(Dân trí) – Nhiều năm sau, ông Lâm Đức Hạp vẫn nhớ về 2 lần sang Trung Quốc. Một với tư cách quân tình nguyện Việt Nam, và lần thứ 2 sang nhận những khẩu pháo do Liên Xô viện trợ để kéo về đánh Điện Biên Phủ.
Ở quãng tuổi gần đất xa trời, những cựu chiến binh trung đoàn 367 – trung đoàn pháo phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam – vẫn nói với nhau: “Trước khi có pháo cao xạ 37mm, bộ đội Việt Minh chỉ có rừng và đêm tối. Khi kéo được pháo cao xạ về đánh máy bay Pháp, chúng ta có cả ban ngày và bầu trời”.
Từ Thập Vạn Đại Sơn đến Điện Biên Phủ
Mùa hè năm 1949, người dân Trung Quốc tại Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) chứng kiến giao tranh dữ dội giữa quân đội của Tưởng Giới Thạch với một đội quân lạ mặt mặc áo nâu, đội mũ mõm trâu từ phương nam tiến lên.
Dân Trung Quốc khi đó kháo nhau “đây là tụi phát xít Nhật, trước dạt sang Việt Nam rồi giờ quay lại đánh mình”. Chỉ những ai nhìn gần mới thấy trên ngực áo người lính có dải băng vàng in dòng chữ: “Trung Quốc nhân dân giải phóng quân”.
Trong hàng quân áo nâu ấy có Lâm Đức Hạp, một chiến sĩ 19 tuổi, quê Ninh Bình. Ông Hạp cùng một trung đoàn Việt Minh tiến sang đất Trung Quốc để tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn – một chiến dịch bí mật giúp Đảng Cộng Sản Trung Quốc tiễu trừ những cứ điểm cuối của quân đội Quốc Dân Đảng.
Chiến dịch kết thúc vào tháng 10/1949 khi lính Việt Minh từ phía nam đánh lên gặp đại quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ phía bắc đánh xuống, liên quân Việt – Trung giải phóng hoàn toàn biên khu Việt Quế từ tay quân đội của Tưởng Giới Thạch. Tháng 10 năm đó, nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời.
Kết thúc sứ mệnh quốc tế tại Trung Quốc, ông Hạp cùng các đồng đội rút quân về chiến khu Việt Bắc để tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang đến hồi quyết liệt. Người lính Việt Minh khi đó chưa biết rằng nghĩa cử “đem máu xương giúp bạn” cũng chính là tiền đề để bạn giúp mình trong việc chuẩn bị khí giới cho trận quyết chiến tại Điện Biên.
Năm 1953, trước yêu cầu phải có lực lượng pháo phòng không để áp chế không quân của Pháp, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn cao xạ 367 và đưa những quân nhân ưu tú sang Trung Quốc để huấn luyện sử dụng pháo cao xạ 37mm.
Ông Hạp từng học tiểu học ở phố huyện nên cũng được xếp vào nhóm “có trình độ văn hóa” thời bấy giờ. Vì biết chữ, biết tính toán căn bản, ông đã được chọn cùng nhóm sĩ quan Việt Minh đầu tiên sang Trung Quốc để xây dựng bộ khung của Trung đoàn cao xạ 367.
Theo PGS. TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự, từ Thập Vạn Đại Sơn đến Điện Biên Phủ là minh chứng cho sự tương hỗ 2 chiều, “có qua có lại” giữa quân dân Việt Nam và Trung Quốc trong công cuộc giải phóng đất nước.
Những sĩ quan cao xạ đầu tiên
Sau 71 năm, Đại tá Trần Liên, cựu sĩ quan tham mưu Trung đoàn 367, vẫn kể lại được rành mạch chuyến “du học” Trung Quốc kéo dài 6 tháng của mình và các đồng đội.
Nhớ lại bối cảnh khi đó, ông Liên cho biết bộ đội Việt Minh đã rút ra nhiều bài học sau thất bại trong việc đánh chiếm Hòa Bình và Nà Sản – những tập đoàn cứ điểm có quy mô nhỏ hơn Điện Biên Phủ nhiều lần.
Đó cũng là thời điểm thực dân Pháp được đồng minh Mỹ chi viện mạnh về vũ khí và hậu cần. Một loạt máy bay C47 Dakota, C-119 được Mỹ chuyển giao cho Pháp để lập cầu hàng không tiếp tế giữa Điện Biên Phủ và 2 sân bay Gia Lâm (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng).
“Mình không chiếm được Hòa Bình và Nà Sản vì Pháp có máy bay và pháo binh yểm trợ rất mạnh. Do đó, Bộ Quốc phòng quyết định phải xây dựng 2 lực lượng là trọng pháo cơ giới và pháo phòng không”, Đại tá Liên nhớ lại.
Tháng 10/1952, ông Trần Liên cùng 33 người đồng chí được cử sang Nam Ninh (Trung Quốc) để học về không quân. Nhưng do quân đội Việt Minh chưa đủ điều kiện xây dựng không quân nên đoàn đã chuyển sang học về phòng không.
“Khi chúng tôi đang ở Nam Ninh thì đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, sang phổ biến nhiệm vụ mới. Theo đó, chúng tôi sẽ không học không quân nữa mà đến trường Sĩ quan cao xạ Thẩm Dương để học sử dụng pháo cao xạ.
Thẩm Dương là một thành phố nằm ở Đông Bắc Trung Quốc, gần vùng chiến sự Triều Tiên. Tại đó, ông Liên và các đồng đội lần đầu tiên được nghe tiếng báo động phòng không khi máy bay Mỹ oanh tạc qua sông Áp Lục.
“Là học viên, chúng tôi chỉ nghe còi báo động rồi chạy đi trú ẩn, không được tham chiến”, ông kể lại.
Sau thời gian học tập tại Thẩm Dương, ông Liên và nhóm cán bộ trở thành các sĩ quan cao xạ. Họ hành quân ngược trở về Tân Dương (Nam Ninh) để bắt đầu giai đoạn huấn luyện kíp chiến đấu với nhóm chiến sĩ từ Việt Nam sang. Lúc này, quân số của trung đoàn 367 đã đầy đủ 6 tiểu đoàn cao xạ 37mm.
Đến tháng 8/1953, khóa huấn luyện hoàn tất. Các tiểu đoàn trải qua bài thi tốt nghiệp bắn đạn thật.
“Chúng tôi thi tốt nghiệp bằng cách nã pháo vào những quả bóng bay được nhà trường thả ra để giả làm máy bay địch”, ông Trần Liên mỉm cười nhớ lại. Cho đến tận khi kéo pháo vào Điện Biên Phủ, các đơn vị của trung đoàn 367 vẫn chưa từng trải nghiệm bắn máy bay thật lần nào.
Ngày 24/11/1953, tại pháo trường Tân Dương, trung đoàn 367 tổ chức lễ xuất quân. Ông Trần Liên khi đó là sĩ quan tham mưu, phụ trách cuộc hành quân đưa 2 tiểu đoàn 394 và 383 về nước.
Khi đó, không chỉ ông Liên mà toàn bộ lính trung đoàn 367 đều được nước bạn trang bị tươm tất, pháo thủ được đội mũ sắt, cán bộ từ trung đội trở lên có giày da. Lính tráng không phải đi phải đi bộ mà được ngồi trên xe cơ giới.
“Chúng tôi phải giáo dục chính trị cho anh em. Bây giờ bộ đội, dân công của ta đi bộ cả, giày dép còn không có, mà lính cao xạ lại ngồi trên ô tô. Mình nên che đậy đi, đừng tỏ ra huênh hoang với đồng đội”, ông Liên nhớ lại.
Suốt quãng đường kéo pháo từ Trung Quốc về Tuần Giáo, ông Trần Liên nhớ như in lời huấn lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đưa được xe pháo đến đích an toàn và bí mật thì coi như có 60% thắng lợi”.
Đó là một mệnh lệnh tối quan trọng bởi Việt Minh đã xác định pháo cao xạ 37mm sẽ là một bất ngờ lớn với quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Nhưng đó cũng là một mệnh lệnh rất khó thực hiện bởi trên đường kéo pháo, máy bay trinh sát của Pháp quần thảo thường xuyên để tìm kiếm dấu hiệu chuyển quân.
Sau một tuần hành quân bí mật, họ đã kéo 24 khẩu cao xạ 37mm về đến vị trí tập kết ở Tuyên Quang. Sáng 21/12/1953, trung đoàn 367 nhận lệnh hành quân đến Tuần Giáo để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đội hình hành quân khi đó có chiến sĩ Tô Vĩnh Diện và khẩu pháo cao xạ số hiệu 510.681 sau này sẽ gắn chặt với tên tuổi của anh.
(còn nữa)…