Xuất khẩu giảm mạnh
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I/2023 là 79,3 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tổng số 45 nhóm hàng xuất khẩu chính trong quý I/2023 thì có đến 35 nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng âm, chiếm đến 87% giá trị xuất khẩu.
Từ đầu năm đến giữa tháng 4/2023, bức tranh xuất khẩu kém sáng |
Trong đó, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,87 tỷ USD; dệt may giảm 1,54 tỷ USD; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,23 tỷ USD; gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 1,21 tỷ USD; giày dép các loại giảm 969 triệu USD; thủy sản giảm 685 triệu USD; sắt thép các loại giảm 572 triệu USD; xơ sợi dệt các loại giảm 506 triệu USD. Tính chung, trị giá xuất khẩu của 8 nhóm hàng này giảm tới 8,58 tỷ USD, bằng 81% mức giảm trị giá xuất khẩu của cả nước.
Về thị trường, có 5 trên 6 thị trường xuất khẩu chủ lực có sự sụt giảm so với cùng kỳ, trong đó, Trung Quốc giảm 12,6%; Hoa Kỳ giảm 21,1%; Hàn Quốc giảm 3,3%; ASEAN giảm 1,7%; thị trường EU giảm 8,1%. Chỉ có thị trường Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng dương 0,8%.
Khách hàng EU, Mỹ, Nhật Bản…đều giảm đặt hàng từ các nhà cung ứng Việt Nam là nguyên nhân chính khiến các ngành hàng xuất khẩu kể trên bị sụt giảm mạnh. Với kết quả này, quy mô hàng hóa xuất khẩu trong quý I/2023 giảm 10,58 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Quý I/2023, 7 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai có tổng trị giá xuất khẩu là 48,55 tỷ USD, chiếm hơn 61% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong Top 7 địa phương xuất khẩu, có đến 6 địa phương có trị giá xuất khẩu giảm trong quý đầu năm. Bình Dương – tỉnh đứng thứ 3 cả nước về xuất khẩu ghi nhận mức giảm mạnh nhất (giảm 23,21% so với quý I/2022). TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai cũng ghi nhận mức giảm tương đương Bình Dương. Thái Nguyên và Bắc Ninh lần lượt giảm 17,8% và 14,17%.
Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – đánh giá, nếu so sánh với cùng kỳ quý I/2022 thì có thể thấy thực trạng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam rất đáng lo ngại do nhu cầu tiêu dùng thế giới suy giảm, dẫn tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị sụt giảm đơn hàng.
Bước sang đầu quý II, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho hay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nửa đầu tháng 4/2023 tiếp tục ảm đạm, đạt 13,23 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ, với 34/35 mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng âm. Lũy kế đến ngày 15/4, xuất khẩu cả nước đạt 92,5 tỷ USD, trong khi cùng kỳ đạt hơn 104 tỷ USD.
Đơn hàng ăn đong
Lúc này, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu tại nhiều lĩnh vực ngành hàng, địa phương vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn. Đơn hàng sụt giảm chỉ còn 30%, có thị trường gần như đóng băng, xuất “ăn đong” từng container, phải cắt giảm lao động tại nhà máy… là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp ngành hàng da giày đối diện với tình trạng ăn đong đơn hàng |
Ông Phạm Hồng Việt – Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội – Chủ tịch HĐQT Harco – nêu một thực tế, từ tháng 7/2022, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu đi xuống khi các đối tác nước ngoài bắt đầu cắt giảm đơn hàng. Bước sang quý IV/2022, gần như 100% doanh nghiệp trong da giày Thủ đô phải đối diện với thực trạng này, mức độ cắt giảm đơn hàng phổ biến từ 30-50% so với cùng kỳ năm trước. Đến quý I/2023, mức độ cắt giảm đơn hàng diễn ra hết sức nghiêm trọng, với mức độ phổ biến là 50 – 70%, cá biệt, có những doanh nghiệp gần như không có đơn hàng xuất khẩu.
Khoảng từ quý IV/2022, khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, các doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng sản xuất sang thị trường nội địa. Đến quý I/2023 và đặc biệt là từ sau Tết Nguyên đán, nhu cầu trong nước bắt đầu suy giảm dẫn đến lượng hàng tiêu thụ nội địa giảm mạnh.
Với tình hình thị trường như trên buộc doanh nghiệp phải cắt giảm thời gian làm việc, giảm quy mô sản xuất. Thậm chí, tình trạng phổ biến trong quý I/2023 tại các doanh nghiệp phải sa thải bớt từ 30-50% nhân công, giảm lương, giảm hẳn quy mô sản xuất.
Ở phía Nam của đất nước, ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.Hồ Chí Minh – chia sẻ, quý I/2023, hầu hết doanh nghiệp đều bị giảm đơn hàng từ 30 – 40%, nguyên nhân là do lạm phát tại những thị trường xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam tăng cao khiến người dân tiết kiệm chi tiêu, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu. Mặt khác, chi phí năng lượng cao đã đẩy chi phí đầu vào tăng cộng hưởng thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong tình huống khó khăn, doanh nghiệp dệt may trong nước tìm mọi cách xoay sở để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Ông Phạm Xuân Hồng cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng nhận đơn hàng khó, giá rẻ. Ví dụ, trước dịch Covid-19, doanh nghiệp thường nhận đơn hang có từ mấy chục nghìn đến hàng trăm nghìn sản phẩm trên một mã nhưng nay nhận đơn hàng chỉ 1.000 – 3.000 sản phẩm mỗi mã.
Ngành may mặc cũng diện với tình trạng sụt giảm đơn hàng mạnh |
Là một trong những doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành dệt may, chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp mình, ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 – cho biết, doanh nghiệp đang bị tác động bởi thị trường đầu ra thu hẹp, sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Riêng trong quý I, doanh nghiệp sụt giảm 10%; trong quý II, quý III được cho là thời kỳ cao điểm của tiêu thụ sản phẩm may mặc nhưng lượng đơn hàng giảm 20-30%.
“Thông thường thời điểm này chúng tôi đã phải có thông tin đơn hàng của quý III, tuy nhiên, năm nay, các khách hàng tại thị trường xuất khẩu đều có câu trả lời rất giống nhau là chưa có thông tin mà phải đợi xem xét lượng tồn kho như thế nào rồi mới có thể tính tiếp”, ông Thân Đức Việt cho biết.
May 10 có công nghệ sản xuất, quy trình kiểm soát chất lượng, quy mô sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm tốt… Tuy nhiên, ông Thân Đức Việt cũng cho rằng, do doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu nên khi bị ảnh hưởng thì những điều trên không có nhiều ý nghĩa.
Tương tự, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – chia sẻ, không chỉ đối diện với việc thiếu vắng đơn hàng, trong ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, giá tất cả các mặt hàng đang giảm xuống rất thấp, các nhà mua hàng đang tìm mọi cách để đưa mức giá xuống đáy. Mức giá này có thể sẽ dẫn đến sự phá sản của rất nhiều doanh nghiệp. “Hiện tại, ngành gỗ nói chung, rất nhiều nhà mua hàng đang đưa ra mức giá cực kỳ thấp, có thể giảm tới 20%. Các nhà máy buộc phải lựa chọn, nếu tiếp tục sản xuất thì thua lỗ hoặc là sẽ phải đóng cửa”, ông Đỗ Xuân Lập dẫn chứng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định: trong các ngành hàng, dệt may hiện đang là ngành nhiều khó khăn nhất, bởi ngoài việc không có đơn hàng, họ còn bị mất đơn hàng tại thị trường truyền thống do đơn hàng đã rơi vào tay các thị trường khác. |
Bài 2: Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, chuyên gia hiến kế