Xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc: Bài 1 – Khi tiêu chuẩn thị trường thay đổi Cách nào giảm rủi ro xuất khẩu tiểu ngạch? |
Từng bước chuyển hướng thích ứng
Một thực tế mà bất cứ ai làm nông nghiệp ở Việt Nam cũng có thể nhận thấy, đó là thực trạng xuất khẩu thô các hàng hoá nông sản. Không chỉ riêng mặt hàng nào mà hầu như tất cả các mặt hàng, từ cao su, cà phê, hồ tiêu đến hạt điều, chè, sắn và rau quả… lượng hàng hoá xuất thô sang các thị trường nước ngoài đều chiếm phần lớn sản lượng. Đặc biệt là đối với thị trường Trung Quốc thì việc buôn bán qua đường tiểu ngạch lại càng chiếm vị trí quan trọng đối với việc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản. “Hiện nay, rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc có tới 60 – 70% là xuất khẩu tiểu ngạch. Các doanh nghiệp xuất khẩu đa phần là doanh nghiệp nhỏ” – ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định.
Gần đây Trung Quốc dựng lên những rào cản mới khiến việc xuất khẩu tiểu ngạch không còn dễ khai thác. |
Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc dựng lên những rào cản mới cho nhập khẩu tiểu ngạch ngang bằng với chính ngạch đã cho thấy, hàng nông thủy sản không còn nhiều cơ hội đi tiểu ngạch như trước đây. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, nhìn nhận việc Trung Quốc xây dựng lộ trình đóng biên, loại bỏ hoàn toàn xuất khẩu tiểu ngạch vào Trung Quốc sẽ là trở ngại lớn mà các thương nhân Việt Nam lẫn Trung Quốc lâu nay giao dịch biên mậu khó thích nghi. Bởi theo ông Viên thì hiện nay, ngoài mặt hàng chuối được xuất khẩu chính ngạch, còn lại hầu hết trái cây, nông sản như mít, sầu riêng, khoai lang… đều sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
“Việc siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch sẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, điều này tốt cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Song để thực hiện được việc này, cơ quan chức năng cần đàm phán lại với Trung Quốc, tiến tới xóa bỏ quy định về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Thay vào đó là quy định và kiểm soát chất lượng bằng mã HS theo ngành hàng”- ông Nguyễn Hữu Trí – Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Trí Việt đề xuất.
Chỉ ra nguyên nhân, ông Trí cho biết, hiện nay, tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều áp dụng việc kiểm soát chất lượng sản phẩm bằng mã HS này. Để xuất khẩu được, doanh nghiệp phải có hồ sơ đánh giá chất lượng đạt chuẩn từ SGS Việt Nam hoặc Eurofin. Với cơ sở đóng gói thì phải có bộ chứng từ ISO hoặc HACCP.
Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi từ tiểu ngạch sang chính ngạch, ông Nguyễn Lâm Viên cho biết, năm 2010 công ty quyết tâm xuất khẩu chính ngạch và đã tiến hành mở văn phòng đại diện tại Trung Quốc, trực tiếp gặp gỡ, chào hàng đến các nhà phân phối Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Vinamit chấp nhận bỏ khách hàng cũ là những thương nhân ở biên giới chuyên nhập hàng thô về sản xuất để bán lại cho các nhà phân phối, phát triển khách hàng mới và chịu thêm áp lực cạnh tranh với chính những khách hàng cũ đó.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, để chuẩn bị đưa nông sản vào Trung Quốc bằng đường chính ngạch, Hoàng Phát Fruit đang xây thêm nhà máy sản xuất, tiến hành các thủ tục cấp mã số kho, mã số vùng nguyên liệu. “Nếu không có lộ trình chuẩn bị trước thì sẽ rất khó khăn, trở tay không kịp và nông dân, doanh nghiệp rất cần chính quyền địa phương cùng thực hiện lộ trình này”- ông Huy cho biết.
Việc chuyển sang xuất khẩu chính ngạch là xu thế không thế khác mà doanh nghiệp phải thích ứng. |
Xuất khẩu chính ngạch – xu thế không thể khác
Khẳng định việc Trung Quốc vừa mở cửa cho hàng loạt các loại nông sản Việt Nam như tổ yến, khoai lang… xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này thông qua các Nghị định thư cho thấy phía bạn thực sự có nhu cầu với hàng hoá Việt Nam. Giới chuyên gia cũng như các cơ quan chức năng đều thống nhất khẳng định, chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch là xu thế không thể khác. Doanh nghiệp, địa phương, người dân buộc phải tuân thủ.
Tuy nhiên, đây là câu chuyện dài và không dễ để giải quyết trong một sớm một chiều. Do đó, Bộ Công Thương đã xây dựng và đang xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.
Kể từ ngày 1/1/2025, hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới. Cũng kể từ thời điểm này, chỉ cư dân cư trú tại khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân. Chính thức áp dụng định mức mới đối với mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Ngoài ra, khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân phải có mặt để làm thủ tục xuất cảnh.
Kể từ ngày 1/1/2026, các mặt hàng đã được xuất khẩu vào Trung Quốc theo hình thức chính ngạch chỉ được phép làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và các cửa khẩu phụ, lối mở đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.
“Kể từ ngày 1/1/2027, dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá tại tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới chưa đạt được thoả thuận song phương về việc mở cửa khẩu, lối mở biên giới. Kể từ ngày 1/1/2028, tại tất cả các cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính” – Bộ Công Thương nêu rõ.
Như vậy, mốc thời gian 2028 còn 5 năm nữa. Đây có lẽ là quãng thời gian vừa đủ để người dân, các hợp tác xã và các địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi toàn bộ quy mô từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nông hộ hiện nay sang sản xuất lớn – yếu tố bắt buộc để có được các sản phẩm chất lượng và đạt yêu cầu phía đối tác.
“Điều quan trọng hàng đầu trong chuyển đổi sản xuất là không chỉ chuyển đổi quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất mà còn là chuyển đổi về tư duy sản xuất, chuyển đổi về chính sách đất đai. Đây là điều đang đặt ra trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai hiện nay” – ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và thương mại – Bộ Công Thương nêu rõ.
Đồng ý kiến, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, bên cạnh việc thay đổi quy mô điều quan trọng nữa là cần xây dựng được các kho bảo quản nông sản ở các địa phương biên giới. Điều này sẽ giúp rau quả tươi lâu hơn, giữ được chất lượng tốt khi đến thời hạn giao hàng.
Doanh nghiệp cần làm gì ngay từ bây giờ?
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường tỷ dân này, ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) khuyến cáo các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
Với doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường. Các doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc và thúc đẩy khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.
“Việt Nam có lợi thế địa lý ở gần Trung Quốc và cần đẩy mạnh khai thác tối đa điều này. Đặc biệt, từ ngày 19/1/2023, ga Kép, huyện Lạng Giang, Bắc Giang đã được Bộ Giao thông vận tải cho phép tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế. Điều này sẽ giảm tải cho ga Gia Lâm, cũng như giúp nông sản Việt Nam có thêm kênh để phát triển sâu hơn vào thị trường Trung Quốc”- Ông Tô Ngọc Sơn khuyến cáo.
Ở góc độ địa phương, theo ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, trong chiến lược phát triển xuất khẩu, Đồng Nai luôn xác định Trung Quốc là thị trường lợi thế nhất vì khoảng các địa lý gần, các đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang mở cửa rất thuận lợi cho vận chuyển đường biển và đường bộ.
Chính vì thế, trên nền tảng đã thuần thục với hoạt động xuất khẩu chính ngạch, để đẩy mạnh xuất khẩu sang nước láng giềng này trong giai đoạn tới, Đồng Nai đang đẩy manh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ sản xuất chuối mở rộng đầu tư, tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận các chính sách của Trung ương về các liên kết khoa học công nghệ, khuyến nông; phát triển các vùng sản xuất tập trung và gắn với lợi thế về cơ sở hạ tầng, giảm chi phí logistics.
Đồng thời tỉnh này cũng vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham các diễn đàn để cập nhật thông tin thị trường, từ đó chủ động định hướng tổ chức sản xuất, cung ứng theo nhu cầu thị trường.
Trong khi đó, từ góc nhìn của Hiệp hội, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nêu ý kiến: Nông sản Việt Nam tới đây phải khẳng định trên thị trường quốc tế bằng chất lượng, chứ không còn làm số lượng nữa. Và để xuất khẩu được vào Trung Quốc, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị từ trước. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ cần liên kết lại để có vùng trồng đạt tiêu chuẩn để được cấp mã số. Đồng thời phải đầu tư thêm về cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc…
Bài 3 – Để thương mại biên giới trả về đúng bản chất