Doanh thu Sabeco đứng đầu ngành nhưng lợi nhuận chỉ nhích nhẹ
Nổi bật trong nhóm vẫn là cái tên Sabeco với mã cổ phiếu là SAB. Hết quý I/2024, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ 7.184 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp này lãi sau thuế gần 1.024 tỉ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ và lãi ròng hơn 997 tỉ đồng, tương đương tăng 3%.
SAB cho biết doanh thu quý I cải thiện nhờ sản lượng tăng và tác động thuận lợi từ việc tăng giá trong năm ngoái. Điều này dẫn đến lãi ròng cao hơn, mặc dù đã bị giảm thiểu bởi thu nhập từ lãi tiền gửi (giảm 22%) và lỗ từ các công ty liên doanh liên kết hơn 11 tỉ đồng (cùng kỳ lãi 44,5 tỉ đồng).
Trên bảng cân đối kế toán, ghi nhận đến hết tháng 3.2024, tổng tài sản SAB hơn 32.100 tỉ đồng, giảm hơn 1.900 tỉ đồng (tương đương giảm 6%) so với đầu năm.
Hàng tồn kho gần 2.200 tỉ đồng, giảm 125 tỉ đồng. Tiền mặt, tiền gửi ngân hàng trên 21.408 tỉ đồng. Đây là danh mục chiếm 67% tổng tài sản. Nhờ gửi ngân hàng, quý I lãi tiền gửi mang về cho Sabeco khoảng 234 tỉ đồng tiền lãi, mức này giảm so với cùng kỳ trong bối cảnh lãi suất huy động toàn thị trường về mức thấp nhất 20 năm trở lại đây.
Hết quý I, nợ phải trả của Sabeco giảm khoảng 34% so với đầu năm, nhờ giảm khoản phải trả người bán ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác. Ngoài ra, tổng vay ngắn, dài hạn là 731 tỉ đồng, tăng nhẹ 30 tỉ đồng.
Bất chấp đẩy mạnh quảng cáo, khuyến mãi, Habeco báo lỗ ròng 5 tỉ
Ngược lại với Sabeco, Habeco (mã: BHN) lỗ ròng hơn 5 tỉ đồng trong quý I/2024, trong khi cùng kỳ lãi hơn 11 tỉ đồng.
Nguyên nhân khiến Habeco lỗ ròng là do đơn vị gia tăng đầu tư cho công tác thị trường.
Giải trình kết quả thua lỗ, Habeco cho biết quý I/2024, chi phí bán hàng gần 231 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, do chi phí quảng cáo, khuyến mãi và hỗ trợ tăng 42% lên gần 105 tỉ đồng; chi phí nhân viên tăng 21% lên trên 34 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 8% lên hơn 92 tỉ đồng.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất huy động giảm làm doanh thu hoạt động tài chính quý I giảm 16% xuống gần 38 tỉ đồng, cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của hãng bia phía Bắc. Tại thời điểm 31.3, Habeco đang gửi tại ngân hàng khoảng 3.464 tỉ đồng.
CTCP Nước giải khát Chương Dương lỗ triền miên trước thềm huỷ niêm yết
Ngày 6.5 tới đây, cổ phiếu SCD của CTCP Nước giải khát Chương Dương sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc và giao dịch phiên cuối cùng trên HOSE vào 3.5.2024.
Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đã ra quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu SCD vì lỗ 3 năm liên tiếp và vốn chủ sở hữu âm.
Hết quý I/2024, SCD vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy lợi nhuận giảm, khi lợi nhuận sau thuế lỗ 17 tỉ đồng.
Nhìn vào báo cáo tài chính, các khoản chi phí của SCD đều biến động mạnh như chi phí lãi vay xấp xỉ 10 tỉ đồng, tăng 157%; chi phí bán hàng gần 18 tỉ đồng, tăng 65%; đặc biệt chi phí khác như tiền thuê đất, khấu hao… cũng tăng hơn gấp đôi, gần 3 tỉ đồng.
Tính đến ngày 31.3, nợ phải trả của doanh nghiệp vượt quá tổng tài sản hơn 29 tỉ đồng. Trong đó, tổng nợ vay tài chính là 609 tỉ đồng, chiếm 86% tổng nợ.
Sản lượng tiêu thụ tăng, CTCP Bia Sài Gòn – Miền Trung báo lãi gần 30 tỉ đồng
Hết quý I/2024, CTCP Bia Sài Gòn – Miền Trung (mã: SMB) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 327 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023, do sản lượng tiêu thụ tăng hơn 7 triệu lít.
Sau khi trừ giá vốn và chi phí, lãi trước thuế của doanh nghiệp đạt gần 30 tỉ đồng, tương đương tăng 49%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành, mức lãi này của SMB vẫn chỉ là mức lãi thấp so với 4 quý gần đây.
Hết quý I, tổng tài sản SMB đạt gần 935 tỉ đồng, giảm hơn 80 tỉ đồng so với đầu năm. Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng giảm còn 303 tỉ đồng; hàng tồn kho là 213 tỉ đồng.
Bên kia bảng cân đối, tại thời điểm 31.3, nợ phải trả của doanh nghiệp giảm 105 tỉ đồng còn 313 tỉ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm xuống còn 81 tỉ đồng.