Hội thảo là hoạt động tri ân, tưởng nhớ 120 năm ngày sinh của ông. Đây cũng là hoạt động thiết thực Chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024); Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024) và chào mừng những ngày lễ lớn của Thủ đô và Đất nước trong năm 2024.
Hội thảo với sự tham dự của hơn 100 chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức xã hội và dòng họ Đào Việt Nam, nhằm hệ thống lại và bổ sung nhiều tư liệu quý để khẳng định những đóng góp to lớn của Giáo sư Đào Duy Anh với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nền học thuật nước nhà.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Giáo sư Đào Duy Anh, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đã từng có hội thảo lớn về ông. Hội thảo lần đó đã khẳng định Giáo sư Đào Duy Anh là người đắp móng, xây nền khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam.
Giáo sư Đào Duy Anh sinh ngày 25 tháng 4 năm 1904 tại Thanh Hóa (Ông mất ngày 1/4/1988 tại Hà Nội). Nguyên quán là làng Khúc Thủy, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thanh Oai, TP Hà Nội). Ông đã cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm báo Tiếng Dân và mở Quan Hải tùng thư ở Huế để sớm truyền bá tư tưởng yêu nước, chủ nghĩa Mác-xit cho nhân dân. Ông bị đế quốc Pháp bắt năm 1929.
Ra tù, ông chuyên tâm hoạt động nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc bằng phương pháp khoa học mới của thời đại. Với khát vọng dân tộc chân chính và nhiệt huyết cống hiến lớn lao, ông đã để lại cho đời một di sản học thuật đồ độ. Đặc biệt công trình “Việt Nam Văn hóa sử cương” của ông được giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam xem như kim chỉ Nam trong gần 100 năm qua.
Giáo sư Đào Duy Anh là nhà sử học, địa lý học, từ điển học, ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng và được xem là người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Suốt cuộc đời, từ hoạt động cách mạng sôi nổi ngay khi còn trẻ đến hoạt động nghiên cứu khoa học tận hiến, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Trong tình hình thực tế lúc ấy, ông lựa chọn nghiên cứu nhằm truyền bá những kiến thức cơ bản về cách mạng giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác và đề cao các giá trị của văn hóa dân tộc mà điểm cốt lõi là tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang.
Cũng tại sự kiện, TS. Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám khẳng định, cuộc đời học giả Đào Duy Anh là một tấm gương sáng về đạo làm người, một nhà khoa học chân chính. Nhân cách và những đóng góp to lớn của học giả Đào Duy Anh thực sự là di sản quý giá, truyền cảm hứng cho các thế hệ đi sau.
Đây là niềm tôn vinh đối với một nhà hoạt động cách mạng tiền bối, một giáo sư, một trí thức, một nhà văn hóa lớn của trong thời đại Hồ Chí Minh. Đến nay, những công trình nghiên cứu và tác phẩm của ông vẫn đang được giảng dạy, nghiên cứu phát triển và phát huy giá trị trong đời sống. Tên của ông được đặt cho nhiều trường học, đường phố ở Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Thanh Hóa, Đà Nẵng, Huế, TP HCM…
Cũng trong dịp này, Nhà xuất bản Dân trí đã phối hợp cùng một số cơ quan xuất bản cuốn sách “Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác”.
PV