Đồng bào rẻo cao có cơ hội thoát nghèo
Ngày cuối tháng 4, PV Báo Giao thông từ trung tâm TP Hạ Long (Quảng Ninh), theo tuyến đường mới mở lên vùng rẻo cao, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc xã Đồng Lâm, Đồng Sơn và Kỳ Thượng.
Từ cầu Bình Minh bắc qua sông Bang ra quốc lộ 279 thì rẽ vào tỉnh lộ 342 xuyên qua xã Đồng Lầm. Đây là hợp phần của Dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đoạn từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn tại thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm, có chiều dài 4,6km, được thiết kế 10 làn xe.
Tuyến đường mới được đưa vào sử dụng rộng rãi, các khúc cua trước đây trên tỉnh lộ 342 đều được nắn thẳng, mở rộng…
Hai bên tuyến đường mới mở này, nhiều căn nhà mới được xây dựng khang trang. Theo một lãnh đạo xã Đồng Lâm thì nhiều hộ xây được nhà kiên cố như hiện nay là nhờ tiền đền bù, giải phóng mặt bằng; số còn lại là do giá lâm sản tăng cao vì giao thông thuận lợi, cùng với khoản tiền đã tích lũy từ trước.
Trong căn nhà mới xây ven đường, anh Dương Kim Thuận, người dân tộc Dao ở thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn phấn khởi cho biết, gia đình anh đã nhiều đời ở khu vực này. Trước đây, do giao thông cách trở, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào tự cung, tự cấp, nên hầu hết chỉ đủ ăn, nhà cửa xuống cấp tạm bợ.
“Có đường mới, giá nông, lâm sản không bị ép do vận chuyển khó khăn; Trẻ em đến trường thuận tiện, người ốm đau đưa đi bệnh viện dễ dàng. Gia đình tôi do thu nhập ngày càng ổn định, nên đã xây được căn nhà trị giá 600 triệu đồng này. Mấy tháng nay, từ khi về nhà mới, lắm lúc tôi cứ ngỡ mình mơ”, anh Thuận chia sẻ.
Theo tuyến đường Sơn Dương – Đồng Sơn đến trung tâm xã Đồng Sơn, PV Báo Giao thông ghi nhận xe cộ qua lại khá tấp nập. Ghé vào chợ phiên, không khí bán, mua rất nhộn nhịp. Chị Triệu Thị Phong, người dân tộc Dao ở xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đang bán thuốc Nam gia truyền cho biết: Trước đây, khi giao thông cách trở, chị chẳng bao giờ đến chợ này.
“Nhưng từ vài phiên chợ trước, khi hay tin khách đến đây đông, đường đi lại đã thuận tiện, nên tôi đã đến nơi này bán hàng”, chị Phong cho hay.
Để rẻo cao “cất cánh” cùng thành thị
Trước năm 2019, khu vực miền núi, rẻo cao thuộc huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) dù đã được quan tâm, nhưng do giao thông cách trở, nên cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn.
Từ sau năm 2019, TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ sáp nhập, khu vực này đã được tỉnh Quảng Ninh và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư, đặc biệt là đầu tư hạ tầng giao thông.
Điển hình là dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường liên xã, đoạn đường từ Mỏ Đông, xã Sơn Dương đến trung tâm xã Đồng Sơn có chiều dài hơn 19km, tổng mức đầu tư trên 375 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Hạ Long; Dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đoạn từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm dài trên 10,11km, tổng mức đầu tư gần 813 tỷ đồng. Cả hai dự án được thi công từ đầu năm 2022, hoàn thành vào cuối năm 2023 vừa qua.
Nhận thấy hai dự án trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với phát triển kinh tế – xã hội địa phương, nên từ khi dự án bắt đầu triển khai, cấp ủy, chính quyền đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về dự án để nhân dân có đất nằm trong diện cần giải phóng mặt bằng (GPMB) đều đồng thuận, nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.
Ông Nguyễn Huy Hải, Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn, TP Hạ Long cho biết: Dự án qua địa bàn chiếm dụng trên 20ha đất các loại, ảnh hưởng đến 112 hộ dân. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, công tác GPMB đã hoàn thành, mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân đều được giải quyết thấu đáo ngay từ đầu, nên không có tình trạng kiến nghị, thắc mắc phát sinh.
Tiêu biểu như hộ ông Đặng Tằng Long ở thôn Tân Ốc 1, dù diện tích phải bàn giao lên tới 1,8ha là sinh kế bao đời của gia đình. Nhưng nhờ chính quyền phân tích cụ thể về lợi ích cho bà con trong xã, nên gia đình ông Long đã nhanh chóng thu hoạch cây keo dù chưa tới kỳ khai thác để bàn giao mặt bằng cho dự án.
“Khi tuyến đường mới được mở cùng với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, đồng bào các dân tộc trong xã đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế đất đai, tài nguyên để mở rộng mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa, nên đời sống ngày càng khấm khá hơn”, ông Hải khẳng định.