Đến với huyện Trần Văn Thời, U Minh và Thới Bình của tỉnh Cà Mau những ngày cuối tháng 4/2024, nhiều kênh, rạch cạn khô, nhiều công trình giếng khoan cũng đã cạn kiệt, hoa màu héo khô, bà con thiếu cả nước ngọt để ăn, uống. Không khí cỗi cằn nơi đây đã trở nên xốn xang, thấm đẫm hơn khi được đón nhận dòng nước mát được trao gửi từ những người lính Hải quân.
Vùng 5 Hải quân: Đưa thông tin biển đảo đến với hơn 6.000 người dân Kiên Giang
|
Bộ đội Hải quân Vùng 5 góp sức khống chế “giặc lửa” ở Vườn quốc gia Phú Quốc
|
Thiếu nước khổ lắm!
Theo lời kể của nhiều người dân ấp 6 (xã Khánh Lâm huyện U Minh, tỉnh Cà Mau): từ mùa hạn nặng năm 2016 đến nay, cứ đến mùa khô là bà con phải chịu cảnh thiếu nước. Nhiều hộ không khoan được nước ngầm, hoặc có khoan cũng không dùng được, vì nước mặn còn nhiễm phèn. Ngay cả những hộ có điều kiện xây bồn chứa, đào ao trữ ngọt, lấy nước bơm lóng phèn cũng chật vật trong mùa hán hán năm nay.
Bà Huỳnh Thị Nhẹ (ấp 6, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) kể: “Tháng 12 năm ngoái tới giờ, nước dùng để ăn uống còn không đủ chứ đừng nói đến nước phục vụ tắm giặt, vệ sinh. Thiếu gạo còn dễ xoay chứ thiếu nước khổ lắm. Không có nước uống, nhiều người phải uống nước giếng khoan. Loại nước này nhiễm mặn, phèn nên có vị mằn mặn, ngai ngái rất khó uống, nhưng đành uống đỡ chứ đi mua thì nhiều nhà không có khả năng”.
Đồng hành cùng chính quyền địa phương hỗ trợ người dân vượt qua hạn hán, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đang tranh thủ từng phút, từng giờ đưa nước ngọt đến với bà con. Từ ngày 17/4 đến nay, hàng trăm mét khối nước ngọt đã được các tàu Vùng 5 Hải quân vượt biển vận chuyển vào sâu trong đất liền đưa đến tận các xóm ấp cấp cho bà con.
Ngày nào cũng vậy, cán bộ chiến sĩ Vùng 5 Hải quân tất bật với công việc đưa nước đến với bà con. Người mở van bồn, người xách can nước lên xe cho bà con chở về… Công việc không ngừng tay, mồ hôi đầm đìa lưng áo và khuôn mặt, nhưng ánh mắt người lính vẫn sáng ngời, tràn ngập niềm vui.
Tàu 470, Vùng 5 Hải quân cấp nước cho người dân xã Khánh Lâm, huyện U Minh. (Ảnh: Văn Định) |
Ngoài hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân còn tặng 30 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) cho các gia đình chính sách.
Những phần quà ý nghĩa của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân được trao đến các hộ gia đình trên địa bàn xã Khánh Tiến. |
Dịp này, đơn vị cũng đã phối hợp với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và Ban Dân vận Tỉnh ủy Cà Mau trao tặng 150 bồn chứa nước (loại 500 lít); 200 bình nước lọc tinh khiết (loại 20 lít) và 50 phần quà cho các hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn 3 huyện: Trần Văn Thời, U Minh và Thới Bình với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng.
Vùng 5 Hải quân, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cùng cơ quan chức năng Cà Mau trao các phần quà đến người dân Cà Mau. (Ảnh: Văn Định). |
Giải “hạn” vùng đất khát
Bà Trần Thị Cúc ở xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) nói: Bộ đội Hải quân đã mang nước ngọt đến, còn tặng cả bồn đựng. Nhà tôi có mấy cái lu trữ nước nhưng lâu ngày đã rạn nứt, gia đình khó khăn chưa có tiền thay.
Bà Thái Bích Dân ở xã Khánh Lâm (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) kể: May có bộ đội Hải quân cùng các nhà hảo tâm mang nước ngọt đến, bà con chúng tôi đỡ khổ. Mọi người bảo nhau dùng chắt chiu, tiết kiệm, dành cho nhu cầu thiết yếu như ăn, uống.
Nước ngọt được chính quyền địa phương phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân vận chuyển đến tận nhà cấp cho người dân. (Ảnh: Văn Định) |
Theo ông Nguyễn Minh Thông, Chủ tịch UBND xã Khánh Lâm (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau): Xã Khánh Lâm đã được đầu tư trạm cấp nước phục vụ nhân dân, nhưng do hạn hán kéo dài, công suất của trạm không đủ cấp cho toàn xã. Bà con gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất. Để có một can nuớc phục vụ sinh hoạt, bà con phải đi khá xa để lấy, thậm chí đi xa cũng không có nước vì giếng khô, hồ cạn đáy. Việc bỏ tiền mua nước sinh hoạt hàng ngày khá tốn kém, bà con có hoàn cảnh khó khăn không kham được. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, sự hỗ trợ của các cán bộ chiến sĩ Vùng 5 Hải quân cùng các lực lượng, nhà hảo tâm, nước đã về tận nơi cho bà con sinh hoạt. Các chiến sĩ còn giúp dân đưa can nước về tận nhà, bà con cảm động lắm”.
“Hạn hán, nắng nóng của năm nay kéo dài khiến tình trạng thiếu nước trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, những món quà hết sức thiết thực của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn trao tặng giúp người dân có thêm nước sạch và dụng cụ trữ nước ngọt sinh hoạt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, đảm bảo cho sức khỏe gia đình. Nghĩa cử đẹp trên đã thể hiện nghĩa tình quân – dân gắn bó sắt son và truyền thống đẹp của Bộ đội Cụ Hồ” – ông Trịnh Thanh Hiền, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết.
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan (ngoài cùng bên phải) nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ cấp nước của cán bộ, chiến sĩ đơn vị tại xã Biển Bạch (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). (Ảnh: Văn Định) |
Theo Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Chính ủy Vùng 5 Hải quân: Trước tình trạng hạn hán kéo dài, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng đã có chủ trương hỗ trợ nhân dân khắc phục hạn hán và sử dụng nước ngọt để bảo đảm đời sống. Chủ trương này được cụ thể hóa bằng kế hoạch và tỉnh Cà Mau đang là địa phương đầu tiên Vùng đến hỗ trợ. Từ nay đến trung tuần tháng 5, Vùng 5 Hải quân tiếp tục bố trí 4 phương tiện tàu sẵn sàng cơ động hỗ trợ các địa bàn, địa phương khi có nhu cầu.
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan thăm hỏi, động viên người dân vùng hạn hán trên địa bàn xã Khánh Lâm. (Ảnh: Văn Định) |
Tình trạng hạn hán trên địa bàn tỉnh Cà Mau dự kiến còn kéo dài. Trong hoàn cảnh khó khăn, tình quân dân lại càng thêm gắn bó, khăng khít. Sự hỗ trợ của bộ đội Hải quân cùng các lực lượng đã góp phần giúp bà con Cà Mau vơi bớt nỗi vất vả, nhọc nhằn trong ngày nắng hạn, từng bước ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.
Ngày 15/4, tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp hạn hán trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh để triển khai biện pháp ứng phó. Theo dự báo, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh Cà Mau sẽ kéo dài qua đầu tháng 5/2024. Thời gian tới Cà Mau khả năng còn tiếp tục xuất hiện thêm các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường lộ giao thông, gây khó khăn cho giao thương hàng hóa và đi lại; thiếu nước ngọt phục vụ đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp. |