|
Đồng chí Đặng Quân Thụy sinh năm 1928, 77 năm tuổi Đảng, quê làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Trên nhiều cương vị như: Chính trị viên Đại đội; Tổ trưởng Tổ chiến sự; Tư lệnh Binh chủng Hóa học; Tư lệnh Quân khu 2; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII; Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X; Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội khóa IX; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam (nhiệm kỳ 2002-2007), đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1984, Trung tướng năm 1989. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 17-10-2023, đồng chí được Chủ tịch nước ký quyết định tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”.
|
|
Tháng 4-2024, chúng tôi – phóng viên Báo Nam Định may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với Trung tướng Đặng Quân Thụy về “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!” làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
|
Theo lời kể của Trung tướng Đặng Quân Thụy, đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy và giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ gồm 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40 nghìn cán bộ, chiến sĩ. Cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
|
Bị thất bại liên tiếp trên các chiến trường khiến cho thực dân Pháp dấn sâu vào thế bị động. Phong trào nhân dân Pháp đòi chấm dứt chiến tranh ngày càng mạnh mẽ. Để cứu vãn tình hình, Chính phủ Pháp một mặt xin thêm viện trợ Mỹ, mặt khác thay đổi chỉ huy và kế hoạch tác chiến hòng tìm lối thoát danh dự bằng một thắng lợi quân sự. Giữa tháng 11-1953, bộ đội chủ lực của ta thực hiện kế hoạch tiến lên Tây Bắc, một bộ phận tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với Quân đội Pathet Lào. Trước tình hình đó, địch buộc phải cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ nhằm chặn bước tiến của quân ta. Với sự giúp đỡ rất lớn của Mỹ, thực dân Pháp xây dựng Điện Biên Phủ – vị trí có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với Tây Bắc Việt Nam mà cả vùng Thượng Lào và Bắc Đông Dương thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương – “một pháo đài bất khả xâm phạm”, gồm 49 cứ điểm, chia thành ba phân khu yểm hộ lẫn nhau, có cơ cấu phòng ngự vững chắc. Địch đã cho tập trung ở đây hơn 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới, với ý đồ thách thức quân và dân ta, nghiền nát quân chủ lực của ta.
|
Ngày 25-1-1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc ở Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch đã thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra thành ba đợt trong 56 ngày đêm.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Đặng Quân Thụy được giao nhiệm vụ tổ chức đoàn (gồm một đơn vị quân báo của Sở Chỉ huy và một đơn vị đo đạc của pháo binh 105mm, cùng một số cán bộ) lên sát trận địa địch để nắm tình hình, vẽ sơ đồ bố trí của địch. Đồng chí đã nhiều lần cùng các trinh sát viên vào sát các vị trí của địch. Thời gian ngắn, sơ đồ được vẽ khá tỉ mỉ cả ở khu phía Đông và khu Trung tâm; hệ thống vị trí các cứ điểm địch đang xây dựng cũng được ghi rõ. Tổ đo đạc pháo binh tập trung xác định vị trí các trận địa pháo của địch qua những lần pháo địch bắn đã có thể đo được các cự ly cần thiết cho chỉ huy pháo. Pháo binh địch nhiều lần bắn kết hợp với các toán bộ binh lùng sục ra xung quanh, có chỗ gần đài quan sát, nhưng đoàn vẫn bình tĩnh tiếp tục công việc.
|
Trung tướng Đặng Quân Thụy chia sẻ: “Trong suốt thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi vinh dự nhiều lần được tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thị sát mặt trận, cùng đồng đội tham gia xây dựng nhiều phương án, kế hoạch tác chiến, góp phần quan trọng giúp Đại tướng đưa ra được nhận định chiến lược là “Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là để che chở cho Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp. Như vậy là bị động phân tán lực lượng để đối phó với ta. Vô luận đây rồi, địch tình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta”. Đặc biệt, trưa ngày 7-5-1954, đồng chí Đặng Quân Thụy làm Trực ban tác chiến ở Sở Chỉ huy Chiến dịch thì nhận được báo cáo của các đơn vị phát hiện trong các công sự của địch thấy xuất hiện nhiều cờ trắng, đã nhanh chóng báo cáo với Bộ Chỉ huy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lập tức ra lệnh cho các đơn vị thực hiện tổng tấn công ngay, không chờ tới đêm như dự kiến. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
|
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu chấm hết cho sự ngoan cố, hiếu chiến của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên bàn Hội nghị, buộc Chính phủ Pháp cùng các bên tham dự phải ngồi vào bàn nghị sự, ký Hiệp định Giơnevơ (trừ Mỹ) đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ngày 21-7-1954. Đây cũng là chiến thắng quyết định thắng lợi của ta trên mặt trận ngoại giao, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam.
|
Trung tướng Đặng Quân Thụy giọng hào sảng kể: Như Lời đề của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bảo tàng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1964: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, anh dũng của quân và dân cả nước ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp Mỹ. Đây là chiến thắng vĩ đại của nhân dân ta và cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại ngày nay; chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thành công”.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng trưởng thành. Đây là cơ sở để sau này toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vững tin, dám đánh, biết đánh, quyết đánh và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
|
Sau ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đồng chí Đặng Quân Thụy được giao nhiệm vụ: Năm 1955 giữ cương vị phụ trách Ban Điều lệnh, Cục Quân huấn (trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu); từ năm 1958 đến năm 1961 giữ chức Phó Trưởng phòng Hóa học, Cục Quân huấn (Bộ Tổng Tham mưu); từ năm 1961 đến 1964, được cử đi học tại Liên Xô. Tháng 11-1967, đồng chí được lệnh về Bộ Tham mưu Miền nhận công tác tại phòng Tác chiến của Miền, được giao nhiệm vụ chuẩn bị dẫn đầu một bộ phận của phòng Tác chiến hành quân từ căn cứ của Miền xuống Củ Chi để lập bộ phận Tác chiến tiền phương của Bộ Chỉ huy quân sự Miền. Sau khi tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đồng chí tiếp tục tham gia một số chiến dịch lớn như: Trưởng phòng Tác chiến của Bộ Chỉ huy Tiền phương Miền trong Chiến dịch Trảng Lớn và đường 22 nối Sài Gòn – Tây Ninh (giữa năm 1968); Tham mưu phó Chiến dịch Tây Ninh (17-8 đến 28-9-1968); soạn thảo kế hoạch Chiến dịch Nguyễn Huệ và cuộc tấn công của lực lượng toàn Miền (1972); Tham mưu phó mặt trận Đồng bằng sông Cửu Long (1972).
|
Đến tháng 7-1986, đồng chí Đặng Quân Thụy được cử lên làm Tư lệnh Mặt trận Vị Xuyên, trực tiếp lên các trận địa tiền tuyến để nắm tình hình, tổ chức cho bộ đội làm tốt công tác chuẩn bị, giữ vững trận địa trước các cuộc tấn công lớn của địch. Đồng chí đã yêu cầu các đơn vị kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không thể nôn nóng, vội vàng, phải chuyển sang củng cố vững chắc các trận địa, kiên quyết ngăn chặn địch lấn chiếm và tiến hành các hoạt động khác; trực tiếp làm việc với chỉ huy sư đoàn ở phía trước, kiểm tra một số chốt và trận địa pháo, chỉ thị cho Hậu cần tiền phương Quân khu phải bảo đảm lương thực, thực phẩm cho các đơn vị tác chiến được liên tục, dài ngày. Chính vì vậy, ta đã bảo vệ vững chắc biên giới ở mặt trận Vị Xuyên; đánh bại cuộc tấn công lớn của địch tháng 1-1987.
|
Phát biểu chúc mừng tại Lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước đối với đồng chí Đặng Quân Thụy (ngày 24-11-2023), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu: Trên từng cương vị công tác, đồng chí Đặng Quân Thụy luôn đề cao tính tổ chức, tính kỷ luật, giữ vững nguyên tắc, thẳng thắn, chân thành, gần gũi, sâu sát cơ sở; phát huy tốt trí tuệ tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo; kịp thời đề xuất với cấp trên những giải pháp đúng đắn, sáng tạo. Dù ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn vững vàng, kiên định, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; giữ vững và phát huy tốt phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản, người cán bộ, vị tướng của Quân đội, luôn hết mình phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân. Ở đồng chí hội tụ đầy đủ nhân cách: “Trí – Dũng – Nhân – Tín – Liêm – Trung” của một vị Tướng thời đại Hồ Chí Minh./.