“Tôi ở Phú Nhuận nhưng vì đường sá cách trở, cả năm anh em mới sum họp một hai lần dù họ ở Thủ Đức”, ông Lê Xuân Hòa (60 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) nhớ lại đường phố năm 1995.
Sau giải phóng 1975, ông Hòa theo gia đình từ Quảng Bình vào TP.HCM sinh sống. Hơn 30 năm gắn bó, ông bày tỏ xúc động, xen lẫn tự hào khi thành phố ngày càng phát triển.
Trong trí nhớ của ông Hòa, các tuyến đường ở thành phố cách đây 30 năm thường là độc đạo. Ngoài các quận trung tâm, việc di chuyển sang các khu vực lân cận mất rất nhiều thời gian.
“Thủ Đức hồi đó là vùng ven, nghe đã thấy xa xôi như đi tỉnh. Từ ngày có đại lộ Phạm Văn Đồng, đường đi chỉ còn 30 phút thay vì hơn 1,5 giờ như trước. Tuyến đường còn kết nối quốc lộ 1K đi Bình Dương, Đồng Nai rất thuận tiện”, ông Hòa nói.
Xây dựng hạ tầng thành phố những năm đầu sau giải phóng cũng là nhiệm vụ đầy thách thức. TP.HCM đã nhanh chóng bắt tay vào nâng cấp mở rộng nhiều tuyến đường, xây mới nút giao Phú Lâm, Hàng Xanh… Hệ thống trục đường Bắc – Nam với loạt cây cầu lớn như: Ông Lãnh, Nguyễn Tri Phương, Tân Thuận 2, Khánh Hội… cũng hoàn thành, từng bước đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của thành phố.
Cùng đó, đại lộ Phạm Văn Đồng được đầu tư 340 triệu USD, rộng 10 làn xe. Dự án khởi công vào tháng 6/2008 và đưa vào khai thác năm 2016. Đây là tuyến đường kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Những năm sau đó, hệ thống trục Đông – Tây với các tuyến chính như: đường Trường Chinh, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13… tiếp tục được xây dựng. Giao thông TP.HCM được kết nối và tạo tiền đề cho sự phát triển bứt phá dọc hai bờ sông Sài Gòn.
Trong số này, đại lộ Đông – Tây dài 24km đi qua 8 quận huyện được ví là con đường di sản của thành phố bởi nó chạy suốt chiều dài lịch sử 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Sài Gòn – TP.HCM.
Tuyến đường này sau được đổi tên thành đại lộ Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ. Điểm nhấn của dự án là hầm vượt sông Sài Gòn (nối quận 1 với quận 2 cũ, nay là TP Thủ Đức) dài gần 1,5km, rộng hơn 33m, khai thác năm 2011 sau hơn 3.000 ngày thi công.
Những dự án mang tính chiến lược, kết nối vùng lần lượt hình thành, như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP.HCM – Trung Lương, đường Xuyên Á (quốc lộ 22)…
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM nhìn nhận, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, thành phố đã chủ động huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông với nhiều phương thức khác nhau.
Từ đó, nhiều dự án có ý nghĩa quan trọng đã hình thành: đường Phạm Văn Đồng, cầu Ba Son đầu tư BT; xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ, Bình Triệu đầu tư BOT… Diện mạo thành phố nhờ đó đã có những thay đổi vượt bậc.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, 2023 là năm đáng nhớ của TP.HCM khi đã khởi công hàng loạt công trình trọng điểm, bứt tốc hoàn thành hàng chục dự án lâu năm và chuẩn bị thủ tục cho những dự án mới.
Điển hình nhất là tuyến Vành đai 3, sau nhiều năm chờ đợi, TP.HCM cùng các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, Long An đồng loạt khởi công. Liên tiếp sau đó là loạt dự án như nút giao An Phú (TP Thủ Đức), quốc lộ 50 (cửa ngõ miền Tây), Vành đai 2, đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý…
Đồng thời, TP chuẩn bị triển khai nhiều dự án lớn khác như: cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Nguyễn Khoái, Bình Tiên, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, đặc biệt là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Quyết tâm bứt phá giải ngân vốn đầu tư công cũng là thông điệp được lãnh đạo thành phố đề cập. “Với nguồn vốn được rót gần 80.000 tỷ đồng, TP.HCM tự tin để bố trí đủ vốn cho những dự án cấp thiết”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho hay.
Đến nay, thành phố đã chốt đầu tháng 7/2024 sẽ vận hành thương mại tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, sớm khởi công tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương trong năm 2025. Đồng thời, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM đã lập đề án đầu tư hơn 200km metro trong 15 năm.
Cùng đó, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên cũng được nghiên cứu kéo dài đến Bình Dương, Đồng Nai. Việc kéo dài thêm tuyến metro số 1 nằm trong kế hoạch liên kết các vùng kinh tế lớn, giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông đường sắt đô thị quan trọng.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển đánh giá, việc hàng loạt dự án hạ tầng giao thông tại TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang được triển khai sẽ từng bước hiện đại hoá hệ thống giao thông liên vùng. Đây là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy TP.HCM và cả vùng phát triển.
“Chỉ 5 năm tới, TP. HCM sẽ có sự lột xác về hạ tầng giao thông”, TS Hiển nhìn nhận.