6 tháng đầu năm xuất khẩu gạo có thể đạt khoảng 4,5 triệu tấn Xuất khẩu gạo và bài toán nâng cao chuỗi giá trị |
Tăng đột biến
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo sang khu vực châu Âu – châu Mỹ có sự tăng đột biến khi đạt 181,2 nghìn tấn, trị giá 135,9 triệu USD, tăng 218,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu gạo sang Cuba đạt 82,9 triệu USD; tăng 492,1%; chiếm tỷ trọng 61,0% tổng xuất khẩu sang Âu Mỹ (trước đó quý I năm 2023, xuất khẩu gạo sang Cuba chỉ vào khoảng 14 triệu USD).
Xuất khẩu gạo vào khu vực Âu Mỹ tăng đột biến trong 3 tháng đầu năm 2024 |
Tính riêng khu vực châu Âu, đạt 45,9 nghìn tấn với giá trị 41,4 triệu USD, tăng 117,9% so với cùng kỳ (trong đó ghi nhận lượng gạo xuất khẩu sang Pháp tăng đột biến, đạt 18,2 nghìn tấn với giá trị đạt 19,1 triệu USD, tăng gần 180 lần so với cùng kỳ năm 2023). Còn khu vực châu Mỹ đạt 135,3 nghìn tấn với giá trị là 94,5 triệu USD, tăng 298,7% so với cùng kỳ.
Về chủng loại, các số liệu thống kê cho thấy, quý I năm 2024, tại khu vực châu Âu: Xuất khẩu gạo thơm đạt 29 triệu USD (chiếm tỷ trọng 70,6%); gạo trắng đạt 6,8 triệu USD (chiếm tỷ trọng 16,4%), gạo giống Nhật đạt 4,7 triệu USD (chiếm tỷ trọng 11,4%). Khu vực châu Mỹ: Gạo trắng đạt 85,4 triệu USD (chiếm tỷ trọng 90,4%; chủ yếu xuất sang Cuba); gạo thơm đạt 6,2 triệu USD (chiếm tỷ trọng 6,6%); gạo giống Nhật đạt 2,4 triệu USD (chiếm tỷ trọng 2,5%).
Một điểm đáng chú ý, theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, xu hướng xuất khẩu các sản phẩm từ gạo đang tăng trưởng tích cực trong năm 2023 và tháng đầu năm nay. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm phở, bún, mỳ làm từ gạo hiện được người tiêu dùng ở khu vực này chọn lựa và mua nhiều.
Dư địa còn nhiều nhưng đan xen thách thức
Ông Tạ Hoàng Linh đánh giá, khu vực Âu Mỹ mặc dù không phải là thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm, tuy nhiên hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai. Đặc biệt, EU là thị trường còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam bởi hàng năm tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU đạt khoảng 3-4 triệu tấn (theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu – Eurostat), trong khi lượng xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chỉ chiếm một ít trong rất nhỏ, khoảng 3,1%. Và đây là khu vực mà Việt Nam có thể tận dụng nhiều ưu đãi từ các FTA đã ký kết như EVFTA, UKFTA, hay CPTPP khi một số đối thủ chính như Ấn Độ, Thái Lan không được hưởng các ưu đãi về thuế.
Dù vậy, ông Linh cũng chỉ ra rằng, bên cạnh thuận lợi có một số thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ phải đối mặt khi tiếp cận thị trường này. “Thị trường này là có nhiều tiêu chuẩn khắt khe và khó tính, nhất là tại Hoa Kỳ hay EU có quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón, tiêu chuẩn xã hội… Đặc biệt, khi đưa hàng vào những thị trường này doanh nghiệp phải luôn kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Khi thu hoạch, gạo không dùng chất tạo màu, tạo mùi, bảo quản, tẩy trắng…”- ông Linh cho biết.
Cũng theo ông Linh, những tiêu chuẩn này thường xuyên được cập nhật theo hướng ngày càng nâng cao và khắt khe hơn; đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải theo dõi chặt chẽ và nắm bắt các thông tin, chính sách, quy định của thị trường. Đây được coi là rào cản lớn với xuất khẩu gạo của Việt Nam do phải tốn thêm nhiều chi phí cho việc tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn dẫn đến giảm sức cạnh tranh.
Chiến lược nào để khai thác?
Chia sẻ chung từ những doanh nghiệp đã xuất khẩu gạo vào khu vực Âu Mỹ cho biết, để xuất khẩu và cạnh tranh ở thị trường này, con đường duy nhất mà doanh nghiệp phải thực hiện đó là giữ chất lượng ổn định, tuân thủ quy định của quốc gia nhập khẩu, đồng thời phải xây dựng thương hiệu và bán bằng chính thương hiệu của Việt Nam.
Kinh nghiệm xuất khẩu gạo vào thị trường EU thành công với giá cao, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An- cho biết, thị trường EU là thị trường đặc biệt cao cấp, có thể chấp nhận nhập khẩu gạo có phẩm cấp cao với giá lên đến 2.000 USD/tấn, nhưng bù lại, họ yêu cầu về chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm rất cao. Do đó, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của châu Âu mới đạt được các hợp đồng bán gạo có giá trị cao suốt thời gian qua.
“Trung An đã tập trung triển khai chương trình cánh đồng mẫu lớn theo phương thức đôi bên cùng có lợi ‘nông dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp’ mô hình trồng lúa cánh đồng lớn với kiểm soát nghiêm ngặt về nguồn tưới, hóa chất bảo vệ thực vật”- ông Bình chia sẻ.
Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, ông Tạ Hoàng Linh cho biết, Vụ Âu Mỹ đã và đang tích cực chỉ đạo hệ thống các Thương vụ trong khu vực thường xuyên theo dõi, nắm chắc thông tin về tình hình thị trường, động thái cơ chế chính sách xuất khẩu, nhập khẩu gạo, các quy định, tiêu chuẩn mới của các nước sở tại để thông tin tới doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Vụ Âu Mỹ tích cực đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các kênh phân phối lớn tại nước ngoài. Và Pháp là quốc gia được lựa chọn làm thị trường thí điểm.
“Định hướng này đã được Thương vụ Việt Nam tại Pháp triển khai và phối hợp chặt chẽ với Vụ Âu Mỹ trong các khâu xác định mặt hàng mục tiêu, chọn lọc doanh nghiệp và phương thức/kênh đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào các hệ thống phân phối như Carrefour và E Lercler”- ông Linh cho biết thêm.