Tại Hội nghị các Bộ trưởng G7 tại Turin (Ý) hôm 29/4, ông Andrew Bowie, Bộ trưởng An ninh năng lượng và Net Zero của Vương quốc Anh, cho biết: “Chúng tôi có thỏa thuận loại bỏ dần than trong nửa đầu những năm 2030. Đây là một thỏa thuận lịch sử, điều mà chúng tôi không thể đạt được tại COP28 ở Dubai năm ngoái”.
Bộ trưởng Năng lượng Ý Gilberto Pichetto Fratin, người chủ trì hội nghị, phát biểu: “Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ và sẽ ký thỏa thuận chính thức vào ngày 30/4”.
Thỏa thuận về than đá đánh dấu một bước tiến quan trọng theo hướng được chỉ ra tại COP28 vào năm ngoái nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, trong đó than là loại gây ô nhiễm nhất. Dự kiến, các Bộ trưởng sẽ đưa ra thông cáo cuối cùng nêu chi tiết cam kết của G7 nhằm khử carbon cho nền kinh tế vào ngày 30/4 (giờ Mỹ).
Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu khí hậu Ember (Nhật Bản), khoảng 16% điện năng của G7 đến từ than đá. Hiện nhiều quốc gia G7 đã có kế hoạch loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.
Năm ngoái, Ý sản xuất 4,7% tổng lượng điện thông qua một số trạm đốt than. Hiện Ý hiện có kế hoạch đóng cửa các nhà máy than vào năm 2025, ngoại trừ đảo Sardinia có thời hạn đến năm 2028.
Ở Đức và Nhật Bản, than có vai trò lớn hơn, với tỷ trọng điện năng được sản xuất từ than cao hơn 25% tổng lượng điện trong năm 2023. Năm ngoái dưới sự chủ trì của Nhật Bản, G7 đã cam kết ưu tiên các bước cụ thể hướng tới việc loại bỏ dần việc sản xuất điện than nhưng chưa đưa ra thời hạn cụ thể.
Tuần trước, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) công bố các quy định mới yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than phải xử lý gần như toàn bộ ô nhiễm khí hậu, nếu không sẽ phải đóng cửa vào năm 2039.
Ông Dave Jones, Giám đốc chương trình Global Insights của Ember, nhận xét: “Đây là một chiếc đinh đóng vào quan tài than. Hành trình loại bỏ điện than đã kéo dài hơn 7 năm kể từ khi Anh, Pháp, Ý và Canada cam kết loại bỏ dần năng lượng than, vì vậy thật đáng mừng khi thấy Mỹ và đặc biệt là Nhật Bản cuối cùng cũng rõ ràng hơn về kế hoạch của mình”.
Tuy nhiên, ông cảnh báo mặc dù năng lượng than đang giảm nhưng mức tiêu thụ khí đốt vẫn tiếp tục. “Than đá có thể là loại ô nhiễm nhất, nhưng cuối cùng thì tất cả nhiên liệu hóa thạch cần phải được loại bỏ dần”, ông nói.
Nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng khí hậu. Hầu hết mọi quốc gia trên thế giới vào năm ngoái đều đồng ý loại bỏ nhiên liệu hóa thạch tại các cuộc đàm phán về khí hậu COP28 ở Dubai, nhưng việc không đưa ra thời hạn cụ thể được coi là một thiếu sót của các cuộc đàm phán đó.
Nhóm G7 – bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ – thường dẫn đầu về chính sách khí hậu toàn cầu cùng với Liên minh châu Âu (EU). Ngoài vấn đề than, năng lượng hạt nhân và nhiên liệu sinh học cũng là hai vấn đề khác được ưu tiên hàng đầu tại hội nghị hôm 30/4 ở Ý.
Hoài Phương (theo Reuters, CNN)