Nắng nóng gay gắt đã buộc các trường học trên khắp Bangladesh và Philippines phải tạm dừng các lớp học trực tiếp trong tuần này và khiến các chính phủ đưa ra cảnh báo về nhiệt độ cao.
Thái Lan hôm thứ Năm đưa ra cảnh báo mới sau khi chỉ số nhiệt độ ở Bangkok vượt quá 52 độ C. Chính phủ Thái Lan cho biết say nắng đã giết chết ít nhất 30 người trong năm nay.
Nghiên cứu khoa học sâu rộng đã phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, thường xuyên hơn và dữ dội hơn.
Liên hợp quốc cho biết trong tuần này rằng châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các mối nguy hiểm về khí hậu và thời tiết vào năm 2023, trong đó lũ lụt và bão là nguyên nhân chính gây thương vong và thiệt hại kinh tế.
Ở Philippines, một khu định cư hàng thế kỷ bị nhấn chìm bởi việc xây dựng một con đập ở phía bắc đất nước vào những năm 1970, đã xuất hiện trở lại khi mực nước giảm do hạn hán ảnh hưởng đến nhiều vùng của đất nước.
Các tháng 3, 4 và 5 thường là những tháng nóng nhất và khô nhất ở quốc đảo này, nhưng điều kiện thời tiết năm nay càng trở nên trầm trọng hơn do hiện tượng thời tiết El Nino.
“Cần nước”
Khu vực tàn tích ở giữa Đập Pantabangan thuộc tỉnh Nueva Ecija, Philippines là một điểm thu hút khách du lịch, ngay cả khi khu vực này đang nóng bức.
Marlon Paladin, kỹ sư giám sát của Cơ quan Thủy lợi Quốc gia Philippines, cho biết các phần của nhà thờ, cột mốc hội trường thành phố và bia mộ bắt đầu ‘nổi lên’ trở lại vào tháng 3 sau nhiều tháng “gần như không có mưa”.
Đây là lần thứ sáu khu định cư gần 300 năm tuổi xuất hiện trở lại kể từ khi hồ chứa được tạo ra để cung cấp nước tưới cho nông dân địa phương và tạo ra thủy điện.
Paladin nói: “Đây là thời gian dài nhất (có thể nhìn thấy được khu tàn tích) dựa trên kinh nghiệm của tôi”.
Mực nước hồ chứa đã giảm xuống gần 50 mét so với mức cao thông thường là 221 mét, số liệu từ cơ quan dự báo thời tiết nhà nước cho thấy.
Khoảng một nửa số tỉnh của Philippines, trong đó có Nueva Ecija, chính thức bị hạn hán.
Mực nước rút đã buộc hai nhà máy thủy điện gần đập phải ngừng hoạt động từ đầu tháng này, trước thời điểm ngừng hoạt động bình thường vào ngày 1/5.
Nhiệt độ không khí thực tế ở Nueva Ecija đã lên tới khoảng 37 độ C hầu hết các ngày trong tuần này, với chỉ số nhiệt lơ lửng trên mức “nguy hiểm” là 42 độ C.
“Không thể chịu được”
Nhiệt độ trên khắp Bangladesh đã lên tới hơn 42 độ C trong tuần qua.
Nắng nóng đã khiến hàng nghìn người Bangladesh tập trung tại các nhà thờ Hồi giáo trong thành phố để cầu nguyện giảm bớt cái nóng thiêu đốt mà các nhà dự báo dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối tuần.
Các lớp học bị hủy trên khắp đất nước do nắng nóng gay gắt, nhưng học sinh trung học Mohua Akter Nur nhận thấy nhiệt độ tăng cao khiến em không thể làm bài tập về nhà.
Hàng triệu học sinh được yêu cầu ở nhà trong tuần này khi quốc gia Nam Á này phải trải qua một trong những đợt nắng nóng tồi tệ nhất được ghi nhận, với nhiệt độ cao hơn mức trung bình dài hạn từ 4 đến 5 độ C.
Rất ít trường học ở thủ đô Dhaka có máy điều hòa và việc cố gắng tổ chức các lớp học là không thể.
Nhưng quyết định đóng cửa trường học của chính quyền không hề khiến Nur, 13 tuổi nhẹ nhõm. Ngôi nhà một phòng chật chội của em ở chung với em trai và bố mẹ, khiến em cảm thấy gần như ngột ngạt như những con phố bên ngoài.
“Nắng nóng không thể chịu nổi. Trường học của chúng em đóng cửa nhưng em không thể học ở nhà. Quạt điện không đủ làm mát”, Nur nói, “khi mất điện trong một hoặc hai giờ, cảm giác thật khủng khiếp”.
Rusmana Islam, mẹ của Nur nói: “Năm ngoái trời nóng, nhưng năm nay nóng hơn bao giờ hết. Thật không thể chịu nổi. Ở những ngôi làng, bạn có thể bước ra ngoài và hóng mát dưới bóng cây. Có chút gió thổi từ đồng ruộng. Nhưng ở Dhaka này, tất cả những gì bạn có thể làm là ngồi ở nhà”.
Bangladesh và 171 triệu dân của nước này hiện đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, thường xuyên bị tàn phá bởi các cơn lốc xoáy và lũ lụt với tần suất và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng.
Đợt thời tiết khắc nghiệt mới nhất đã gây ra đợt bùng phát bệnh tiêu chảy ở miền nam đất nước, do nhiệt độ cao hơn và dẫn đến độ mặn của nguồn nước địa phương tăng lên.
Tác động đến cả cuộc bầu cử Ấn Độ
Bất chấp nắng nóng gay gắt, cuộc bầu cử kéo dài 6 tuần ở Ấn Độ vẫn tiếp tục vào thứ Sáu với hàng triệu người xếp hàng bên ngoài các điểm bỏ phiếu ở nhiều vùng trên cả nước.
Nắng nóng góp phần khiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào tuần trước đã giảm gần 4 điểm phần trăm xuống còn 66% so với cuộc bầu cử trước vào năm 2019.
Ông Modi đã lên mạng xã hội để kêu gọi đi bỏ phiếu bất chấp sức nóng. “Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao sẽ củng cố nền dân chủ của chúng ta”, ông viết trên nền tảng truyền thông xã hội X, “Phiếu bầu của bạn là tiếng nói của bạn!”.
Cục thời tiết Ấn Độ hôm thứ Năm cho biết tình trạng nắng nóng khắc nghiệt sẽ tiếp tục ở một số bang cho đến cuối tuần.
Đầu tuần này, ủy ban bầu cử Ấn Độ cho biết họ đã thành lập một đội đặc nhiệm để xem xét tác động của nắng nóng và độ ẩm trước mỗi vòng bầu cử.
Tờ báo Hindu cho rằng quyết định này có thể được đưa ra vì lo ngại rằng sức nóng gay gắt “có thể khiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm”.
Nắng nóng đã làm gián đoạn chiến dịch tranh cử ở Ấn Độ hôm thứ Tư khi Bộ trưởng Đường bộ Nitin Gadkari ngất xỉu tại một cuộc vận động ủng hộ ông Modi ở bang Maharashtra.
Hơn 968 triệu người đủ điều kiện tham gia cuộc bầu cử ở Ấn Độ, vòng bỏ phiếu cuối cùng diễn ra vào ngày 1/6 và kết quả dự kiến sẽ được công bố sau đó 3 ngày.
Mai Anh (theo CNA, Reuters)