Nhờ người nhà “bắn tiền”, nhờ bạn trả giùm
Tôi hay bị bạn bè trêu là “thánh chuyển khoản”. Thậm chí còn bị bạn bè dọa nghỉ chơi vì thường xuyên không mang tiền mặt lúc đi ăn và tất nhiên cũng có lúc đổ xăng phải chuyển khoản.
Mỗi lần đi ăn, thay vì hứa, tôi chuyển khoản ngay lúc bạn bè thanh toán giùm để họ không phải mất công nhắc nhở, nên họ cũng dần quen.
Riêng việc đổ xăng, cũng có nhiều nơi chưa cho quẹt mã QR chuyển khoản. Nên để chắc ăn và thuận tiện nhất, khi có ý định đổ xăng, tôi thường rút tiền trước và dằn túi đúng khoản tiền muốn đổ để thanh toán ngay tắp lự.
Dù khá cẩn thận khi ra đường nhưng quá quen với thanh toán online, việc chuyển khoản, rút tiền, dùng app thanh toán cũng dễ… nên từng có lần đổ xăng xong nhưng tôi không có tiền trả.
Nhìn phía sau mình khi ấy thấy có hơn chục người đang chờ ở hai cột đổ xăng, tôi nói với anh nhân viên sẽ dắt xe vào góc phía trong rồi trả tiền.
Tôi nói thật với nhân viên rằng không tìm thấy ví, sẽ nhờ người khác giúp và liền nhắn cho em gái nhờ nạp gấp 50.000 đồng, đăng ký 3G gói 10.000 đồng sử dụng trong ngày.
Có Internet, tôi xin số tài khoản và chuyển khoản. Lúc đó cây xăng đang đông, tôi còn phải đợi đến khi bớt khách rồi xin được số tài khoản để chuyển trả tiền đổ xăng.
Thanh toán tiện lợi cũng nên có phương án dự phòng
Nói rộng ra, rất nhiều dịch vụ tài chính hiện tại, nếu đã là tín đồ thanh toán online, các bạn trẻ cũng cần chuẩn bị nhiều phương án để luôn có nguồn tiền sử dụng được ngay.
Vào những thời điểm khó khăn, nguồn tiền trong tài khoản không dồi dào, tôi đăng ký ví trả sau (số tiền 3 – 4 triệu đồng) để thanh toán khoản cần ưu tiên. Khoản này dùng trả trước trong tình huống tài khoản thẻ không còn một đồng, và trả lại sau đó.
Đồng thời đi mua hàng, đổ xăng hay đi ăn uống lỡ không đủ tiền mặt, hoàn toàn có thể dùng số tiền trong hạn mức ví trả sau này để thanh toán.
Bạn sẽ hỏi lỡ cạn cả hạn mức ví trả sau, đột nhiên quên mật khẩu thì sao? Cá nhân tôi từng bị khóa tài khoản ví thanh toán tạm thời vì mật khẩu mới đổi và đột nhiên không nhớ, nhập sai.
Lần đó, cửa hàng không dùng máy POS cà thẻ trực tiếp, tôi gọi và gửi cho bạn mình mã QR của cửa hàng nhờ thanh toán hộ.
Tôi vẫn cho rằng dù làm cách nào, cốt lõi là việc mình làm đừng cản trở hay phiền người khác đang chờ phía sau. Nếu có, hãy tránh qua một bên tìm cách xử lý. Chứ đứng tại chỗ xin WiFi rồi thanh toán trục trặc và bắt cả hàng dài chờ thì không nên chút nào.
Theo bạn đọc, câu chuyện này nên được giải quyết như thế nào mới không gây phiền? Khách hàng có lỗi không? Cây xăng và ngân hàng có trách nhiệm gì không? Làm sao để không trở thành điểm tắc nghẽn gây phiền cho các khách hàng khác? Mời bạn chia sẻ quan điểm về hòm thư [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.