Nhiều kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ tại Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM (Trung tâm R&D) đã được hiện thực hóa thành sản phẩm, thương mại hóa trên thị trường.
Trung tâm R&D được thành lập vào năm 2004, tập trung nghiên cứu về công nghệ nano, công nghệ bán dẫn, cơ khí chính xác – tự động hóa, công nghệ sinh học, thực phẩm chức năng… Tính đến nay, trung tâm đã có tổng cộng 17 công trình cấp nhà nước, cấp bộ, thành phố; hơn 100 đề tài cấp cơ sở; 13 bằng độc quyền sáng chế. Đặc biệt, hơn 20 sản phẩm nghiên cứu của nhà khoa học trẻ được chuyển giao công nghệ, thương mại hóa ra thị trường, mang lại giá trị lợi ích cho cộng đồng, như: hệ thống quan trắc ngập lụt, băng gạc vết thương dạng xịt Bio Urgo Spray, thuốc bảo vệ thực vật Mr. Five, vật liệu nano curcumin, viên uống chống nắng, gạo Akay…
Nổi bật là công trình Hệ thống cảm biến áp suất silicon carbide, được Trung tâm R&D nghiên cứu vào năm 2019, đưa vào lắp đặt sử dụng ở hơn 20 vị trí tại TP Thủ Đức (TPHCM) dưới hình thức các trạm quan trắc cảnh báo ngập vào tháng 11-2022. Hệ thống cảm biến gắn trong khu vực giếng phụ cạnh cống thoát nước kết nối theo nguyên tắc bình thông nhau. Khi nước dâng, áp lực nước sẽ tác dụng lên màng cảm biến và truyền dữ liệu cảnh báo ngập về máy chủ, hiển thị trên ứng dụng di động, website để người dân biết thông tin về tình trạng ngập, lựa chọn tuyến đường đi lại phù hợp. Toàn bộ dữ liệu được gửi tới Trung tâm Điều hành thông minh TP Thủ Đức, từ đó cơ quan quản lý có thể nhận định về tình hình ngập trên địa bàn, đưa ra phương án quản lý, điều hành hạ tầng đô thị phù hợp…
Ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, năm 2013, các nhà khoa học của trung tâm đã nghiên cứu chế tạo thành công vật liệu nano curcumin (nguyên liệu có trong sản phẩm tinh chất nghệ của Nacur Vital), sản phẩm được chuyển giao công nghệ, thương mại hóa vào năm 2016. Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, tinh chất nghệ Nacur Vital là sản phẩm bảo vệ sức khỏe, có hàm lượng nano curcumin 10%, có tác dụng kháng viêm, tăng cường chức năng gan, giải độc gan, làm lành vết thương, giảm tổn thương niêm mạc dạ dày, giảm tác dụng phụ hóa xạ trị, hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân ung thư…
TS Trịnh Xuân Thắng, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm R&D, cho biết, mục tiêu của đơn vị là tiến đến dần ươm tạo thành công các doanh nghiệp trực thuộc trung tâm và phối hợp với các doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm, nhằm từng bước thực hiện sứ mệnh mà Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM đã giao phó. Đơn vị cũng đang phấn đấu trở thành mô hình trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế theo đề án của UBND TPHCM ban hành vào tháng 12-2023. “Trung tâm R&D đã không ngừng nỗ lực trong việc tìm kiếm, mở rộng hợp tác với các viện, trường, doanh nghiệp, chuyên gia để nghiên cứu các sản phẩm có hàm lượng chất xám công nghệ cao. Trung tâm cũng là đầu mối hợp tác khoa học công nghệ, là nơi tiếp nhận các đơn đặt hàng nghiên cứu, triển khai thử nghiệm sản phẩm, các đề tài khoa học công nghệ từ các doanh nghiệp, viện, trường, vườn ươm khi có nhu cầu. Hiện nay, đội ngũ nhân lực của R&D khoảng 60 người, trong đó có 7 tiến sĩ, 20 thạc sĩ và đội ngũ chuyên gia quốc tế, Việt kiều có thế mạnh trong nghiên cứu về ngành vi mạch, mạch điện tử tích hợp, công nghệ nano…, cơ bản đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu khoa học tại đơn vị”, TS Trịnh Xuân Thắng chia sẻ.
Trung tâm R&D vừa ký kết hợp tác với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Hutech, Viện nghiên cứu thuốc và hoạt chất tự nhiên Việt Nam, Công ty TNHH Mediworld và Công ty TNHH sản xuất thương mại ứng dụng công nghệ NANO JA để mở rộng hoạt động nghiên cứu ứng dụng. Theo đại diện trung tâm, sự hợp tác này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo mắt xích liên kết giữa việc đào tạo, nghiên cứu, ươm tạo, từ đó tăng tỷ suất chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu ngay từ trong phòng thí nghiệm.
BÙI TUẤN