“Nếu biết kết hợp sức mạnh của nội lực và ngoại lực, khó khăn nào chúng ta cũng vượt qua”, ông Ngô Quang Xuân nói.
Ông đã tham gia vào ngành ngoại giao từ năm 1974, một năm sau thì miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Cảm xúc của ông và nhiều người lúc đó ra sao?
Tôi về Bộ Ngoại giao năm 1974 khi chiến dịch Hồ Chí Minh chưa bắt đầu. Nhưng không khí, tinh thần chống Mỹ cứu nước dâng cao. Trong Bộ Ngoại giao tinh thần đó càng nhận rõ hơn bởi Bộ Ngoại giao là nơi theo dõi toàn bộ diễn biến bên ngoài.
Mỗi phong trào, mỗi quốc gia ủng hộ hoặc có tiếng nói chính thức về chiến tranh, Bộ Ngoại giao sẽ là nơi theo dõi hồ sơ từ đầu.
Khi chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn từ chiến dịch Buôn Ma Thuột và triển khai thần tốc, Bộ Ngoại giao là vùng “rất nóng” về tin tức. Hằng ngày, chúng tôi cập nhật tin tức từ chiến trường đưa về và tất cả đều được dịch, biên tập và phát, cập nhật kịp thời cho toàn thể cộng đồng các quốc gia đang theo dõi giai đoạn cuối chiến tranh Việt Nam.
Không khí lúc đó sôi động lắm. Bây giờ nhắc đến, cảm tưởng như mới xảy ra. Lòng tự hào dân tộc, cảm phục với sự đóng góp của nhân dân và sự hy sinh của chiến sĩ ta trên chiến trường vẫn còn nguyên trong tôi.
Thời đó, cách thức chúng ta tuyên truyền, thông tin như thế nào để bạn bè quốc tế thấu hiểu?
Với riêng tôi, một người cả cuộc đời làm ngoại giao đa phương, với tổ chức Liên hợp quốc (LHQ), tôi nhận thấy việc tuyên truyền và cập nhật thông tin cho LHQ, các tổ chức quốc tế có giá trị rất lớn. Đó là con đường nhanh nhất để thông tin đến với các quốc gia. Trong các cuộc họp, diễn đàn, bạn bè các đoàn tiếp xúc với ta rất đông, khi gặp gỡ, chúng tôi sẽ tranh thủ chia sẻ với các bạn.
Khi chiến tranh xảy ra, đôi bên bao giờ cũng tìm cớ, kẽ hở để hạ thấp đối phương, dùng mọi biện pháp thủ đoạn để xuyên tạc, bóp méo sự thật. Nhưng dù họ có bóp méo thế nào cũng không có gì bằng sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Đó là yếu tố cốt lõi thuyết phục bạn bè quốc tế, ngay cả nhân dân Mỹ. Bản thân họ có rất nhiều phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam và họ rất cần thông tin trên thực địa, thông tin chân thật.
Phải chăng, cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ hy sinh vì độc lập, giải phóng đất nước không chỉ có ý nghĩa riêng với Việt Nam mà còn cả khu vực nên chúng ta có nhiều lý do để thuyết phục, thưa ông?
Đúng vậy. Thời điểm ấy, chúng ta còn có cả hệ thống XHCN mạnh mẽ luôn ủng hộ Việt Nam về mọi mặt. Lực lượng người dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ thế giới cũng rất đông đảo.
Các tổ chức nhân đạo, từ thiện, chống chiến tranh và nhiều tổ chức thuộc hệ thống của LHQ cũng có mặt rất sớm tại Việt Nam. Họ thường xuyên có mặt động viên, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, dư luận, ủng hộ về chính trị rất lớn.
Lúc đó, chúng tôi cứ làm hết sức mình thôi, nhưng sau này tổng kết mới nhận ra, thời điểm đó, ta đã vận dụng được đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là vận dụng được sức mạnh của thời đại. Chúng ta kết hợp được cả sức mạnh của nội lực và ngoại lực cùng hài hòa, trở thành sức mạnh tổng lực.
Trong sự nghiệp ngoại giao, ông từng là Đại sứ Việt Nam tại LHQ. Rất nhiều dấu ấn quan trọng của đất nước đã diễn ra từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Nhìn lại quãng thời gian đó, cảm xúc của ông thế nào?
Tôi bắt đầu nhiệm kỳ tại LHQ từ những năm 90 của thế kỷ trước, lúc Việt Nam và Mỹ đang đàm phán để bình thường hóa quan hệ. Lúc này Liên Xô, vốn là chỗ dựa của Việt Nam đã sụp đổ nên vô cùng khó khăn. Hoạt động đa phương đã phải thay đổi về nội dung và phương thức.
Thời điểm đó, chúng tôi đã tích cực thực hiện các hoạt động đa phương, tham gia vào cơ chế lãnh đạo, không thụ động mà chủ động định hình luật chơi cũng như vươn lên vai trò dẫn dắt.
Từ năm 1997, chúng ta đã tạo được một số điểm nhấn như: Lần đầu tiên làm Phó chủ tịch Đại hội đồng LHQ, tham gia vào các ủy ban quan trọng nhất và bắt đầu đăng ký tham gia làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an.
Kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất?
Năm 1995, khi đang là Đại sứ tại LHQ, tôi vinh dự được chứng kiến một sự kiện lịch sử. Đó là, từ ngày 20-26/10/1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang Mỹ dự tuần lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập LHQ. Đây là lần đầu tiên máy bay Việt Nam hạ cánh xuống đất Mỹ, sân bay quốc tế John F. Kennedy của thành phố New York.
Đặc biệt hơn, cơ trưởng của chuyến bay là phi công Nguyễn Thành Trung, người đã lái máy bay FS-E ném bom xuống Dinh Độc lập ngày 8/4/1975.
Chủ tịch nước đã tặng LHQ một phiên bản trống đồng Ngọc Lũ đồ sộ. Theo thông lệ, khi một quốc gia thành viên tặng món quà, thường là một hiện vật biểu tượng đặc trưng văn hóa dân tộc thì cần phải báo cáo lên lãnh đạo để duyệt quyết định địa điểm trưng bày.
Biết điều này, tôi đã khẩn trương làm việc với Vụ Lễ tân LHQ và chọn phương án đặt trống đồng Ngọc Lũ ngay lối ra vào phòng họp Hội đồng Bảo an vì cho rằng đây là địa điểm có ý nghĩa nhất. Song chỉ vài tuần sau, tôi bất ngờ được một vị lãnh đạo LHQ mời lên gặp và thông báo yêu cầu di dời tới nơi khác. Tôi nghĩ ngay, có thể có ai đó cảm thấy nhạy cảm khi sự hiện diện thường trực của Việt Nam ở ngay cửa Hội đồng Bảo an.
Tôi đã nói với vị lãnh đạo này rằng món quà Việt Nam tặng đã được cả thế giới cũng như hàng chục triệu người dân Việt Nam biết đến. Nếu phải chuyển qua địa điểm khác thì tôi không biết giải thích như thế nào với các lãnh đạo và hàng triệu đồng bào của mình.
Sau đó, phái đoàn phải mất đến nửa năm kiên trì, vận động, thuyết phục, cuối cùng những người có trách nhiệm đã đồng ý.
Giờ đây, phiên bản này vẫn giữ nguyên ở lối ra vào của phòng họp Hội đồng Bảo an, trở thành điểm đến không thể thiếu trong chương trình của các đoàn Việt Nam mỗi khi đến thăm và làm việc tại trụ sở LHQ.
Ông nhận thấy vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã thay đổi thế nào trong 49 năm qua?
Vị thế của Việt Nam đã vươn lên tầm rất cao. Đến nay, chúng ta là thành viên của hầu hết các tổ chức đa phương, có quan hệ ngoại giao với hơn 190 nước và quan hệ về kinh tế – thương mại với hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Càng có nhiều năm phát triển quan hệ với Việt Nam, các nước càng thấy Việt Nam như một điểm đến an toàn về mọi mặt, tin cậy về chính trị và hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa… Hiện nay, chúng ta có đến 30 đối tác chiến lược toàn diện và toàn diện, phát triển về mọi mặt.
Chúng ta cũng trở thành thành viên tích cực tham gia vào nhiều hoạt động của các tổ chức quốc tế. Một mặt tiếp tục học tập, mặt khác chúng ta chia sẻ kinh nghiệm đóng góp, tham gia hoạt động cốt lõi, gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tham gia cùng lực lượng gìn giữ hòa bình của thế giới.
Từ cuối những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã thiết lập các vị thế và duy trì đến bây giờ. Tại các tổ chức uy tín lớn như UNESCO, Hội đồng Nhân quyền của LHQ, chúng ta đều vào ban lãnh đạo.
Rõ ràng, ta đã thể hiện được vai trò đóng góp, xây dựng, định hình luật chơi với các cường quốc, các quốc gia quan trọng bậc nhất của LHQ, tham gia vào quá trình dẫn dắt luật chơi. Thậm chí, nhiều diễn đàn không thể thiếu vắng tiếng nói, sự có mặt của Việt Nam.
Ông có cho rằng quan hệ đa phương là nền tảng quan trọng nhất để từ đó chúng ta phát triển quan hệ song phương, ký kết hiệp định khác?
Quan hệ song phương là quan hệ trực tiếp và thực chất nhất trên mọi phương diện. Nhưng vai trò của các cơ chế đa phương là không thể thiếu, nó tạo khuôn khổ về mặt pháp lý cho quan hệ song phương dựa trên đó để phát triển.
Chẳng hạn, tại LHQ văn bản luật pháp quốc tế quan trọng và toàn diện nhất là Hiến chương LHQ. Văn bản này đã trở thành mẫu mực trong quan hệ quốc tế giữa các nước. Khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, kinh tế đều phải dựa vào khuôn khổ cơ sở pháp lý quốc tế như thế.
Hay như cơ chế Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng vậy. Không có cơ chế này thì không có tất cả các hiệp định thương mại tự do khác.
Quan hệ đa phương và song phương là không thể tách rời, bổ trợ và bổ sung cho nhau, làm cho nền chính trị, quan hệ giữa các nước vững chắc.
Trong bối cảnh hiện tại của thế giới, Việt Nam có cơ hội nào để tiếp tục khẳng định vị thế của mình?
Từ đại chiến Thế giới thứ II, các nước lớn luôn nghĩ rằng họ phải là người dẫn dắt, định hình luật chơi, nhưng xu hướng này ngày càng không đúng. Thế giới đa cực và nhiều trung tâm chính trị đang dần hình thành, chia sẻ quyền lực.
Các nước lớn không thể tự tung tự tác. Dù có mâu thuẫn, cạnh tranh vị trí số một trên toàn cầu như thế nào nhưng nhân dân yêu chuộng hòa bình không cho phép điều đó xảy ra.
Chúng ta đang có vai trò quan trọng ở các cơ chế đa phương và LHQ. Chúng ta là nước đã trải qua nhiều đau khổ, mất mát hy sinh ở các cuộc chiến tranh, đóng góp hy sinh vào nền hòa bình của khu vực và thế giới. Điều này đã được thế giới công nhận và đây chính là cơ sở để Việt Nam củng cố phát huy vai trò, làm cho vị thế Việt Nam ngày càng vững chắc.
Cám ơn ông!
Trang Trần (thực hiện)
Thiết kế: Vân Anh