Nhân lực là tài sản quý giá, tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh
PGS.TS. Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội cho rằng, đối với ngành du lịch, nguồn nhân lực được xem là tài sản quý giá, tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phát triển bền vững của ngành.
Theo báo cáo thống kê hiện nay, mỗi năm ngành du lịch cần hơn 40.000 lao động nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch ra trường hàng năm khoảng 15.000 người, trong đó hơn 15% có trình độ cao đẳng, đại học… Nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch còn thiếu về mặt số lượng, và chưa đảm bảo về chuyên môn.
Chất lượng nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường lao động du lịch được đánh giá chung là chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp. Lao động có trình độ đại học và trên đại học mới chiếm 9,7%, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm trên 50%, dưới sơ cấp là 39,3%… Trong đó chỉ có 43% được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về các ngành nghề du lịch.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực của ngành du lịch cũng chưa đảm bảo tính bền vững, quy mô còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Nhiều lĩnh vực nhân lực còn thiếu lao động có tay nghề cao và thông thạo ngoại ngữ như dịch vụ lưu trú, hướng dẫn viên…; lực lượng cán bộ chuyên môn, chuyên gia giỏi về quản lý nhà nước, doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, hoạch định chính sách, nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược, quy hoạch…cũng rất thiếu.
Theo PGS.TS. Bùi Thanh Thủy, bảo đảm nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá cho ngành du lịch, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã được đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2030 tầm nhìn 2045.
Du lịch Việt Nam luôn cần có lực lượng lao động lớn tạo cơ hội cho kinh tế du lịch có bước phát triển mạnh mẽ, mặt khác, giải quyết sức ép lớn về việc làm và đào tạo nghề nghiệp. Đảm bảo ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu phải hợp lý hơn theo yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển du lịch và xu thế phát triển khoa học, công nghệ khi nước ta hội nhập quốc tế sâu, toàn diện trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Để phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới hiện nay, PGS.TS. Bùi Thanh Thủy cho rằng, công tác đào tạo nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn, trình độ phục vụ luôn đòi hỏi sự quan tâm và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Trong đó, Nhà nước cần coi công tác đào tạo nói chung và đào tạo các ngành đặc thù nói riêng là vấn đề then chốt và phải được thực hiện một cách nghiêm túc, căn cơ hơn bằng những chính sách ưu tiên phát triển; Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, theo chuẩn quốc tế phải trở thành một chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Coi đây là khâu đột phá trong quá trình hội nhập và phát triển.
Ngành Du lịch cần quan tâm đến việc thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về cung – cầu nhân lực du lịch trên địa bàn cả nước nhằm bảo đảm cân đối cung – cầu nhân lực. Đổi mới các chính sách, cơ chế, công cụ phát triển nhân lực
Bên cạnh đó, cải tiến và tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch đảm bảo phù hợp với sự phát triển của từng vùng, miền. Đầu tư cho những trường trực thuộc Bộ VHTTDL làm hạt nhân đào tạo nhân lực ngành du lịch ở tất cả các cấp đào tạo tại nhiều trung tâm du lịch trọng điểm Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh… Đồng thời hình thành các trường đào tạo chuyên nghề của địa phương.
Song song với đó là khuyến khích mở rộng những cơ sở đào tạo du lịch ở các doanh nghiệp, ngoài công lập và có vốn đầu tư của nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình trường, lớp, trung tâm và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng du lịch. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan xây dựng quy định chuẩn trường đào tạo về du lịch…
Để đáp ứng yêu cầu tăng quy mô và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho ngành du lịch PGS.TS. Bùi Thanh Thủy cho rằng, cần phải tập trung huy động các nguồn lực cho đào tạo. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch.
Hệ thống đào tạo du lịch cần nhanh chóng đạt chuẩn quốc; Thiết lập khung trình độ quốc gia phù hợp với khu vực và thế giới; Nhanh chóng tiến hành chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái trong hệ thống các trường đào tạo du lịch theo quy định của Bộ GDĐT, Bộ VHTTDL; Xây dựng quy định, cơ chế liên kết quốc tế trong đào tạo phát triển nhân lực ngành…
Ngoài ra, cũng phải thực hiện nghiêm túc hoạt động kiểm định cơ sở giáo dục và kiểm định chương trình đào tạo; phát triển các trung tâm đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động gắn với đầu tư xây dựng ở các cơ sở đào tạo nghề ở một số doanh nghiệp và một số cơ sở đào tạo…
Cần có tố chất của người làm du lịch quốc tế
Theo TS. Đỗ Hải Yến, Phó Trưởng Khoa Du lịch, Đại học Công nghệ Đông Á, do tác động của đại dịch Covid-19, nhân lực du lịch đã có nhiều biến động. Nhiều nhân sự giỏi nghề phải chuyển sang các nghề khác nhau như: Làm nhà hàng, shipper, bất động sản,… nhân lực du lịch Việt Nam trong hai năm trở lại đã trở lại làm nghề du lịch, nhưng một số nhân sự thành công trong các “mảng kinh doanh tay trái” vẫn duy trì như “nghề tay trái”, từ đó số lượng nhân lực chất lượng cao cũng bị thất thoát và “chảy máu chất xám” nhất định.
Bên cạnh đó, du lịch quốc tế chưa thực sự phục hồi, trừ thị trường khách Hàn Quốc ở các điểm đến Nha Trang, Phú Quốc;
Trong chiến lược phát triển du lịch Bộ VHTTDL đề ra, đến năm 2030, du lịch Việt Nam sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 5,5 – 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, mặc dù nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã được quan tâm trong những năm gần đây, nhưng nhân lực có chuyên môn, tiêu chuẩn quốc tế vẫn chưa có tỷ trọng cao. Nhân lực chuyên sâu như hướng dẫn viên du lịch quốc tế ở các thị trường đặc thù: Du lịch tâm linh, du lịch theo chuyên đề,… còn hạn chế về số lượng, chất lượng trong các kỹ năng về ngoại ngữ, kinh nghiệm, năng suất lao động và tính chuyên nghiệp…
TS. Đỗ Hải Yến cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế về nhân lực du lịch hiện nay, người làm du lịch cần có tố chất của người làm du lịch quốc tế, theo nhu cầu xã hội; cụ thể về: Trình độ ngoại ngữ; Kiến thức ngoại ngữ chuyên ngành du lịch và Năng lực thực hành nghề sáng tạo, chuyên nghiệp.
Trong bối cảnh đào tạo du lịch hiện nay, hòa cùng xu thế hội nhập, việc đào tạo du lịch của các trường gắn với nhà trường – nhà doanh nghiệp – nhà nước với người học là việc làm cần thiết. Sự gắn kết này tạo ra nguồn lực cho doanh nghiệp tương lai, tạo ra công việc, cơ hội cho người học du lịch; tạo ra sự thuận lợi cho công tác quản lý của nhà nước và sự giảm thiểu chi phí cho nhà trường khi gắn kết với doanh nghiệp, giảm thời gian lên lớp, đưa sinh viên đi “học việc sớm” ở các doanh nghiệp và có thu nhập.
Trong các giờ học lý thuyết, việc nhà trường kết hợp với các chuyên gia từ doanh nghiệp du lịch cũng đưa các kiến thức thực tế về trường học gần hơn, người học và người dạy trưởng thành nghề nhanh hơn.
“Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp phát triển nhân lực kết hợp “3 nhà” này, cần có sự nghiên cứu chính sách để hỗ trợ cho giảng viên và thủ tục, hỗ trợ về thanh toán cho chuyên gia do đồng lương giảng viên hạn chế; thu nhập từ doanh nghiệp bản chất rất cao, học phí đã bao gồm trọn gói cho người học. Nên việc thực hiện tích cực giải pháp này hiện nay vẫn đang mới thực hiện chủ yếu qua “mối quan hệ” của các giảng viên môn học, chứ chưa chính thức và phổ cập, từ đó nếu không được quan tâm, giải quyết sớm cũng hiện còn tồn tại nhiều bất cập”, TS. Đỗ Hải Yến bày tỏ.