm tốt.
Ở độ tuổi của trẻ mầm non, được tiếp xúc, nhận sự dạy dỗ từ cả thầy và cô sẽ tốt cho sự phát triển, bởi mỗi người sẽ có phương pháp, kỹ năng khác nhau.
“Các bạn nam yêu thích sư phạm và trẻ nhỏ hãy mạnh dạn theo đuổi ngành giáo dục mầm non, công việc này chắc chắn sẽ mang tới nhiều trải nghiệm thú vị”, thầy Hoàng nói.
Mới đây, trường Đại học Sư phạm (Đại học Đài Nẵng) đưa ra chính sách thưởng học bổng 5 triệu đồng với thí sinh nam đỗ ngành giáo dục mầm non. Chính sách này nhằm khuyến khích thí sinh nam theo học ngành sư phạm mầm non, ngành học này nhiều năm qua không có sinh viên nam theo học. Ngành sư phạm mầm non hiện rất cần các thầy giáo trong quản lý cũng như giáo dục trẻ.
Chính sách trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đưa ra như sự ghi nhận và khích lệ các bạn nam mạnh dạn vượt qua những định kiến nghề nghiệp để lựa chọn ngành học mà mình yêu thích.