Riêng tháng 4, toàn quốc đã xác lập 110 kỷ lục nhiệt độ, cao hơn cả năm 2023 và gấp gần 10 lần so với cùng kỳ tháng 4/2023.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết tháng 4 đã xảy ra ba đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt ở các tỉnh Tây Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa – Phú Yên. Đợt thứ nhất 1-4/4, đợt hai 12-17/4, đợt ba 19-30/4.
Trong đó ngày 26-30/4 nắng nóng xuất hiện toàn bộ Bắc Bộ và Trung Bộ. Các tỉnh Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa – Phú Yên nắng nóng đặc biệt gay gắt với nền nhiệt phổ biến 39-42 độ, riêng Trung Bộ có nơi trên 43 độ C.
Nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ cao hơn 2-4 độ, có nơi trên 4 độ C so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Các khu vực khác phổ biến cao hơn 1-3 độ, riêng Tây Nguyên có nơi hơn 3 độ C.
Năm 2023 nóng nhất là tháng 5 với 5 đợt nắng nóng gay gắt, đặc biệt gay gắt với 44 kỷ lục nhiệt độ. Năm nay, riêng ngày 27/4 đã có 39 kỷ lục được xác lập ở cả Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng, Trung Bộ, Tây Nguyên. 27/4 cũng là ngày nắng nóng đỉnh điểm trong tháng.
Tại Hà Nội, cả 5 trạm khí tượng đều ghi nhận kỷ lục vào ngày 27/4. Cụ thể, trạm Sơn Tây nóng nhất là 37,8 độ C ngày 27/4/1998, nhưng tới 27/4 vừa qua đã lên 40,4 độ. Trạm Láng 41,5 độ, vượt mốc cùng kỳ năm 2006 khoảng 2,5 độ; trạm Hà Đông vượt mốc 2015 gần 3,5 độ; trạm Hoài Đức cao hơn 2019 hơn 2 độ.
Ngày 27/4, nhiệt độ tại Phủ Lý (Hà Nam) là 41,8 độ, cao nhất từ khi có trạm quan trắc, phá vỡ kỷ lục cũ xác lập năm 1966 gần 3 độ C.
Mức nhiệt bị phá vỡ sâu nhất trong tháng 4 là tại trạm Quỳnh Lưu (Nghệ An) khi ngày 30/4 là 42 độ, cao hơn kỷ lục năm 2019 khoảng 3,6 độ C.
Trong tháng 4, có hai trạm ghi nhận 44 độ là Tương Dương (Nghệ An) ngày 30/4 và Đông Hà (Quảng Trị) ngày 28/4. Mức nhiệt này chỉ kém nhiệt độ cao nhất trên lãnh thổ Việt Nam 44,2 độ C được ghi nhận vào ngày 7/5 năm ngoái.
Nam Bộ trong tháng 4 cũng xác lập 14 kỷ lục. Ngày 9/4, mức nhiệt cao nhất 38,6 tồn tại 11 năm ở Đồng Nai bị phá vỡ khi nơi này nóng tới 39,5 độ C. Đến 16/4, Bình Dương nóng 39,9 độ, vượt mức nhiệt lịch sử năm 2016 hơn một độ. Vĩnh Long, Cần Thơ ghi nhận mức nhiệt mới cao hơn 0,5-1 độ so với lịch sử.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho rằng tháng 4 năm nay Bắc và Trung Bộ nóng bất thường do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng thấp nóng phía tây hoạt động mạnh, gây ra hiệu ứng gió phơn. Nguyên nhân sâu xa là ảnh hưởng của El Nino và xu thế nóng lên toàn cầu.
Cơ quan khí tượng dự báo tháng 5, nhiệt độ cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm 1,5-2,5 độ C. Áp thấp nóng phía tây tiếp tục hoạt động mạnh ở Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa – Phú Yên. Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi gay gắt, tập trung 20 ngày đầu tháng 5.