Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ một số câu chuyện về những ông bố tuyệt vời mà một người thầy như tôi được biết.
Cách đây vài ngày, tôi vào văn phòng của trường, thấy một vị phụ huynh đang trao đổi với thầy học vụ, tôi chào anh. Nghe vậy, anh quay lại chào tôi bằng tên của mình. Tôi ngạc nhiên vì tôi không biết anh. Khi anh ra ngồi ghế đá chờ đón con về, thầy học vụ cho tôi hay, đó là ba của em K. ( đang học lớp 10).
Thực ra tôi và anh gặp và chào nhau đôi ba lần trước cổng trường nhưng chỉ thoáng qua nên tôi không nhận ra. Sau đó, tôi ra ghế đá chuyện trò cùng anh. Anh kể tôi nghe về sự thiếu may mắn của K. ngay từ khi mới chào đời. Rồi anh kể về sự kiên trì và tình yêu thương cũng như định hướng cho con khi con học hết lớp 12. Đó là một ông bố tuyệt vời như những ông bố tôi chia sẻ dưới đây.
Chuyển trường để con bớt áp lực học tập
Giờ ra chơi vào một buổi chiều, những cô cậu học trò “bủa vây” bên tôi hỏi han đủ điều. Thời gian chia sẻ không nhiều nhưng đã đọng lại trong thầy trò chúng tôi những điều thiết thực trong cuộc sống. Ấn tượng nhất là điều nữ sinh Bảo Trúc (lớp 8, vừa mới chuyển về học tại trường tôi) chia sẻ.
Tôi đã biết bố của nữ sinh này trong buổi họp phụ huynh đầu năm (dù không chủ nhiệm lớp nào nhưng tôi cũng thường xuyên quan tâm các cô cậu học trò nhỏ, tâm sự với phụ huynh). Ông bố này chia sẻ, sở dĩ chuyển em về học tại trường chúng tôi (dù xa hơn nhiều so với trường cũ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là để tránh được áp lực học tập cho con. Qua những gì anh nói, tôi cảm nhận được tình yêu thương của bố dành cho con thông qua những việc làm rất thiết thực.
Còn Bảo Trúc kể rằng, cuối tuần bố thường chở gia đình đi chơi, gần thì trong nội thành, xa thì đến những điểm du lịch ở các tỉnh lân cận. Em kể một cách rất tự hào, khiến tôi cũng vui lây. Việc ông bố chở con cùng những thành viên trong gia đình đi chơi cuối tuần, dành thời gian cuối tuần cho con trẻ, không phải ai cũng làm được.
Bài học từ những lúc đưa đón con
Bố của học sinh M.T. cũng khiến tôi rất khâm phục. T. đã theo học ở trường tôi trong hai năm (lớp 8 và 9). Nhà ở rất xa (xa hơn cả Khu du lịch Suối Tiên, TP.Thủ Đức, TP.HCM) nhưng ngày nào bố cũng đón con đi về.
Với môi trường học tập phù hợp, T. tiến bộ rất đáng kể. Để có kết quả ấy, một phần nhờ cô chủ nhiệm đã dày công dạy dỗ, giúp đỡ, không quản ngại với những “ca khó”.
Nhưng hơn ai hết chính là bố của em. Tôi đã có dịp chuyện trò cùng anh hàng chục lần tại bàn tiếp phụ huynh ngay cổng bảo vệ (chúng tôi cùng bác bảo vệ thường uống trà, cà phê trước và sau giờ học).
Tôi rất hài lòng về phương pháp dạy con của anh. Và thấu hiểu trái tim của người bố dành cho người con ít nhiều kém may mắn. Chính phương pháp dạy của anh đã giúp con vượt qua những rào cản thực tế.
Trong kỳ tuyển sinh lớp 10 vừa qua, T. đã đậu trường công gần nhà. Chúng tôi rất vui và tự hào về kết quả em đạt được.
Còn ba của em Mỹ Tần, mỗi chiều đón con đi học về, anh vẫn nán lại thời gian ngồi uống trà cùng bác bảo vệ. Trong thời gian đó, anh cũng được thư giãn khi tạm gác công việc, nhẹ nhàng cùng ly trà và chuyện trò cùng nhiều người. Và hơn hết, anh để con gái được vui chơi thêm một thời gian cùng bạn bè nơi sân trường. Dù một ít thời gian mỗi chiều, nhưng đó cũng là món quà tinh thần anh dành cho con.
Những quyển sách tặng con
Ba của em Tấn Hoàng cũng rất đặc biệt. Chiều nào đón con, anh vẫn chờ con cả tiếng đồng hồ, thậm chí nhiều hơn thế. Anh dành thời gian ấy để con vui chơi nhiều hơn cùng các bạn, nhất là rèn luyện sức khỏe ở phòng tập võ.
Anh cũng là người ba rất tâm lý khi mỗi tuần đặt sẵn hai tờ báo phù hợp lứa tuổi của con ngay tại trường để giờ ra chơi con có thể đọc báo. Một điều đặc biệt hơn nữa là anh sẵn sàng mua những cuốn sách – những tác phẩm kinh điển để con đọc, vì cậu vốn là người mê đọc sách. Và những khoảnh khắc ba con bên nhau nơi sân trường rất xúc động và đáng yêu.
Những lời nói, hành động thiết thực và thiết thân mà bố dành cho con là thế. Những ông bố tuyệt vời trong mắt tôi đơn giản, ý nghĩa là thế!