Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 4.2023, cả nước có hơn 15,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 8,4% so với tháng trước và giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, cả nước có 7.618 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 84,1% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2023. 4.656 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 6,5% và giảm 20,2%. 1.344 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,8% và giảm 10,9%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 81,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 21,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thống kê này cho thấy nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, doanh nghiệp gia tăng rời bỏ thị trường vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm… Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp vẫn đủ sức tiếp tục trụ lại thị trường, thậm chí còn có thể mở rộng năng lực đầu tư, gia tăng sản xuất, góp phần vào ngân sách nhà nước.
Theo giới chuyên gia, khu vực doanh nghiệp, cụ thể ở đây là đầu tư tư nhân cần được chú trọng để trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. GS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – cho biết nền kinh tế về dài hạn không thể trông chờ vào đầu tư công mà cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường – Học viện Tài chính – cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào bất động sản, nên khi thị trường gặp khó khăn thì các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo. Tuy nhiên với những giải pháp để hỗ trợ kích thích đầu tư tư nhân, hoạt động của các doanh nghiệp sang năm 2025 sẽ khả dĩ hơn.