Dự án xây dựng Nhà hát tỉnh Ninh Bình là một thiết chế quan trọng trong lĩnh vực văn hóa ở địa phương; tạo điểm nhấn kiến trúc cho đô thị lõi của thành phố di sản tương lai, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và khách du lịch.
Công trình được thiết kế theo phong cách kiến trúc hiện đại, độc đáo, mang tính văn hóa, tạo điểm nhấn đô thị. Là công trình dân dụng duy nhất của tỉnh có thiết kế tuổi thọ 100 năm, với thiết kế kỹ thuật phức tạp nằm trong khu vực có mật độ dân cư cao. Kết hợp hài hòa giữa công năng biểu diễn nghệ thuật với trụ sở làm việc của một số đơn vị trực thuộc Ngành văn hóa.
Nhà hát được xây dựng trên diện tích 6.453 m2 trên trục đường Lê Đại Hành, thành phố Ninh Bình, với tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cấp tỉnh, gồm 3 khối chính: Khối phục vụ biểu diễn, khối trụ sở làm việc, khối hầm kỹ thuật.
Bên cạnh đó, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng của Nhà hát cũng được đầu tư hiện đại, chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu biểu diễn nghệ thuật, triển lãm và các hoạt động văn hóa có liên quan.
Sau 33 tháng thi công, dự án đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, được tổ chức khánh thành chào mừng kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Công trình Nhà hát tỉnh Ninh Bình là dự án có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân dân. Là điểm tham quan lý tưởng của khách du lịch khi đến với Ninh Bình. Đồng thời là nơi làm việc của một số đơn vị sự nghiệp công lập ngành Văn hóa để thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn khẳng định, đến thời điểm hiện tại, công trình xây dựng Nhà hát tỉnh Ninh Bình là một trong những công trình trọng tâm của tỉnh đã hoàn thành, với cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp, phục vụ tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh, các sự kiện khu vực, quốc gia và quốc tế, đồng thời tạo không gian riêng cho các hoạt động cộng đồng, khuyến khích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, thu hút khách du lịch đến với Ninh Bình.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn đề nghị: Sau khi tổ chức khánh thành và bàn giao cho Sở Văn hóa và Thể thao để đưa vào sử dụng, Chủ đầu tư và đơn vị quản lý thực hiện việc hoàn thiện hồ sơ, tổ chức quyết toán công trình theo đúng quy định của pháp luật.
Khẩn trương xây dựng hồ sơ, lấy ý kiến nhân dân trình cấp có thẩm quyền xem xét đặt tên nhà hát là Nhà hát Phạm Thị Trân để thực hiện sự tôn vinh đối với Bà tổ của ngành sân khấu Việt Nam, người đã được Đinh Tiên Hoàng Đế phong chức Ưu bà, chức quan chăm lo ca hát trong triều đình vào thế kỷ thứ X.
Tiến hành nghiên cứu các hình thức tổ chức quản lý Nhà hát đảm bảo thực hiện đúng mục đích, công năng; đảm bảo Nhà hát luôn sáng đèn để phục vụ quần chúng nhân dân và từng bước nâng cao chất lượng thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng.
Trước hết tập trung phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thành công Cuộc thi Sao Mai điểm hẹn năm 2024 tại Nhà hát tỉnh Ninh Bình.