Sau thời gian thi công, tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đoạn cuối cùng TP.HCM đi Nha Trang với mức đầu tư 8.920 tỷ đồng trên đã hình thành, đưa vào hoạt động.
Ngày 26/4, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo chính thức thông xe toàn tuyến. Các ô tô có thể chạy trên cao tốc theo hướng Bắc – Nam và ngược lại. Chủ đầu tư dự án bố trí nhân viên hướng dẫn phân luồng cho đoàn xe chạy vào cao tốc. Còn các xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ, máy kéo, mô tô, xe gắn máy…, không được chạy vào.
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh, gồm Khánh Hoà (5km),
Ninh Thuận (63km) và
Bình Thuận (12km). Từ hướng TP.HCM ra, đây là đoạn đầu tiên thuộc địa bàn huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, nối tiếp cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo ở phía Nam.
Công trình khởi công hồi tháng 9/2021, đến nay đã hoàn thành. Dự án do liên danh Tập đoàn Đèo Cả và Công ty 194 làm chủ đầu tư với tổng vốn 8.925 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP). Tuyến cao tốc được thiết kế 4 làn xe, mỗi bên 2 làn, cho phép ôtô chạy tốc độ tối đa 90km/h, tối thiểu 60km/h.
Ghi nhận ngày 26/4, mặt đường cao tốc được láng nhựa, kẻ vạch sơn trắng phân làn. Các biển cảnh báo được đơn vị thi công lắp đặt. Các hạng mục phụ trợ, như nút giao thông, hành lang bảo vệ, taluy đường, dải phân cách cứng giữa đường được gắn các tấm lưới chống lóa cho tài xế vào ban đêm.
Dọc tuyến, các cụm thiết bị ITS và camera được vận hành bằng các tấm pin năng lượng mặt trời đã lắp đặt. Camera giám sát lắp đặt dọc tuyến sử dụng công nghệ AI để phân loại phương tiện, nhận diện biển số, phát hiện, cảnh báo sự cố và vi phạm như chạy quá tốc độ, đi sai làn, ngược chiều…
Cao tốc này được thiết kế chạy dài qua nhiều khu vực có địa hình đồi núi. Vì thế, chủ đầu tư đã xuyên hầm núi Vung dài 2,2km tại xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, tiếp giáp Bình Thuận. Đây là hầm xuyên núi dài nhất trên cao tốc Bắc – Nam, do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện.
Bên trong hầm được thiết kế hai ống hầm chạy song song, mỗi bên rộng 14m. Hiện, hầm phục vụ giai đoạn 1 cơ bản hoàn thiện bê tông vỏ hầm và mặt đường. Đơn vị thi công đang thực hiện kết nối thiết bị trong hầm với trung tâm điều hành ngay cửa hầm phía Nam. Hầm bên phải dành cho phần mở rộng tuyến ở giai đoạn 2.
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đi qua các khu vực có địa hình nhiều đồi núi, sông, hồ khiến việc thi công gặp khó khăn. Toàn tuyến này có 34 cầu, gồm 22 cầu trên đường cao tốc, 11 cầu vượt cao tốc và cầu trên đường kết nối cao tốc với quốc lộ 1 tại nút giao Du Long, qua tỉnh Ninh Thuận.
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo khi đưa vào khai thác sẽ có 3 trạm thu phí được lắp đặt tại nút giao Du Long (huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận), nút giao quốc lộ 27 (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) và trạm cuối tuyến km133+700 (huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Hiện, các phương tiện đi qua cao tốc được miễn phí dịch vụ dịp lễ từ 26/4 đến 1/5. Việc thu phí bắt đầu từ 0h ngày 2/5, còn mức phí chưa được công bố.
Chủ đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả đã làm xong hai trạm dừng nghỉ tạm tại nút giao tỉnh lộ 709 tại xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, nhằm phục vụ nhu cầu cấp bách của người đi đường dịp lễ 30/4, trong khi chờ đầu tư trạm chính thức. Tại trạm dừng nghỉ có nhà vệ sinh được lắp máy điều hòa, wifi 4G, hai cây bán nước tự động và phục vụ nước suối miễn phí.
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là đoạn cao tốc cuối cùng nối TP.HCM với Nha Trang. Khi cao tốc này được thông suốt, tuyến giúp rút ngắn thời gian từ TP.HCM ra Nha Trang chỉ còn khoảng 4-5 giờ, giảm một nửa so với đi trên quốc lộ 1. Trước đó, 4 đoạn cao tốc đã hoàn thành, gồm: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo, Cam Lâm – Nha Trang đã đi vào hoạt động.
Vietnamnet.vn
Nguồn: https://vietnamnet.vn/hinh-hai-tuyen-cao-toc-cuoi-cung-tp-hcm-di-nha-trang-hon-8-920-ty-dong-2275063.html