Việc Pháp, Mỹ rút quân khỏi Niger mở ra khoảng trống để Nga tăng hiện diện tại vùng Sahel, khu vực có vị trí chiến lược ở châu Phi.
Truyền thông quốc gia Nga ngày 12/4 xác nhận một nhóm chuyên gia quân sự cùng nhiều thiết bị của Moskva đã đến thủ đô Niamey, Niger. Kênh truyền hình quốc gia Niger RTN cho biết động thái diễn ra theo thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự gần đây giữa hai nước.
“Chúng tôi có mặt tại đây để xây dựng quan hệ, cũng như huấn luyện và diễn tập hiệp đồng với lực lượng vũ trang Niger. Quân đội Nga có nhiều kinh nghiệm chống khủng bố và sẽ chia sẻ với những người bạn Niger”, một quân nhân Nga trong đoàn cho hay.
Theo RTN, phía Nga còn đồng ý thiết lập một hệ thống phòng không ở Niger. “Không phận của chúng ta giờ đây sẽ được bảo vệ tốt hơn”, RTN đưa tin.
Động thái được mô tả là đặt dấu chấm hết cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Niger và thể hiện quyết tâm của quốc gia Tây Phi này trong nỗ lực đa dạng hóa đối tác an ninh. Đây cũng là thắng lợi mang tính chiến lược của Nga ở Sahel, dải đất rộng hơn 3 triệu km2 kéo dài từ bờ biển phía tây đến phía đông châu Phi, bởi khu vực này vốn coi phương Tây là đối tác truyền thống.
Niger được coi là một trong những quốc gia cuối cùng mà phương Tây có thể hợp tác để đẩy lùi các nhóm phiến quân Hồi giáo ở vùng Sahel. Mỹ cùng các đồng minh, trong đó có Pháp, đã chi hàng trăm triệu USD để hỗ trợ, huấn luyện quân đội Niger, duy trì lực lượng đồn trú tại nước này suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ này lại không giúp khu vực phát triển nhiều về kinh tế hay chính trị, trong khi bạo lực cực đoan vẫn xảy ra. Tình hình thêm tồi tệ từ sau đại dịch Covid-19, khi Pháp cũng gặp vấn đề riêng về tài chính và an ninh, mở đường cho các đối tác địa chính trị mới của châu Phi.
Kể từ năm 2020, Tây Phi chứng kiến hàng loạt cuộc đảo chính thành công ở Gabon, Mali, Burkina Faso, Guinea và Niger. Các nguyên nhân gồm kinh tế trì trệ, bạo lực, mất niềm tin vào lãnh đạo dân sự cùng tâm lý bài xích cựu mẫu quốc Pháp.
Sau cuộc đảo chính tháng 7/2023, chính quyền quân sự Niger chấm dứt hợp tác quân sự với Pháp, trục xuất đại sứ của Paris. Niger cáo buộc Pháp muốn can thiệp để khôi phục quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum. Pháp tháng 12/2023 hoàn tất rút binh sĩ khỏi Niger, kết thúc sự hiện diện quân sự 10 năm.
Ibrahim Yahaya Ibrahim, nhà phân tích cấp cao về Sahel tại tổ chức phi lợi nhuận International Crisis Group (ICG), trụ sở ở Bỉ, nói lý do chính khiến Niger đón nhận Nga là “để bảo vệ chế độ”, đặc biệt là khỏi Pháp.
“Một điều họ sợ là bị tấn công từ trên không”, theo Ibrahim. “Họ cần một quốc gia sẽ cung cấp năng lực phòng không. Đó chính là lúc Nga xuất hiện và Niger đón nhận sự khởi đầu của giai đoạn mới”.
Phát ngôn viên chính quyền quân sự Niger hồi tháng 3 mô tả thỏa thuận hợp tác quân sự với Mỹ “vi phạm mọi quy định trong hiến pháp”. Quan hệ song phương tiếp tục đi xuống khi phái đoàn Mỹ, dẫn đầu bởi Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề châu Phi Molly Phee, thăm Niger.
Niger sau đó cáo buộc Mỹ có thái độ trịch thượng, không tuân thủ nghi thức ngoại giao và hủy hợp tác quân sự với Washington, yêu cầu Mỹ rút quân về nước. Mỹ hôm 19/4 chấp thuận yêu cầu. Một phái đoàn từ Washington dự kiến đến Niger để đảm bảo việc rút quân diễn ra có trật tự.
Những diễn biến trên là “đòn giáng vào nỗ lực chống khủng bố của phương Tây ở Sahel và Libya”, Ulf Laessing, giám đốc chương trình Sahel tại viện chính sách Konrad Adenauer Foundation của Đức, nói. “Tệ hơn nữa, Mỹ rút quân còn mở cánh cửa để Nga và Iran tăng cường hiện diện ở Sahel”.
Việc Niger đón nhận Nga được giới quan sát đánh giá là điều gần như chắc chắn xảy ra, sau khi Washington, Paris đều chỉ trích và dừng viện trợ kinh tế cho Niamey. Hợp tác giữa Niamey và Moskva gia tăng từ đầu năm. Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 1 nói hai nước sẽ phối hợp để “ổn định tình hình khu vực”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và tướng Abdourahamane Tchiani, lãnh đạo chính quyền quân sự Niger, điện đàm hồi tháng 3. Điện Kremlin cho biết hai lãnh đạo đã thảo luận kế hoạch “phát triển hợp tác đôi bên cùng có lợi trên nhiều khía cạnh” và cùng điều phối “các nỗ lực an ninh, chống khủng bố” ở Sahel.
Tờ Le Monde của Pháp lưu ý Thủ tướng Niger Ali Lamine Zeine hồi tháng 1 đã thăm Iran và vạch kế hoạch tăng cường hợp tác song phương. “Đây rõ ràng là một mối lo ngại với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ”.
Ishaan Tharoor, nhà phân tích tại Washington Post, nhận định Trung Quốc cũng đang dần củng cố vị thế ở Niger. Niger tuần này thông báo tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc đã trả trước 400 triệu USD để mua dầu từ mỏ Agadem của nước này. Thỏa thuận sẽ giúp chính quyền quân sự Niger, vốn đang thiếu nguồn lực tài chính, dễ xoay xở hơn trước các khoản nợ.
“Tại sao Mỹ và Pháp lại thấy có vấn đề khi Nga giúp đỡ chúng tôi”, Abdoulaye Oussein, 51 tuổi, người dân Niamey, nói. “Tôi nghĩ chúng tôi được tự do đưa ra quyết định của riêng mình”.
Cameron Hudson, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) trụ sở tại Mỹ, nói việc rút binh sĩ khiến Washinton giờ đây “chỉ biết đứng nhìn từ bên ngoài”.
Ngày 26/4, Lầu Năm Góc thông báo rút một phần lực lượng đồn trú ở Chad, quốc gia láng giềng với Niger, sau khi tư lệnh không quân Chad Idriss Amine Ahmed gửi thư cho chính phủ để phản đối sự hiện diện của lực lượng Mỹ.
Mỹ vốn coi Chad là một đối tác an ninh đáng tin cậy. Đội cận vệ của tổng thống Chad là một trong những lực lượng được huấn luyện và trang bị tốt nhất ở vùng Sahel. Mỹ từng tổ chức diễn tập quân sự tại quốc gia này. Các quan chức tại Bộ Tư lệnh châu Phi của Lầu Năm Góc cho biết Chad là đối tác chính trong nỗ lực kêu gọi một số quốc gia trong khu vực chống lại nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan Boko Haram.
Hudson mô tả Mỹ sẽ “câm, điếc và mù” ở Sahel nếu không còn hiện diện quân sự ở Chad.
“Trong kỷ nguyên mới cạnh tranh giữa các cường quốc, Mỹ đang thất thế ở châu Phi”, tờ Wall Street Journal bình luận.
Như Tâm (Theo FT, Washington Post)