Lệnh cấm thực tế có thể phải đợi nhiều năm nữa mới được áp dụng, và vẫn chưa rõ ứng dụng nào sẽ được hưởng lợi lớn nhất. Song theo các nhà phân tích, Meta – chủ sở hữu Facebook và Instagram – sẽ sớm được hưởng lợi, như việc thu hút nhiều nhà quảng cáo hơn trong bối cảnh đối thủ lớn nhất đang gặp rắc rối với lệnh cấm.
Những nhà sáng tạo nội dung cũng có khả năng chuyển hoạt động sang các nền tảng khác. Trong khi đó, người dùng TikTok – đặc biệt là nhóm người trẻ – khó đoán hơn. Liệu họ có chuyển sang “lướt” Instagram hoặc một ứng dụng mới hơn như Triller không?
Dưới đây là một số lựa chọn thay thế TikTok đáng chú ý:
INSTAGRAM VÀ FACEBOOK
Trong quá khứ, Meta thường triển khai các tính năng tương tự ứng dụng đối thủ để cạnh tranh và thu về mức độ thành công khác nhau. Tính năng “Story” trên Instagram, cho phép mọi người chia sẻ ảnh và video hết hạn sau 24 giờ, tương tự như Snapchat. Công ty này cũng tung ra một sản phẩm nhái TikTok có tên Lasso vào năm 2018 nhưng đã đóng cửa vào năm 2020.
Sau khi đóng cửa Lasso, Instagram ra mắt Reels – một nguồn cấp dữ liệu video ngắn mà người dùng có thể “lướt” giống như TikTok. Cho đến hiện nay, Reels vẫn hoạt động và khá phổ biến trên Instagram và Facebook.
Reels có thể thay thế TikTok không? Điều này vẫn chưa rõ. Trong khi nhiều người sáng tạo đăng nội dung lên cả hai nền tảng, một số chuyên gia cho biết nhóm người dùng trẻ khó có thể chuyển sang ứng dụng vốn phổ biến với thế hệ già hơn. Và mặc dù thuật toán của Meta cũng gây nghiện, nhưng nó vẫn không phải TikTok.
Nhà phân tích Jasmine Enberg của eMarketer cho biết: “Sao chép thuật toán của TikTok là một nhiệm vụ gần như không thể. Meta đã chứng thực điều đó. Khả năng của TikTok trong việc cung cấp nội dung giải trí nhắm trúng từng người dùng là vô song trong thế giới truyền thông xã hội”.
YOUTUBE
Trong khi TikTok đang là ứng dụng xu hướng, YouTube vẫn chiếm ưu thế trong việc thu hút chú ý của thanh thiếu niên Mỹ. Cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy khoảng 9/10 thanh thiếu niên Mỹ có sử dụng YouTube. Kết quả này đưa YouTube trở thành nền tảng được sử dụng rộng rãi nhất trong nhóm từ 13 đến 17 tuổi. TikTok đạt 63%, Snapchat ở mức 60% và Instagram ở mức 59%.
Công ty mẹ YouTube là Google đã ra mắt YouTube Shorts vào năm 2020, ngay sau khi Ấn Độ cấm TikTok. Người dùng YouTube có thể cuộn qua Shorts tương tự như TikTok hoặc tính năng Story trên Instagram và Facebook, xem hàng giờ video có kích thước vừa phải.
Giống như Reels, nhiều video nổi bật trên Shorts cũng từng xuất hiện trước đó trên TikTok và nhiều nền tảng khác nhau. Điều đó nói lên rằng YouTube vẫn phổ biến với định dạng các video dài hơn, do đó nó có thể thiếu sự đa dạng nội dung mà người dùng TikTok hướng đến.
SNAPCHAT
Mặc dù nhóm người lớn tuổi chưa bao giờ quan tâm đến Snapchat nhưng nó vẫn phổ biến trong giới thanh thiếu niên. Năm 2020, công ty này ra mắt Snapchat Spotlight vào cùng thời điểm Ấn Độ cấm TikTok.
Spotlight cho phép tạo các video ngắn và đưa lên mạng xã hội nhằm mở rộng các kết nối trong cộng đồng người dùng. Tính năng này khuyến khích người dùng tạo các video ngắn đi kèm những công cụ chỉnh sửa như bộ lọc và các hiệu ứng làm đẹp.
NHỮNG ỨNG DỤNG MỚI NỔI
Nếu đã chán ngấy các ứng dụng cũ, những nền tảng mới hơn như Triller sẽ cung cấp lựa chọn thay thế khả thi với các tính năng giống như TikTok. Triller, được một công ty có trụ sở tại Hồng Kông mua lại, nổi tiếng với các video âm nhạc và đang cố gắng thu hút những người sáng tạo TikTok đến với nền tảng của mình.
Tuy nhiên, cơ sở người dùng của Triller tụt xa so với các đối thủ lớn hơn và nội dung dường như ít đa dạng hơn, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, Zigazoo nổi bật hơn vì nó được tạo ra cho trẻ em và hiển thị nội dung phù hợp với trẻ em, theo những người sáng tạo ra nó. Tổ chức phi lợi nhuận Common Sense Media cho biết: “Phụ huynh cần biết rằng Zigazoo là một ứng dụng chia sẻ video kiểu TikTok để đăng các video ngắn quay cảnh trẻ em hoàn thành nhiều thử thách phù hợp với trẻ em”.
Hoài Phương (theo AP)